“Xa và gần”

- Chủ Nhật, 22/04/2018, 07:28 - Chia sẻ
Những vấn đề hậu chiến đã được phản ánh một cách sắc nét trong bộ phim nổi tiếng “Xa và gần” (từng giành cơn mưa giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 7), xứng đáng là những thước phim quay chậm đưa chúng ta về thăm lại một mảnh ký ức chưa xa, khi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Miền Nam đang gần đến...

“Những khoảng cách còn lại” là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của thập niên 1980 với số lượng in lên đến vài chục nghìn bản. Đây là một trong những cuốn tiểu thuyết mang đậm không khí thời cuộc của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, người đã đưa những xung đột của xã hội, của thời hậu chiến vào một gia đình ở đô thị miền Nam với sự khác biệt về ý thức hệ, lý tưởng cũng như quan niệm đời sống. Chỉ một năm sau cuốn tiểu thuyết còn nóng hổi tính thời sự này ra đời, Nguyễn Mạnh Tuấn và đạo diễn Huy Thành đã chuyển thể thành bộ phim hai tập có tên là “Xa và gần”. Bộ phim tiếp tục là một mốc son trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Huy Thành khi giúp ông giành Bông Sen Vàng cho phim hay nhất và những giải cá nhân như Biên kịch, Đạo diễn, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Quay phim tại LHP Việt Nam lần 7 (năm 1985).

Tập 1 của bộ phim có tên là “Xa”, kể câu chuyện một gia đình bị ly tán và chia cắt bởi chiến tranh. Ông Sĩ, người chồng (Bắc Sơn đóng) và Hải, cậu con trai cả (Trần Vịnh đóng) tập kết ra Bắc và trở thành những người cán bộ cộng sản nòng cốt, trong khi bà Thuận Thành (Thụy Vân đóng), người vợ, người mẹ ở lại Sài Gòn nuôi dạy một đàn con và trở thành nhà tư sản giàu có. Chiến tranh kết thúc, mặc dù được vợ chồng đứa con trai thứ thúc giục vượt biên sang Mỹ, bà Thuận Thành vẫn quyết định ở lại để chờ chồng, chờ con trai cả. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, gia đình vừa sum họp thì những xung đột về ý thức hệ, về cách sống của họ lại hoàn toàn khác nhau và tạo nên những mâu thuẫn không thể hòa giải...

 “Xa và gần” đặt bối cảnh Sài Gòn sau giải phóng vào trọng tâm của bộ phim với cái nhìn đậm tính phản biện, cho dù nó có thể đã trở nên lỗi thời ở thời điểm hiện tại khi xem lại...

Tập 2 có tên là “Gần”, tiếp tục mạch chuyện nóng bỏng của tập 1 và đưa nó lên cao trào mới khi trong gia đình họ có thêm sự xuất hiện của Hà (Hà Xuyên đóng), vợ của Hải, một cán bộ trẻ nhiệt huyết và năng lực, người nằm trong ban cải tạo tư sản. Cuộc đối đầu giữa chồng và vợ, mẹ và con dâu, anh em ruột trở nên căng thẳng cho đến khi họ tìm được tiếng nói chung và đoàn kết các thành viên trong gia đình, cho dù phải trả cái giá khá đắt...

Khác với “Nổi gió” và “Về nơi gió cát” với câu chuyện diễn ra ở miền quê nghèo và tinh thần đấu tranh bất khuất hay hòa giải dân tộc của người dân vùng quê, “Xa và gần” đặt bối cảnh Sài Gòn sau giải phóng vào trọng tâm của bộ phim với cái nhìn đậm tính phản biện; cho dù nó có thể đã trở nên lỗi thời ở thời điểm hiện tại khi xem lại. Một xã hội với cái cũ và cái mới; giữa hai ý thức hệ đan xen, đối đầu nhau một cách quyết liệt. Đạo diễn Huy Thành rất sắc sảo trong mô tả tâm lý nhân vật, đặc biệt là những nhân vật đối chiều nhau với sự cực đoan như bà Thuận Thành, đại diện cho tầng lớp tư sản giàu có, coi vật chất là điều quan trọng nhất và Hà, cô con dâu “đỏ” quyết liệt cải tạo tư sản không ngần ngại đụng chạm, kể cả bà mẹ chồng và các cô em chồng luôn coi cô là kẻ đối địch. Nhịp điệu và không khí của bộ phim đã tái hiện một thời không còn bóng dáng của chiến tranh, mất mát; nhưng vẫn đầy chia rẽ, mâu thuẫn không dễ gì hòa giải vì lý tưởng và con đường mà họ chọn...

Bảo Khánh