Phim Em bé Hà Nội

Lòng nhân ái của người Hà Nội trong chiến dịch rải thảm B52

- Thứ Năm, 27/12/2012, 08:32 - Chia sẻ
Bộ phim truyện nhựa Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi phản ánh cuộc sống của Hà Nội trước, trong và sau chiến dịch rải thảm bom B52 của Mỹ cuối năm 1972, đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam.

Phim là câu chuyện về cô bé học sinh trường nhạc 12 tuổi Ngọc Hà bị lạc mất mẹ và em gái sau cuộc oanh tạc dữ dội bằng B52 của quân đội Mỹ trong đợt Giáng sinh năm 1972, và đi tìm cha trong bối cảnh đổ nát của Hà Nội. Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần dần được hội ngộ em gái của mình.

Đạo diễn Nguyễn Hải Ninh chia sẻ trong cuốn Đối mặt với B52 (NXB Trẻ 2012): có 2 nguyên nhân dẫn đến việc ông và êkip tại Hãng phim truyện Việt Nam quyết định làm phim Em bé Hà Nội, trước hết là ấn tượng của ông về B52. “Trước đợt 12 ngày đêm, nó đánh ngoại thành, mình cứ nghe ùm ùm thôi. Nhưng đêm 18.12, nó đánh vào cầu Long Biên, gần nhà tôi ở, tôi ôm con bé út mới 3 tuổi xuống hầm bên bờ sông, hầm chật ních. Lần đầu tiên sao nó (ném bom) lâu như thế, và nó chấn động liên tiếp, những ánh chớp xanh lè, những tiếng nổ, làm cho trẻ con rất sợ hãi. Con bé con cứ ôm chặt lấy tôi. Mình thấy cái man rợ của chiến tranh đối với trẻ con. Nhưng lúc ấy chưa nghĩ đến chuyện làm phim đâu. Phải sau những cuộc đi sục đến những nơi nó ném bom, và đặc biệt sau khi chứng kiến sự khủng khiếp của bom đạn tại khu phố Khâm Thiên thì tôi quyết tâm làm phim. Ở Khâm Thiên, Mỹ ném bom rải thảm, gần như diệt từng thước đất. Mình nhìn thấy sự bi thương, nhưng có lẽ chỉ thế thì chưa đủ để tạo cho mình cảm xúc làm phim. Tôi gặp những người vừa mất con lại cưu mang các em bé mồ côi, nuôi nấng như con của mình. Tôi thấy đó là tình yêu thương vô bờ, hay là sức mạnh của người hậu phương. Nếu không có những con người như thế thì làm thế nào những chiến sỹ ở mặt trận yên tâm chiến đấu. Từ hình ảnh những đứa trẻ ấy, và hình ảnh tấm lòng của người Hà Nội ấy, xuất hiện trong tôi ý nghĩ: “Nhất định phải làm phim này, phải làm phim Em bé Hà Nội”.

Ông kể tiếp: “Lúc đầu khi tôi đến chỗ sơ tán của Hãng phim truyện, gặp anh Chỉ (nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ), nói ý nghĩ của mình, anh ấy mắng: Mày tham. Mới làm gần 10 năm trời phim kia, nghỉ ngơi đã. Chúng tôi vừa hoàn thành Vỹ tuyến 17 ngày và đêm sau 7 năm ròng rã. Tôi bảo không nghỉ được, lúc nào cảm xúc đến, phải ứa ra ngay, không có thì lại nguội. Thế là lại châu đầu vào, tôi kể tất cả những gì tôi thấy ở Hà Nội, anh Chỉ viết nhanh thôi. Trong năm 1973 quay phim thì đến năm 1974, phim đã ra mắt công chúng”.

Nhà quay phim Trần Thế Dân nhớ lại, khi quay phim Em bé Hà Nội, những đống đổ nát ở Khâm Thiên vẫn chưa dọn hết. “Chúng tôi quay cảnh thật ở Khâm Thiên, Bạch Mai và Yên Viên. Em bé Hà Nội không nói về chiến công, cũng không đi sâu vào chuyện tố cáo tội ác của quân thù, mà chủ yếu ca ngợi lòng nhân ái của người Hà Nội, biết đùm bọc bảo vệ nhau”.

Phim Em bé Hà Nội đã giành được nhiều giải thưởng như giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ ba (năm 1975), Giải đặc biệt của Ban Giám khảo LHP Quốc tế Moscow (năm 1975), Giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHP Quốc tế Syria... Nhận xét về tác phẩm này, nhà phê bình phim người Mỹ Jonathan Rosenbaum (chủ mục Phê bình Phim của tờ Chicago Reader trong 20 năm) từng nói: “Bộ phim xuất sắc không chỉ bởi sự chân thực, thẳng thắn và gợi cảm xúc mà còn bởi phong cách điện ảnh hoàn mỹ”. Còn với đạo diễn Hải Ninh, “Em bé Hà Nội như một nén nhang tưởng niệm linh hồn những người đã khuất”.

PV tổng hợp