Tự lực, tự cường để phục hồi kinh tế

- Thứ Năm, 24/03/2022, 06:57 - Chia sẻ
Để trở thành một dân tộc tự chủ, tự lực và tự cường trong công cuộc phát triển, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) khuyến nghị, Việt Nam khai thác tối đa sức mạnh cộng hưởng với nguồn lực toàn cầu thông qua chiến lược thông thái và nỗ lực hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Năng lực nội sinh còn thấp

Tại tọa đàm “Tự lực, tự cường - tạo đà phục hồi kinh tế - xã hội và phát triển trong hội nhập” ngày 23.3, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, với chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn.

Giai đoạn 2002 - 2018, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống dưới 6%. Năm 2019, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực; năm 2020 tiến 29 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu. Nước ta cũng là một trong ít quốc gia ngăn ngừa, kiểm soát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, cúm A H7N9, có kết quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã về đích với con số kỷ lục hơn 668 tỷ USD, tăng hơn 22% so với năm 2020. Có 35 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Việt Nam đã hoàn thành ký kết và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Toàn cho rằng nước ta vẫn còn một số hạn chế trong quá trình phát triển. Mặc dù có nhiều cải thiện nhưng năng lực nội sinh và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp và chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội có được từ hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, còn có biểu hiện lúng túng, bị động trong bảo hộ sản xuất trong nước. Mặt khác, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn nước ngoài (FDI), đây là khu vực đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và cân đối cán cân thương mại. Trong khi đó, liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước còn yếu kém, lan tỏa công nghệ, tri thức của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài còn thấp.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Hà Văn Hội, Trưởng khoa, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia) cho rằng, với xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của dịch Covid-19, cắt giảm vốn đầu tư, sức ép bảo hộ tăng lên… Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ. Nếu không thận trọng trong quá trình tự chủ và hội nhập kinh tế, sẽ dễ rơi vào bẫy nợ, bẫy công nghệ, làm xói mòn thị trường quốc gia.

Toàn cảnh tọa đàm

Nguồn: ITN 

Vừa cạnh tranh, vừa hợp tác

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, thực tế, các nền kinh tế có khả năng tự lực và tự cường cao thường chống chịu tốt với các khủng hoảng bên ngoài, từ đó dẫn đến phát triển mang tính bền vững. “Tự lực, tự cường ở đây là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác”. Theo ông, các nền kinh tế có quy mô trung bình hoặc nhỏ thường hướng đến khả năng tự cường và nhấn mạnh vào khả năng thích ứng, vượt qua các biến động bên ngoài để phục hồi nhanh chóng và phát triển ổn định. Với Việt Nam, nỗ lực đàm phán, ký kết và thực thi các FTA đã góp phần không nhỏ vào nỗ lực tự lực, tự cường, tự chủ của nền kinh tế đất nước. 

Chia sẻ kinh nghiệm và thành công của Singapore, PGS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho biết, tự lực, tự cường là ý thức và phương châm không ngừng nâng cao sức mạnh nền tảng và cốt lõi của dân tộc trong nỗ lực phát triển. Bài học của Singapore chính là tính bền vững và khả năng chống chịu; sức mạnh của quốc gia được tạo nên từ những giá trị kế thừa của phần còn lại của thế giới.

Để trở thành một dân tộc thực sự tự chủ, tự lực và tự cường trong công cuộc phát triển, PGS.TS. Vũ Minh Khương khuyến nghị Việt Nam có thể khai thác tối đa sức mạnh cộng hưởng với nguồn lực toàn cầu thông qua chiến lược thông thái và nỗ lực hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Người dân nỗ lực học hỏi, tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại và kinh nghiệm phát triển hay nhất của thế giới; nêu cao ý thức trong xây dựng năng lực kiến tạo giá trị của toàn xã hội, đặc biệt về thể chế, con người và văn hóa.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế đã có trọng tâm, trọng điểm nhưng muốn thành công phải quyết liệt hơn nữa, việc thực thi chính sách cần có sự kết nối, vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Bên cạnh đó, cần phát huy sức mạnh cộng hưởng, trong bối cảnh phục hồi kinh tế cần sự đồng bộ, nếu tắc ở một khâu nào, cấp nào đó thì địa phương cũng sẽ gặp khó. “Chúng ta cần đi theo hướng đã tích cực phải tích cực hơn nữa, Việt Nam phải là nước tích cực nhất trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hạnh Nhung