Béo phì, mệt mỏi, căng thẳng… sẽ dẫn đến sa sinh dục ở phụ nữ

- Thứ Bảy, 20/05/2023, 10:05 - Chia sẻ

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục. Tuổi tác, mệt mỏi, béo phì, … là một trong các yếu tố thuận lợi gây nên căn bệnh này.

Sa sinh dục không chỉ gây mất thẩm mỹ vùng kín, mà còn ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống.

Béo phì, mệt mỏi, căng thẳng… sẽ dẫn đến sa sinh dục ở phụ nữ -0
Sa sinh dục làm ảnh hưởng đến cuộc sống - Ảnh: Internet

TS. BS Trần Ngọc Dũng – Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, sa sinh dục là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ. Trên thực tế, không chỉ tử cung mà thường cả bàng quang và trực tràng sa vào trong âm đạo. Trong trường hợp nặng, các tạng trên có thể sa ra ngoài âm hộ.

Tử cung thuộc bộ phận sinh dục nữ nằm trong tiểu khung. Nó được giữ tại chỗ bằng lớp cơ và các tổ chức vùng đáy chậu (dàn của phần dưới khung xương chậu), bởi các thành âm đạo và các dây chằng trong bụng và chậu hông.

Nếu vì một lý do nào đó, các bộ phận cố định hay giữ tử cung bị giãn, nhão ra và khi áp lực trong ổ bụng tăng (như khi thở, rặn, ho), sức nặng của tử cung sẽ đẩy, kéo nó tụt dần xuống thấp gây nên sa sinh dục với các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 10% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh sa sinh dục. Bệnh thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 40 - 60 tuổi.

Bác sỹ khuyến cáo căn bệnh sa sinh dục, sa tử cung có thể biến chứng, kéo theo sa các cơ quan khác. Khi bị sa sinh dục, tử cung bị tụt thấp khỏi vị trí ban đầu, tạo thành lỗ hổng lớn và mất đi sự liên kết của các cơ quan xung quanh, từ đó kéo theo hiện tượng sa trực tràng, sa bàng quang và các bộ phận khác ở vùng chậu.

 Sự sa xuống của các cơ quan khác ở vùng chậu làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ bài tiết, gây khó khăn cho hoạt động đại tiểu tiện của người bệnh. Không chỉ vậy, biến chứng của sa sinh dục còn gây nên loét âm đạo và nhiễm trùng cho đường tiểu.

Do đâu mà phụ nữ mắc bệnh sa sinh dục?

Theo TS. BS Trần Ngọc Dũng, nguyên nhân cơ bản của căn bệnh sa sinh dục là do hệ thống cơ và dây chằng vùng đáy chậu bị lão hóa, dãn ra, các phủ tạng trong ổ bụng đè lên vùng đáy chậu khiến các cơ quan vùng chậu dễ dàng tụt xuống theo các khe hở tự nhiên của đáy chậu.

Các nguyên nhân và yếu tố thuận lợi thường gặp dẫn tới căn bệnh sa sinh dục có thể kể đến như: Di truyền, chủng tộc (người da trắng bị nhiều hơn người Á Đông, Châu Phi); Sinh đẻ; Công việc làm nặng nhọc; Tuổi tác; Thiếu Estrogen – sau thời kỳ tắt kinh; Béo phì; Tăng áp lực ổn bụng kéo dài (táo bón, ho mạn tính); Phẫu thuật (cắt tử cung toàn phần).

Béo phì, mệt mỏi, căng thẳng… sẽ dẫn đến sa sinh dục ở phụ nữ -0
Béo phì là yếu tố thuận lợi gây nên sa sinh dục ở phụ nữ - Ảnh: Internet

Bác sỹ cảnh báo những phụ nữ có tiền sử chuyển dạ kéo dài, đẻ khó, đẻ nhiều lần, đi làm quá sớm sau sinh có nguy cơ cao bị sa sinh dục. Bên cạnh đó, những phụ nữ lao động nặng như công nhân, nông dân, người phải làm việc ở tư thế đứng kéo dài, gánh vác nặng làm tăng áp lực lên vùng đáy chậu cũng có nguy cơ bị sa sinh dục.

Ở phụ nữ chưa sinh đẻ, nguy cơ sa sinh dục xảy ra do thể trạng yếu, dây chằng mỏng. Tử cung tư thế trung gian, khi có áp lực mạnh trong bụng có thể đẩy tử cung sa dần xuống dưới.

Các triệu chứng của căn bệnh sa sinh dục và phương pháp điều trị

TS. BS Trần Ngọc Dũng cho biết, sa sinh dục xuất hiện giai đoạn sớm với các triệu chứng như: Người bệnh thấy có khối phồng ở vùng âm hộ, khối phồng xuất hiện không thường xuyên, chỉ thấy khi ngồi xổm hoặc khi ho rặn đi cầu. Càng ngày, khối phồng vùng âm hộ càng sa ra ngoài nhiều hơn và thường xuyên hơn.

Khi tình trạng trở nặng, khối sa thường trực nằm ở ngoài âm hộ không đẩy vào trong âm đạo được nữa, liên tục cọ xát vào quần áo gây cảm giác vướng víu, khó chịu trong sinh hoạt thường ngày. Đây cũng là lúc tử cung dễ bị viêm loét, hoại tử và phải phẫu thuật cắt bỏ.

Ngoài các triệu chứng nêu trên, sa sinh dục thường kèm với những rối loạn đi tiểu. Người bệnh thường tiểu gấp, tiểu nhiều lần, không đi hết nước tiểu được, tiểu yếu, hay bị nhiễm trùng đường tiểu. Không chỉ vậy, rối loạn đi tiểu còn bao gồm tiểu không tự chủ khi gắng sức. Người bệnh bị đi tiểu không kiểm soát khi ho, cười, gây mất tự tin và bất tiện trong cuộc sống.

Rối loạn đại tiện cũng là một trong các triệu chứng thường thấy của sa sinh dục. Người bệnh không đại tiện hết được, có khi phải dùng tay đẩy cục lồi vào bên trong mới đại tiện được. Ngoài ra có thể gặp táo bón hoặc không kiểm soát được trung tiện.

Triệu chứng rối loạn về sinh dục, biểu hiện là âm đạo rộng, không có cảm giác hoặc khối sa làm dương vật không vào âm đạo được. Người bệnh có thể đau, chảy máu khi quan hệ. Chảy máu, khí hư ra nhiều do cổ tử cung viêm nhiễm, cọ xát khiến người bệnh đi lại khó khăn, hạn chế lao động, … Nhiều phụ nữ bị sa sinh dục tuy kinh nguyệt vẫn bình thường và vẫn có khả năng có thai, nhưng dễ sẩy thai và đẻ non.

Người bệnh sa sinh dục cần dành thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, không hoạt động quá sức, cố gắng giữ tinh thần thoải mái, để hạn chế áp lực lên vùng chậu. Có thể tập các bài tập huấn luyện bàng quang như tập đi tiểu đều đặn; Tập cơ nâng sàn chậu (bài tập Kegel).

Về chế độ dinh dưỡng, bác sỹ khuyên người bệnh nên có chế độ ăn uống cân đối, tăng cường chất xơ tránh táo bón, không ăn quá nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì.

Tùy vào mức độ sa sinh dục, trong quá trình điều trị, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng liệu pháp Estrogen âm đạo tại chỗ (tăng cường sức mạnh hệ cơ, dây chằng nâng đỡ tử cung); Cố định tử cung qua âm đạo bằng phương pháp đặt vòng hỗ trợ âm đạo hoặc phẫu thuật.

Tuy không nguy hiểm tới tính mạng, sa sinh dục ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sinh hoạt và lao động của phụ nữ, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh. Thêm vào đó, vì bệnh ở vùng kín, nhiều phụ nữ có tâm lý ngại tìm hiểu, thiếu thông tin, âm thầm chịu đựng, giấu bệnh.

Đến khi bệnh chuyển nặng mới tìm đến bác sĩ. Trường hợp thấy có bất thường về vùng tầng sinh môn, bác sỹ khuyên người bệnh nên đi kiểm tra để có được tư vấn, điều trị kịp thời.

Phương Thảo
#