Quảng Ninh: 50 năm phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương

- Thứ Tư, 30/10/2013, 08:31 - Chia sẻ
50 năm, HĐND tỉnh với biết bao thăng trầm theo biến cố của lịch sử, từ nhiệm kỳ đầu tiên, HĐND của tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng đã hoạt động từ năm 1962. Sau khi sáp nhập 2 đơn vị hành chính này thành tỉnh Quảng Ninh (30.10.1963), HĐND tỉnh triệu tập kỳ họp đầu tiên vào ngày 6.1.1964 (kỳ họp diễn ra trong 2 ngày) đánh dấu bước đầu trong lịch sử hoạt động của HĐND tỉnh trong suốt chặng đường hình thành và phát triển của tỉnh.
50 năm qua đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết địnhnhững vấn đề quan trọng của đất nước; tạo niềm tin lớn trong nhân dân về một QH của dân, do dân và vì dân
Ảnh: ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII
 Ảnh: Q. Khánh
HĐND tỉnh Quảng Ninh vớái chức năng quyết định và giám sát trong mọi thời kỳ

Trong từng thời kỳ lịch sử, gắn với sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước, HĐND tỉnh luôn phát huy vai trò là cơ quan quyền lực tại địa phương, thực hiện tốt nhất các chức năng cơ bản đó là quyết định và giám sát để đưa kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển theo đúng hướng.

Từ Khóa I (nhiệm kỳ 1965 - 1967) đến Khóa IV (nhiệm kỳ 1974 - 1977), trong giai đoạn này, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, trong đó có HĐND tỉnh trong mỗi việc làm và hành động cụ thể đều hướng về sản xuất và chiến đấu. Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Giai đoạn này, HĐND tỉnh đã trải qua 4 khóa, từ 1965 đến 1977. Các nghị quyết HĐND tỉnh trong giai đoạn này đã có tác dụng cổ vũ động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh anh dũng phấn đấu xây dựng từng bước cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất, chiến đấu củng cố hậu phương. Do đó đã thu được nhiều kết thành tích trên các mặt sản xuất, chiến đấu, xây dựng đời sống. Cùng với đó, phát huy vai trò đại biểu của nhân dân, các thành viên HĐND và UBHC tỉnh đều thể hiện tính tích cực công tác, sản xuất đi sát quần chúng, tuyên truyền động viên nhân dân thực hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ. Điển hình trong giai đoạn này, ngoài các Nghị quyết chung về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết có tính chất chuyên đề như: Nghị quyết về phong trào lao động sản xuất (Kỳ họp 6 - Khóa II); Nghị quyết về nhiệm vụ đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và gia đình quân nhân và Nghị quyết về công tác thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa (Kỳ họp thứ I, Khóa III); Nghị quyết về công tác thủy lợi (Kỳ họp 2, Khóa III); Nghị quyết việc đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua gửi tiền tiết kiệm và Nghị quyết phong trào 8 giờ lao động có năng suất và hiệu suất quan tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức Kế hoạch Nhà nước năm 1973 (Kỳ họp thứ 4, Khóa III); Nghị quyết về phong trào thi đua lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng Quảng Ninh giầu đẹp, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch nhà nước năm 1975... Các đại biểu HĐND hàng tháng duy trì mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri theo quy định và báo cáo về UBHC tỉnh, các Tổ trưởng thường xuyên liên hệ mật thiết với đại biểu của tổ mình nắm chắc tình hình và giữ vững nền nếp sinh hoạt tổ 2 tháng 1 lần.

Từ Khóa V (nhiệm kỳ 1977 - 1981) đến Khóa VII (nhiệm kỳ 1985 - 1989), trong giai đoạn lịch sử này, sau khi giải phóng và thống nhất đất nước (năm 1975), các nghị quyết HĐND tỉnh đã bám sát nhiệm vụ, chủ trương của Đảng, Chính phủ để ban hành kịp thời, đất nước ta chuyển từ thời kỳ quan liêu bao cấp sang thời kỳ đổi mới. Tại bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Khóa VII của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoành đã nhấn mạnh: phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp lỗi thời chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh XHCN nhằm đẩy mạnh sản xuất phát triển, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, triệt để thực hiện tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, phấn đấu đạt 4 mục tiêu của Nghị quyết đề ra là giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân lao động. Đặc biệt trong Kỳ họp đầu tiên, Khóa VI (1981-1985), HĐND tỉnh đã quyết định thành lập 4 ban gồm: Ban Kế hoạch, Ban Văn hóa - Giáo dục, Ban Đời sống và Ban Dân tộc. Tiếp đó, đến Khóa VII, Kỳ họp thứ nhất đã quyết nghị thành lập Ban Thư ký và 5 ban chuyên trách: Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách; Văn hóa - Xã hội và đời sống; Pháp chế; Dân tộc; Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Đáng chú ý, HĐND tỉnh thời kỳ này đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề như: về lập quỹ xây dựng vùng kinh tế mới (kỳ họp 4, Khóa VI); về nghề cá, nghề rừng (kỳ họp thứ 7, Khóa VI)... Các đại biểu HĐND đã phát huy vai trò, chức năng giám sát của mình thông qua hoạt động chất vấn UBND tỉnh, tiếp xúc cử tri và truyền đạt Nghị quyết kỳ họp.

Từ khóa VIII (nhiệm kỳ 1989 đến 1994) đến nay (Khóa XII, nhiệm kỳ 2011 - 2016), thời kỳ này, kinh tế đất nước và của tỉnh đang trên đà phát triển, tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. HĐND tỉnh Quảng Ninh với vai trò, chức năng của mình đã có nhiều đổi mới, ban hành nhiều nghị quyết trúng, đúng và sát với tình hình thực tế, đồng thời tăng cường các hoạt động kiểm tra, đôn đốc, giám sát các ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức kinh tế - xã hội thực hiện nghị quyết và giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề bức xúc của địa phương. Do đó, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng trong các năm gần đây, GDP từ năm 1999 - 2004 tăng bình quân mỗi năm 12%. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2004 - 2011, kinh tế tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển toàn diện, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tiềm lực, quy mô nền kinh tế tăng mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP theo giá so sánh) bình quân giai đoạn 2005 - 2010 ước đạt 12,7%. Thu chi ngân sách có bước tiến bộ vượt bậc, đã chủ động điều hành thu, chi ngân sách, tăng cường quản lý, phân cấp quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ngân sách địa phương. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có những bước chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Phát biểu tại kỳ họp thứ 23 (nhiệm kỳ 2004 - 2011), Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2004 - 2011 của HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XI đã trải qua rất nhiều dấu mốc quan trọng với nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trước đây, Quảng Ninh vẫn còn là tỉnh phải nhận hỗ trợ của Trung ương, những năm cuối nhiệm kỳ, Quảng Ninh là tỉnh thu ngân sách đứng thứ 5 toàn quốc. Đời sống của nhân dân từ nông thôn đến thành thị được cải thiện đáng kể. Vị thế của tỉnh đã được nâng cao.

Ngoài các nghị quyết chung về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong từng năm, từng thời kỳ, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá, có tác động to lớn đến đời sống nhân dân đã đi vào cuộc sống như: Nghị quyết về một số chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường Quảng Ninh đến năm 2010 (Kỳ họp thứ 7, Khóa X); Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến 2015; Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2011 - 2015 và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp dài hạn để phát triển toàn diện kinh tế; xã hội; Nghị quyết thông qua Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh tỉnh Quảng Ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái” thể hiện ý chí và khát vọng của nhân dân Quảng Ninh trước cơ hội phát triển mới; Nghị quyết thông qua Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”; Nghị quyết thông qua Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; Ngoài việc thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên (phần kinh phí không tự chủ) để dành nguồn lực cho dự án động lực của tỉnh, theo đó nguồn vốn tiết kiệm được đã dành 50 tỷ cho dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô và 50 tỷ cho dự án Công viên Lán Bè; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015; về chính sách hỗ trợ vốn kiên cố hóa kênh mương loại III tại các xã khó khăn; về ban hành danh mục công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 được ưu tiên tập trung đầu tư; về ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú đang học tại các cơ sở giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng quy định tại các Quyết định số 85/QĐ-TT ngày 21.12.2010 của Thủ tướng Chính phủ; về chính sách bảo trợ với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; về quy định chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút nhân tài của tỉnh Quảng Ninh... Đặc biệt gần đây, tại Kỳ họp thứ 5 và Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Khóa XII, lần đầu tiên đã ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; về kết quả giám sát công tác thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh; về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và cán bộ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh...

Hoạt động của HĐND tỉnh với nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn mới

Qua các thời kỳ hoạt động của HĐND tỉnh trong suốt 50 năm qua, tuy từng thời kỳ lịch sử có những biến động về số lượng đại biểu, cơ cấu tổ chức bộ máy nhưng hoạt động của HĐND tỉnh đều hướng tới việc đổi mới hoạt động trên nhiều mặt: cải tiến điều hành kỳ họp một cách linh hoạt, khoa học; các báo cáo, đề án được trình bày ngắn gọn, súc tích, rõ ràng; các Ban HĐND nâng cao trách nhiệm trong việc thảo luận tập thể để thẩm tra báo cáo, tờ trình và chuẩn bị các báo cáo thẩm tra đạt chất lượng; kỳ họp chú trọng việc dành nhiều thời gian cho thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường và đặc biệt là chất vấn và trả lời chất vấn. Với những nét đổi mới nêu trên, trong từng khóa, từng nhiệm kỳ đã góp phần nâng cao vị thế của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trên địa bàn tỉnh, đồng thời củng cố mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chất lượng đại biểu các nhiệm kỳ sau đều được nâng lên so với nhiệm kỳ trước, đảm bảo các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, chính trị, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đáng chú ý, trong 2 nhiệm kỳ gần đây, cơ cấu đại biểu HĐND tỉnh đã chú trọng tỷ lệ đại biểu nữ, ngoài Đảng, trẻ tuổi, dân tộc ít người và tái cử. Điển hình là cơ cấu và chất lượng đại biểu HĐND tỉnh Khóa XII (2011 - 2016): nữ chiếm 31,94%; tuổi trẻ (dưới 35) là 11,11%; dân tộc ít người 8,33%; đại biểu ngoài Đảng 9,72%; trình độ đại học 97,22%; trên đại học 13,89%; lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 76,39%.

Việc đổi mới về cơ cấu, chất lượng đại biểu cũng như việc tăng số lượng hoạt động chuyên trách Khóa XII đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND. Tổng số thành viên của 3 Ban HĐND tỉnh Khóa XII là 33 thành viên (nhiệm kỳ trước là 19 thành viên), trong đó có 5 thành viên chuyên trách gồm 4 Phó trưởng ban và 1 ủy viên chuyên trách, nâng tổng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là 7 đại biểu.

Đánh giá về hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian qua, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Như Hiền khẳng định: hoạt động của HĐND tỉnh trong suốt 50 năm qua, tuy từng thời kỳ lịch sử có những biến động về số lượng đại biểu, cơ cấu tổ chức bộ máy nhưng hoạt động của HĐND tỉnh đều hướng tới việc đổi mới hoạt động trên nhiều mặt. Phương pháp chỉ đạo, điều hành kỳ họp linh hoạt, khoa học hơn. Chất lượng thẩm tra của các ban HĐND tỉnh ngày càng nâng cao khi các ban chủ động tiếp cận, tham gia đóng góp ý kiến ngay từ khi khi cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo nghị quyết. Tại các phiên họp thảo luận, chủ tọa thường xuyên gợi mở nhiều vấn đề mang tính phản biện để đại biểu tập trung thảo luận, nêu ý kiến đề nghị giải trình hoặc chất vấn đối với các cơ quan có liên quan trong các phiên họp; định hướng những vấn đề lớn, quan trọng để đại biểu tập trung thảo luận và quyết nghị công khai. Cùng với đó, chất lượng đại biểu các nhiệm kỳ đều được nâng lên, bảo đảm các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Điều này đã góp phần nâng cao vị thế của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trên địa bàn tỉnh, đồng thời củng cố mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri trên địa bàn tỉnh.

 Dấu mốc lịch sử đáng nhớ

Những ngày đầu sau khi thành lập tỉnh: Trước khi có nghị quyết của QH nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khóa II, họp lần thứ 7 ngày 30.10.1963 đã quyết định hợp nhất hai tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, HĐND đã hoạt động theo nhiệm kỳ 1962 - 1964, với kết quả bầu cử diễn ra vào ngày 25.5.1962. Sau khi có Nghị quyết nêu trên, từ ngày 6 - 7.1.1964, Ủy ban Hành chính khu Hồng Quảng đã triệu tập Hội nghị HĐND tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất, với sự có mặt của 99/128 đại biểu. Hội nghị diễn ra đúng vào ngày kỷ niệm tổng tuyển cử QH Khóa I của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội nghị có nhiệm vụ quan trọng trong việc thảo luận phương hướng phát triển kinh tế và yêu cầu cải thiện của đời sống nhân dân trong tỉnh năm 1964. Hội nghị đã bầu ra Ủy ban Hành chính mới (do đồng chí Hoàng Chính là Chủ tịch) và Tòa án nhân dân tỉnh.

Kết thúc nhiệm kỳ 1962 - 1964, HĐND đã họp được 3 kỳ (kỳ 3 diễn ra vào các ngày 15 - 16.3.1965). Trong từng thời điểm lịch sử, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết sát hợp để lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế-xã hội trên địa bàn phát triển nhanh chóng như, tại phiên họp thứ 2 (29 - 30.7.1964) ban hành: Điều lệ, quy định nghĩa vụ và quyền lợi cho cá nhân và tập thể về trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng. Báo cáo về sự hoạt động của HĐND tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ 1962 - 1964 đã nêu: trong nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã có những quyết định rất đúng đắn để Ủy ban Hành chính tỉnh chỉ đạo thực hiện các mặt công tác tại địa phương và thu được nhiều kết quả tốt, nhất là khi hợp nhất tỉnh ta đã thu được những thắng lợi to lớn: trong công nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất than (3 triệu 20 vạn tấn), nhiều cơ sở công nghiệp khác cũng đạt và vượt mức kế hoạch; trong nông nghiệp mặc dù còn nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng nhân dân đã khắc phục dành liên tiếp vụ được mùa tương đối toàn diện, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mức kế hoạch Nhà nước (lúa vượt 0,7%, khoai vượt 6,2%...); văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, nhiều trường học được xây dựng mở rộng, hầu hết các huyện, thị xã, thị trấn đều có bệnh xá, trạm xá... Kết quả ấy là do HĐND đã lãnh đạo động viên nhân dân quản lý và thực hiện các mặt công tác ở địa phương, mỗi thành viên trong HĐND đã đem hết sức mình phục vụ quần chúng, gương mẫu trong công tác và sản xuất... nhiều đại biểu đã chú ý thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh cho Thường trực Ủy ban giải quyết hoặc báo cáo trong các kỳ sinh hoạt của HĐND đã giúp cho HĐND và Ủy ban Hành chính nắm được tình hình thực tế hơn để có kế hoạch giải quyết kịp thời.

Như vậy có thể thấy, vai trò của HĐND có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngoài chức năng quyết định, giám sát, HĐND tỉnh còn có chức năng động viên, cổ vũ nhân dân thi đua lao động sản xuất và chiến đấu.

Kỳ họp thứ Nhất, Khóa I (tính từ sau khi hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh): Diễn ra trong 2 ngày 25 và 26.5.1965, đánh dấu chặng đường mới của HĐND tỉnh trong sứ mệnh thực hiện chức năng, vai trò của mình. Về dự kỳ họp có 78/90 đại biểu HĐND tỉnh (cuộc bầu cử đại biểu HĐND tỉnh diễn ra vào ngày 25.4.1965 đã bầu được 90 đại biểu). Tại Hội nghị đã nghe đại diện Ủy ban Hành chính tỉnh báo cáo kết quả bầu cử và báo cáo về tình hình nhiệm vụ mới; tiến hành bầu Ủy ban Hành chính mới (gồm 13 thành viên) và Hội thẩm nhân dân mới (61 thành viên). Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa II, Kỳ I đã nêu: Trước tình hình mới, Hội đồng hoàn toàn nhất trí cần phải chuyển hướng mạnh mẽ nền kinh tế công, nông nghiệp của tỉnh ta thành một nền kinh tế tương đối toàn diện, lấy sản xuất lương thực, thực phẩm làm trọng tâm, xây dựng được một tiềm lực kinh tế vững mạnh từ miền núi tới vùng biển, bảo đảm chiến đấu lâu dài với địch; công tác an ninh quốc phòng, xây dựng lực lượng võ trang và bán võ trang phải được đặc biệt chú trọng.

Phạm Hà