Diễn đàn

Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng, Khóa XVI
"Tôi đã chủ động giao dịch với chủ nhà ở xã hội nhưng không được"?!

Bảo Phương 28/07/2025 06:56

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng Khóa XVI mới đây, liên quan đến câu hỏi: có hay không việc giao dịch nhà ở xã hội trái quy định pháp luật, gây ra tình trạng kênh thêm giá, khiến người trong diện đối tượng càng khó tiếp cận, Chủ tọa kỳ họp trực diện: tôi đã chủ động giao dịch với chủ nhà ở xã hội nhưng không được, nhưng giao dịch với những trường hợp khác đang kinh doanh môi giới để mua nhà ở xã hội thì lại được với giá cao hơn giá Nhà nước duyệt.

Chủ toa
Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hiệu điều hành phiên chất vấn
và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đàm Thanh

Đây là thực tế đang xảy ra, ngành chức năng cần quan tâm làm sao không để các đối tượng trung gian cò mồi giao dịch nhà ở xã hội trục lợi. Làm như vậy, nhà ở xã hội không còn đúng mục đích an sinh mà bị biến tướng thành hàng hóa - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hiệu yêu cầu.

Có hay không giao dịch nhà ở xã hội trái quy định?

Một nội dung chất vấn rất thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và người dân không chỉ của thành phố Hải Phòng tại Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố vừa qua chính là những câu hỏi rất thẳng thắn, trực diện liên quan đến giải pháp khắc phục việc giá nhà ở xã hội của thành phố đang cao, nhiều người trong đối tượng được mua - công nhân, những người thu nhập thấp, khó tiếp cận. Việc có hay không giao dịch nhà ở xã hội trái quy định pháp luật, gây ra tình trạng kênh thêm giá, khiến người trong diện đối tượng càng khó tiếp cận.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Tuân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố liên quan đến nội dung trên, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quý Tiệp cho biết: trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có 7 dự án nhà ở xã hội đang mở bán; giá được duyệt dao động từ 12 - 19 triệu đồng/m2; giá thuê từ 59.000 - 84.000 đồng/m2/tháng - nằm trong khung giá thuê nhà nước do thành phố quy định. Các dự án ở nhà xã hội được xây dựng đồng bộ hiện đại, chất lượng tương đương với chung cư thương mại; giá bán qua khảo sát thấp hơn rất nhiều so với chung cư thương mại (khoảng 30 - 60 triệu đồng/m2).

Người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định: giá bán nhà ở xã hội được xây dựng bảo đảm tính đúng, tính đủ theo quy định pháp luật; được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng; đồng thời cho biết thêm, giá bán trên là tạm tính; sau quyết toán của nhà đầu tư, nếu giá bán cao hơn giá tạm tính ban đầu, nhà đầu tư không được thu thêm của người mua; nếu giá thấp hơn giá công bố tạm tính ban đầu, phần chênh lệch phải hoàn trả cho người mua.

iám đốc Sở Xây dựng Lê Quý Tiệp trả lời chất vấn tại Kỳ họp. Ảnh- Đàm Thanh
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quý Tiệp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 29, HĐND thành phố Hải Phòng. Ảnh: Đàm Thanh

Lý giải phản ánh về tình trạng người dân giao dịch ở nhà xã hội còn cao hơn so với giá quy định của Nhà nước, theo tư lệnh ngành xây dựng, có nguyên nhân do thông tin về dự án nhà ở xã hội chưa đến được với người dân kịp thời, đầy đủ, nên có tình trạng người dân mua thông qua những người môi giới, dẫn đến phát sinh chênh lệch tăng giá; đồng thời, đưa ra các giải pháp khắc phục theo hướng này.

Chưa đồng tình với trả lời, đại biểu Nguyễn Anh Tuân cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố đã đi khảo sát tại các tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh… giá nhà ở xã hội dao động từ 9 - 12 triệu/m2, đề nghị nghiên cứu để có giải pháp bảo đảm dự án đầu tư nhà ở xã hội có chất lượng nhưng giá phải thấp xuống; đại biểu đơn cử như mức đầu tư ở những tòa nhà 5 tầng trở xuống không có thang máy, mức giá hiện nay theo quy định Nhà nước chỉ từ 5 - 7 triệu/m2; theo đại biểu, sau khi các nhà đầu tư được hưởng lợi, giá bán cho người lao động Hải Phòng chỉ khoảng 11 triệu đồng/m2, vì vậy, cần nghiên cứu để hạ mức giá xuống.

Đặc biệt, đại biểu thẳng thắn: “Đồng chí trả lời chưa phát hiện được ra những sai phạm trong chuyển nhượng mua bán, đề nghị kiểm tra sẽ nắm bắt được ngay, nếu có thì phải xử lý dứt điểm”.

Không để bị biến tướng thành hàng hóa

Đồng tình với truy vấn của đại biểu, Chủ tọa kỳ họp trực diện: tôi đã chủ động giao dịch với chủ nhà ở xã hội nhưng không được, nhưng giao dịch với những trường hợp khác đang kinh doanh môi giới để mua nhà ở xã hội thì lại được với giá cao hơn giá Nhà nước duyệt. “Đây là thực tế đang xảy ra, ngành chức năng cần quan tâm làm sao không để các đối tượng trung gian cò mồi giao dịch nhà ở xã hội trục lợi. Làm như vậy, nhà ở xã hội không còn đúng mục đích an sinh mà bị biến tướng thành hàng hóa” - Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu.

Rất trăn trở với mong muốn, giấc mơ an cư để yên tâm lạc nghiệp của công nhân, những người thu nhập thấp, Chủ tọa đặt ra bài toán: qua khảo sát, thu nhập bình quân của công nhân trên địa bàn thành phố khoảng 8,5 triệu đồng/tháng; nếu 2 vợ chồng công nhân thu nhập bình quân được 17 triệu đồng/tháng, mua nhà ở xã hội với giá hiện nay khoảng 17 triệu đồng/m2; 1 căn hộ 60m2 giá khoảng 1 tỷ. Nhà nước cho vay 70% với lãi suất khoảng gần 6%, tức là mỗi tháng phải trả khoảng 4 triệu tiền lãi, chỉ còn 13 triệu, 2 vợ chồng vừa sinh sống, nuôi con, lại phải tiếp tục trả gốc… Câu chuyện làm như thế nào thu hút được công nhân về thành phố Hải Phòng đáp ứng yêu cầu lao động cho các doanh nghiệp khi thu hút đầu tư vào thành phố ngày càng lớn cũng là một vấn đề đặt ra cần sớm có giải pháp căn cơ.

Là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phát triển nhà ở xã hội, Hải Phòng không chỉ thể hiện quyết tâm chính sách mà còn cho thấy tinh thần hành động trực diện, trách nhiệm. Những chất vấn thẳng thắn, dám nhìn vào bất cập - đặc biệt từ người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương - đã và đang mở ra hướng tháo gỡ những “góc khuất” để thành phố tiếp tục hoàn thiện chính sách nhân văn này, đưa giấc mơ an cư của người lao động trở thành hiện thực - bằng niềm tin và trải nghiệm sống thực sự.

Bảo Phương