Giáo dục

Thời đại AI: Những ngành học có triển vọng nghề nghiệp cao nhất

Hồng Nhung 27/07/2025 19:28

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, với mỗi học sinh, việc lựa chọn ngành học không chỉ còn là câu chuyện của đam mê mà đã trở thành một bài toán về đầu tư cho tương lai.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-27 lúc 14.49.57
Sinh viên ngày nay ngày càng phải thực tế hơn trong việc lựa chọn ngành học.

Những phát hiện mới nhất từ Viện CFA và Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết, ngành tài chính – vốn lâu nay được xem là “con đường vàng” đến sự ổn định và thu nhập cao – đang dần mất vị thế trước các ngành học vốn ít được chú ý như dinh dưỡng, xây dựng, nông nghiệp...

Những bất ngờ từ các ngành học phi truyền thống

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý từ báo cáo là sự trỗi dậy của các ngành nhân văn – lĩnh vực lâu nay bị xem là “kém thực dụng”. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang có sự dịch chuyển trong tiêu chí tuyển dụng.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-27 lúc 15.38.51
Biểu đồ kết quả khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York về Những ngành học đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tại Mỹ: nhân chủng học, vật lý, kỹ thuật máy tính, thiết kế đồ hoạ thương mại, mỹ thuật, xã hội học, hoá học, khoa học máy tính, hệ thống thông tin và quản trị, chính sách công và luật. Ảnh: CNBC
Ảnh chụp Màn hình 2025-07-27 lúc 15.29.36
Biểu đồ kết quả khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York về Những ngành học đại học có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất tại Mỹ. Ảnh: CNBC

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York - Những ngành học đại học có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất tại Mỹ:

1. Khoa học dinh dưỡng: 0.4%

2. Dịch vụ xây dựng: 0,7%

3.Khoa học động thực vật: 1%

4. Kỹ thuật xây dựng: 1%

5. Giáo dục đặc biệt: 1%

6. Nông nghiệp: 1,2%

7. Giáo dục mầm non: 1,3%

8. Kỹ thuật hàng không vũ trụ: 1,4%

9. Điều dưỡng: 1,4%

10. Khoa học trái đất: 1,5%

Các số liệu cho thấy, các ngành STEM như khoa học máy tính – từng là điểm nóng tuyển dụng trong suốt giai đoạn hậu đại dịch – cũng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội và nhân văn lại đang gia tăng – và điều này hoàn toàn có lý do.

AI đang thay đổi cả giá trị của tấm bằng

Theo ông Peter Watkins, Giám đốc cao cấp phụ trách chương trình đại học của Viện CFA, chính sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang góp phần làm đảo lộn những định hướng nghề nghiệp truyền thống. Nếu trước đây, các ngành công nghệ và tài chính được xem là “vùng đất hứa” thì nay, nhu cầu về tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống – những kỹ năng đặc trưng của khối ngành nhân văn – lại ngày càng được đề cao.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-27 lúc 15.59.43
Thị trường lao động trong thời đại trí tuệ nhân tạo đang ưu tiên những người có khả năng tư duy tổng hợp, phân tích sâu sắc và linh hoạt trong môi trường công nghệ biến đổi.

Phát biểu tại một hội nghị tuyển dụng, ông Robert Goldstein, Giám đốc vận hành của tập đoàn BlackRock (quản lý tài sản lớn nhất thế giới) thẳng thắn thừa nhận, công ty đang ưu tiên tuyển dụng sinh viên các ngành như lịch sử, văn học Anh – những người có khả năng tư duy tổng hợp, phân tích sâu sắc và linh hoạt trong môi trường công nghệ biến đổi.

“Đang có một cuộc đổ xô vào AI. Những ai thích nghi nhanh sẽ thành công nhanh”, ông Watkins nhận định. Trong bối cảnh AI dần đảm nhiệm các công việc mang tính kỹ thuật, khả năng “làm người” – với tư duy phản biện, sáng tạo và cảm xúc – trở thành lợi thế cạnh tranh mới.

Lựa chọn ngành học: Cân bằng giữa đam mê và thực tế

Kết quả khảo sát và số liệu thực tế đều cho thấy một điểm chung: sinh viên ngày nay ngày càng thực tế hơn trong việc lựa chọn ngành học. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ nên chọn ngành “hot”. Ngược lại, những ngành tưởng chừng ít “ăn khách” lại đang khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong kỷ nguyên AI.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-27 lúc 16.04.16
Việc lựa chọn ngành học không chỉ còn là câu chuyện của đam mê mà đã trở thành một bài toán về đầu tư cho tương lai.

Thị trường lao động đang không ngừng biến động. Một ngành có thể là “ngôi sao” hôm nay nhưng trở nên dư thừa chỉ sau vài năm. Chính vì vậy, thay vì chạy theo xu hướng, các bạn trẻ cần hiểu rõ thế mạnh, sở thích của bản thân, đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin về nhu cầu nhân lực và xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.

“Chọn ngành học không chỉ là bước khởi đầu cho sự nghiệp, mà còn là quyết định chiến lược về đầu tư cá nhân”, ông Watkins nhấn mạnh.

Trong bối cảnh AI và công nghệ số đang làm thay đổi sâu sắc thị trường lao động, một tấm bằng đại học chỉ phát huy giá trị khi nó được lựa chọn dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa đam mê, năng lực cá nhân và hiểu biết thực tế về xu hướng nghề nghiệp.

Thay vì chỉ nhìn vào danh tiếng ngành học hay mức lương trung bình, học sinh, sinh viên cần hướng tới sự linh hoạt, khả năng thích ứng và tư duy dài hạn – những yếu tố ngày càng được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Hồng Nhung