Văn hóa - Thể thao

Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025):Cựu tình báo với 3000 câu thơ sáng tác trong ngục tù

Hương Sen 27/07/2025 09:42

Sáng tác 3.000 câu thơ phản ánh cuộc sống bị kìm kẹp của người tù nơi địa ngục trần gian, cựu chiến sĩ tình báo Nguyễn Minh Vân, tên thật là Nguyễn Đình Quảng, quê ở Quảng Nam (nay là TP. Đà Nẵng), đã vượt qua bệnh tật, gông cùm với tinh thần thép giữa chốn lao tù.

Một cuộc tra không cần gậy, cần hèo/ Mà xương mòn, mà tủy cạn, gân teo/ Mà ruột héo, mà gan se, phổi úa/ Từng thớ thịt, từng tế bào giãy giụa/ Giãy, giãy hoài, mà vẫn sống dằng dai… (Trích: Tập một “Ngày thứ nhất trong mồ”, truyện thơ Sống trong mồ, Nguyễn Minh Vân, NXB Hội Nhà văn, năm 2002, tr.80).

Đọc bài thơ của cựu tình báo Nguyễn Minh Vân đang được giới thiệu trong trưng bày tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, ít ai biết những câu thơ sắc bén ấy ra đời bằng ý chí, nghị lực và niềm tin, tại nơi máu của các chiến sĩ từng ngày nhỏ xuống hơn nửa thế kỷ trước.

Đồng chí Nguyễn Minh Vân năm 1947
Đồng chí Nguyễn Minh Vân năm 1947

Năm 1946, Nguyễn Minh Vân bắt đầu công tác tại Phòng Tình báo, thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Từ năm 1957 - 1964, ông bị địch bắt, giam ở nhiều nơi như: trại giam Chín Hầm, Lao xá (Huế)... Trong hoàn cảnh bị “chôn sống” nơi trại giam, không giấy và bút, ông vẫn sáng tác 3.000 câu thơ phản ánh cuộc sống bị kìm kẹp khắc nghiệt của người tù nơi địa ngục trần gian.

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Minh Vân khi còn sống, khoảng cuối năm 1962 đầu năm 1963, tại trại giam Chín Hầm (Huế), để đối phó với đủ ngón đòn tra tấn của địch, ông đã nghĩ ra cách làm thơ kể lại mọi chuyện xảy ra trong nhà tù đế quốc. Lúc đầu, ông nghĩ, nếu viết bằng văn xuôi làm một bản cáo trạng đanh thép về tội ác của bè lũ mật vụ mà trong hoàn cảnh không có giấy bút thì thật khó mà ghi nhớ được nên phù hợp nhất là làm một loại thơ kể chuyện, với lời lẽ giản dị và tình cảm chân thực từ chính lòng mình. Và chỉ trong hơn 10 tháng, ông đã sáng tác ngày đêm, vừa làm vừa nhẩm thuộc và hoàn thành câu thơ thứ 3.000 vào tháng 11/1963.

Trại giam Chín Hầm, nơi ra đời những câu thơ của Đại tá Nguyễn Minh Vân, được xây bê tông cốt sắt, mỗi hầm 20 chuồng cọp, song chỉ có duy nhất một lỗ thông hơi. Với những người tù bị tra tấn đến chết, ai may mắn thì được chôn chung vào một cái hố, còn đa phần bị vứt xuống vực để làm mồi cho hổ đói.

Tái hiện một trong những căn hầm giam giữ tù nhân tại Trại giam Chín Hầm, Huế
Tái hiện một trong những căn hầm giam giữ tù nhân tại trại giam Chín Hầm, Huế

Hầm số 8 là căn hầm điển hình nhất của địa ngục trần gian, nơi giam giữ tù nhân tình báo. Tại đây, Nguyễn Minh Vân và các đồng chí bị đày ải về tinh thần, ngày cũng như đêm chỉ một màu tối đen...

Cuối năm 1963, khi được đưa về Lao xá, Huế, chiến sĩ tình báo Nguyễn Minh Vân đã báo cáo chi bộ về 3.000 câu thơ sáng tác ở trại giam Chín Hầm. Mọi người đều cho rằng phải chép lại gửi ra ngoài trước khi địch tái lập chế độ giam giữ khắc nghiệt sau đảo chính (11/1963). Khi đó, các tù nhân đã giúp ông có đủ giấy bút, đứng xung quanh che kín để ông ngồi chép lại 3.000 câu thơ trong khoảng 3 ngày.

Truyện thơ Sống trong mồ được chép thành 2 bản, đóng thành 2 quyển sổ tay nhờ bạn tù đã được thả mang ra khỏi nhà tù. Ba năm sau, trên đường trở về Bắc, tại chiến trường B2, Nguyễn Minh Vân nhận lại được một quyển, do một bạn tù tình báo được địch thả ở Huế mang vào Sài Gòn rồi gửi lên căn cứ.

Ông vui mừng khôn xiết khi nhận ra kỷ vật vô giá của đời cách mạng. Cuốn truyện thơ được xem như viết bằng máu của ông và đồng đội. Sau này, phần I của truyện thơ được in thành cuốn sách gồm 1.200 câu thơ vào năm 1973, nhằm tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt cũng như âm mưu hiểm độc của Mỹ - Ngụy. Cuốn sổ thơ chép tay được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, như một hiện vật có giá trị từ vùng địch mang ra.

Từ tháng 5/1964 đến năm 1975, Nguyễn Minh Vân được trả tự do và tiếp tục công tác trong ngành tình báo, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và tiếp quản Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất, ông tiếp tục công tác tại Tổng cục Tình báo, Bộ Quốc phòng đến khi nghỉ hưu năm 1983, mất năm 2014.

Hương Sen