Xã hội

Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025):Tri ân quá khứ để kiến tạo tương lai

Ngọc Phương 27/07/2025 06:41

Đối với người Việt Nam, đạo lý "uống nước nhớ nguồn" là triết lý sống cao đẹp, đồng thời là sợi dây thiêng liêng kết nối quá khứ - hiện tại. Truyền thống ấy đã hóa thành sức mạnh dân tộc, trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ.

Truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam

Lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một trường ca bất tận, với những thời khắc hào hùng nơi ý chí quật cường và tinh thần bất khuất được tôi luyện qua bao thử thách và cả những mất mát, hy sinh đã trở thành nốt trầm sâu lắng.

Cách đây 78 năm, với tầm nhìn chiến lược và lòng nhân ái sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Chỉ thị lấy một ngày trong năm để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, là dịp tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

64-1690419328-thap-nen.jpg
"Uống nước nhớ nguồn" là mệnh lệnh từ trái tim, trở thành kim chỉ nam cho hành động của mỗi người sống trong thời bình. Ảnh: KTMT

Tại Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là: "Người có công với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc", là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam.

Sự quan tâm chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần dành cho người có công với cách mạng và thân nhân thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất cho đạo lý cao đẹp này. Nhiều tổ chức, cá nhân đã có đóng góp từ hành động nhỏ bé đến dự án quy mô lớn vào phong trào đền ơn đáp nghĩa. Thành lập 2010 với mục đích tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết, 15 năm qua, Hội đã có nhiều tổ chức giám định ADN, hỗ trợ gia đình các liệt sĩ tìm kiếm, cất bốc, đưa liệt sĩ về quê hương; hỗ trợ xây nhà, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho thân nhân, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng...

Đến nay, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và các tổ chức đã thu thập, kết nối và hỗ trợ thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thông báo hơn 207.121 thông tin liệt sĩ trên các phương tiện thông tin; thụ lý 40.000 hồ sơ và tư vấn hơn 36.861 lượt thân nhân tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đặc biệt, bằng phương pháp thực chứng và hỗ trợ giám định ADN, Hội đã góp phần trả lại tên cho hơn 1.000 liệt sĩ và hỗ trợ gia đình đưa 1.527 hài cốt liệt sĩ về quê hương yên nghỉ, mang đến những cuộc "đoàn tụ”, xoa dịu nỗi đau dai dẳng của các gia đình…

“Chăm sóc người có công nói chung và thân nhân, gia đình liệt sĩ nói riêng không chỉ là tình cảm, trách nhiệm, là sự tri ân mà còn là sự nối tiếp, tạo nguồn lực tinh thần, nhân lên biểu tượng về ý chí, tinh thần độc lập dân tộc trong thời kỳ mới, và đó là nguồn lực cho đất nước", Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh trong chuyến thăm, làm việc với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Kết nối lịch sử, tiếp bước cha anh

Với thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, tri ân những người đã “ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên” trở thành kim chỉ nam dẫn họ tìm lại lịch sử, góp phần lưu giữ và lan tỏa các giá trị trường tồn của dân tộc.

Nhiều năm qua, Viên Hồng Quang đã phục chế màu, nâng cao chất lượng hình ảnh bằng phương pháp thủ công và có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, làm cho nhiều tư liệu lịch sử trở nên sống động. Những bộ phim tài liệu về “Vỹ tuyến 17: Chiến tranh nhân dân” của đạo diễn Hà Lan Joris Ivens (1898 - 1989), nhiều video phỏng vấn các nhân vật lịch sử, trong đó có những thước phim giá trị về Bác Hồ… được Quang phục chế màu và giới thiệu trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt xem.

Viên Hồng Quang chia sẻ, việc mang lại sự sống động, chân thực cho các bộ phim đã nhuốm màu thời gian giúp giới trẻ dễ tiếp cận hơn với lịch sử. Đó cũng là “món quà tri ân của thế hệ sau đối với thế hệ trước, những người đã vất vả, hy sinh để có bộ phim, có được hòa bình như hôm nay”.

khanh-ly-1.jpg
Sao Mai Khánh Ly thực hiện MV tại các địa danh lịch sử ở Quảng Trị. Ảnh: Bình Quách

Đề tài chiến tranh cách mạng, tinh thần kiên cường, hy sinh của các chiến sĩ trong các cuộc kháng chiến tiếp tục được tái hiện qua nhiều tác phẩm nghệ thuật. Mới nhất, “Mưa đỏ” - bộ phim lấy cảm hứng từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - dự kiến ra mắt dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tri ân những người đã ngã xuống cho đất nước trường tồn, ê-kip làm phim đã dốc toàn lực để tái hiện không khí chiến trường khốc liệt. Bộ phim đòi hỏi sự cam kết rất cao của những người tham gia, không chỉ về kỹ thuật, mà còn là cảm xúc và trách nhiệm với lịch sử dân tộc. Đóng vai cô gái lái đò trên dòng sông Thạch Hãn, diễn viên trẻ Hạ Anh cho biết: “Có ông ngoại từng hy sinh tại Quảng Trị, khi nhận được vai diễn, tôi vô cùng xúc động khi thấy đây là cơ hội để tri ân tới ông và các chiến sĩ, cũng như kết nối với lịch sử”.

Ở lĩnh vực âm nhạc, ca sĩ Sao Mai Khánh Ly vừa chính thức ra mắt MV "Còn mãi với non sông" - ca khúc thính phòng mang âm hưởng hiện đại, được ghi hình trực tiếp tại các địa danh lịch sử Bến sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương - Vĩ tuyến 17, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn… MV như một nén tâm nhang, mời người trẻ đọc lại lịch sử, ghi nhớ các cột mốc, trân trọng hòa bình mà mình đang thụ hưởng, lan tỏa lòng biết ơn, tự hào dân tộc...

Mỗi cá nhân, khi nhận thức mình là một phần của dòng chảy lịch sử, thừa hưởng thành quả của cha ông, họ sẽ ý thức hơn về vai trò, sứ mệnh gìn giữ và tiếp nối, xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh. Đó cũng chính là lời tri ân sâu sắc nhất gửi đến những anh hùng đã hòa vào đất mẹ, làm nên dáng hình Tổ quốc hôm nay.

Ngọc Phương