Một thập kỷ sau thoả thuận hạt nhân Iran: Châu Âu đối mặt thử thách quyết định
Sau khi đóng vai trò kiến tạo và bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, châu Âu giờ đứng trước thời điểm quyết định: Tiếp tục giữ vai trò đầu tàu ngoại giao hay bị cuốn theo các biện pháp cứng rắn?

với trọng tâm là khả năng áp dụng cơ chế tái áp đặt trừng phạt với Iran. Ảnh: Daily Sahar
Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân. Mười năm sau khi được ký kết, thỏa thuận này hiện đứng trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.
Iran và nhóm E3 (gồm Pháp, Anh và Đức) vừa có cuộc thảo luận tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), với trọng tâm là khả năng áp dụng cơ chế tái áp đặt trừng phạt (snapback) đối với Iran vốn từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân. Mặc dù E3 và Iran vẫn duy trì các cuộc đàm phán nhưng quan hệ đã xấu đi nhiều trong năm qua do phương Tây liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Tehran vì chương trình hạt nhân của nước này. Các nước phương Tây muốn Iran chấm dứt hoàn toàn làm giàu urani để ngăn chặn nguy cơ phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Iran khẳng định chỉ phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự.
Trong bối cảnh này, Liên minh châu Âu (EU) - “kiến trúc sư” và bên bảo trợ cho thoả thuận hạt nhân mười năm trước - một lần nữa đối mặt với câu hỏi then chốt: Tiếp tục giữ vai trò trung gian xây dựng cho một giải pháp lâu dài, hay chấp nhận để tiến trình ngoại giao bị thay thế bằng các biện pháp cứng rắn hơn?

về vấn đề hạt nhân sau cuộc thảo luận cùng ngày tại thành phố Istanbul ngày 25/7/2025.
Ảnh: EPA
Từ biểu tượng đến bế tắc
JCPOA, được Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc) ký kết năm 2015 với sự điều phối tích cực từ EU, từng được ca ngợi là mô hình thành công của ngoại giao hạt nhân: Đa phương, kiên trì, và tuân thủ luật pháp quốc tế. Thỏa thuận không chỉ thiết lập các giới hạn nghiêm ngặt đối với chương trình hạt nhân của Iran mà còn tạo ra cơ chế thanh sát minh bạch do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thực hiện, từ đó giúp làm giảm căng thẳng khu vực trong một thời gian đáng kể.
Tuy nhiên, kể từ năm 2018, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút lui khỏi thoả thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, thoả thuận hạt nhân rơi vào tình trạng đình trệ. Iran sau đó cũng từng bước giảm mức độ tuân thủ, chủ yếu nhằm tạo đòn bẩy trong đàm phán và phản ứng trước việc các cam kết kinh tế từ các bên còn lại không được thực thi đầy đủ.
Gần đây, những tín hiệu tích cực từ các cuộc đối thoại gián tiếp giữa Iran và Mỹ dưới sự trung gian của Oman đã bị gián đoạn sau hành động quân sự của Israel nhằm vào Iran. Trong bối cảnh hiện tại, các nỗ lực khôi phục đàm phán đang gặp nhiều trở ngại, từ những bất đồng kỹ thuật, thiếu lòng tin cho tới những diễn biến địa chính trị phức tạp trong khu vực.
Lựa chọn trước thách thức
Trong bối cảnh này, EU - từng là bên đóng vai trò trung gian chính trong quá trình hình thành thoả thuận hạt nhân đang đứng trước lựa chọn chiến lược. Một mặt, khối này, đặc biệt là 3 nước E3, có thể tiếp tục theo đuổi giải pháp ngoại giao, nhằm giảm căng thẳng và tái thiết lập cơ chế giám sát hạt nhân. Mặt khác, việc gia tăng áp lực, bao gồm khả năng kích hoạt cơ chế “snapback” để tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng đang được một số nước thành viên xem xét như một công cụ gây sức ép nhằm thúc đẩy hợp tác từ phía Iran.
Tuy nhiên, việc sử dụng cơ chế pháp lý này cũng đang đặt ra nhiều tranh cãi. Trong khi một số ý kiến coi đây là phương tiện hợp pháp, thì nhiều nhà quan sát cho rằng, điều này có thể làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán và khiến các bên khó quay lại bàn đối thoại. Bởi lẽ, thoả thuận hạt nhân hiện đã không còn đầy đủ hiệu lực như khi mới được ký kết mười năm trước. Và việc áp dụng các điều khoản trong bối cảnh thiếu sự đồng thuận có thể làm suy giảm tính tin cậy của chính những công cụ pháp lý được thiết kế để duy trì trật tự quốc tế.

Một lộ trình khả thi: Ngoại giao từng bước
Mặc dù bức tranh tổng thể còn nhiều bất ổn, vẫn có những tín hiệu tích cực ở cấp độ kỹ thuật. Gần đây, Iran đã đồng ý đón tiếp đoàn chuyên gia của IAEA nhằm thảo luận về một cơ chế giám sát mới. Trước đó trong năm 2024, IAEA đã thực hiện gần 500 cuộc thanh sát tại Iran, trước khi việc tiếp cận của cơ quan này bị gián đoạn năm nay.
Việc tái thiết lập các hoạt động giám sát là điều kiện tiên quyết để đánh giá chính xác mức độ phát triển chương trình hạt nhân Iran và là nền tảng cần thiết cho bất kỳ thỏa thuận mới nào trong tương lai.
Tuy nhiên, để tiến trình này mang lại kết quả cụ thể, điều quan trọng là các bên cần xây dựng được một môi trường đối thoại ổn định, trong đó những bảo đảm về an ninh, minh bạch và lợi ích kinh tế phải được đặt song hành.
Nếu chọn con đường ngoại giao, các Chính phủ châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức cần phải ủng hộ một cách tiếp cận theo từng giai đoạn, bằng cách cung cấp cho Iran các bảo đảm an ninh trong quá trình đàm phán, tái lập hiểu biết cơ bản của Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân của Iran và kéo dài thời gian cho các cuộc đàm phán thực chất hơn về một giải pháp ngoại giao dài hạn.
Lộ trình này không dễ dàng, đặc biệt khi lòng tin giữa các bên đang ở mức thấp và các yếu tố địa chính trị vẫn còn nhiều biến động.
Phép thử với châu Âu
Lịch sử cho thấy, châu Âu có thể đóng vai trò trung gian hiệu quả, như từng làm trong những năm 2000 khi khởi động các cuộc đàm phán đầu tiên với Iran, giữa lúc quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang chia rẽ sâu sắc vì cuộc chiến Iraq.
Giữ vững lập trường đối thoại, khuyến khích hợp tác và duy trì cam kết với luật pháp quốc tế là những nguyên tắc then chốt giúp châu Âu củng cố vai trò trong một thế giới nhiều bất ổn.
Thực tế đã chứng minh “bài toán” Iran không thể giải quyết bằng áp lực đơn phương hay hành động quân sự, mà đòi hỏi sự kiên nhẫn, phối hợp và cam kết lâu dài của tất cả các bên liên quan. Trong bối cảnh hiện nay, châu Âu đang nắm giữ một cơ hội - dù nhỏ - để tái khởi động tiến trình đàm phán hạt nhân với Iran. Việc lựa chọn đối thoại thay vì đối đầu không chỉ là bước đi khôn ngoan về chiến lược, mà còn là cách để EU duy trì uy tín và vai trò của mình trong trật tự quốc tế đang nhiều biến động.