Tháng Bảy nghĩa tình trên vùng đất Tổ
Tháng Bảy - tháng tri ân, trên vùng đất Tổ Phú Thọ linh thiêng, không khí kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ càng thêm xúc động bởi những hoạt động đền ơn đáp nghĩa gửi tới các thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, người có công. Những việc làm này không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái, trách nhiệm, tiếp thêm động lực để người có công vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng.
Lan tỏa đạo lý "uống nước nhớ nguồn"
Trong những ngày tháng Bảy đầy ý nghĩa, nhiều đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã thành kính dâng hương tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ trên địa bàn như: Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tỉnh tại xã Hy Cương, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên công trình Thủy điện Hòa Bình; Đài tưởng niệm liệt sĩ tại phường Vĩnh Phúc... Mỗi nén hương, mỗi vòng hoa là lời tri ân sâu sắc với những người con ưu tú đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cùng với đó, các đoàn công tác do Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn; chất chứa trong đó là tình cảm, sự biết ơn sâu nặng của Đảng, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh.

Tại xã Cao Phong, đến thăm bà Bùi Thị Nậy là vợ liệt sĩ và ông Bùi Ngọc Thuận, thương binh hạng 2, nguyên cán bộ tỉnh Hòa Bình (cũ), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ Bùi Đức Hinh xúc động: những hy sinh của thế hệ cha anh là vô giá. Sự bình yên và phát triển hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của những người đi trước. Vì vậy, chăm lo cho người có công là đạo lý, là trách nhiệm của toàn xã hội. Đồng thời, bày tỏ mong muốn các gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống, động viên con cháu nỗ lực học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Phát huy truyền thống cách mạng, nhiều thương binh, bệnh binh luôn giữ khí chất anh hùng, sống có ích, giàu nghị lực, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Tại Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025, tỉnh Phú Thọ có 10 đại biểu đại diện tham dự. Những gương mặt điển hình như: ông Trịnh Quốc Tuấn (phường Tân Hòa), nhập ngũ năm 1972 từng chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ, bị thương và bị địch bắt giam, sau đó trở về phục vụ công tác chính quyền đến khi nghỉ hưu; ông Nguyễn Hữu Quyền (xã Phù Ninh) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - 55 năm tuổi Đảng... đều là những cá nhân tiêu biểu, tấm gương sáng về phẩm chất kiên cường, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Tri ân bằng hành động thiết thực
Nhiều năm qua, các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc (cũ) sau hợp nhất là tỉnh Phú Thọ hiện nay luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước và thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào tình nghĩa nhằm chăm lo, hỗ trợ ngày càng hiệu quả hơn cho người có công. Các chế độ liên quan đến đất ở, nhà ở, bảo hiểm y tế, giáo dục, miễn giảm thuế, vay vốn ưu đãi, trợ cấp hàng tháng, điều chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở… Nhờ đó, hàng nghìn người có công đã được thụ hưởng chính sách đúng đối tượng, minh bạch và nhân văn. Đặc biệt, tỉnh đang triển khai quyết liệt chương trình xóa nhà tạm cho người có công với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Song song với đó, vào các dịp lễ, Tết, ngày 27/7 hàng năm, các địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà cho người có công, thân nhân liệt sĩ; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể để hỗ trợ kịp thời cho gia đình chính sách gặp khó khăn.
Tại phường Vân Phú, hiện có gần 400 người có công và thân nhân người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 250 thương binh, bệnh binh. Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Thị Thu Hằng chia sẻ, nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, phường đã thăm hỏi, tặng quà cho hơn 670 người có công, thân nhân và gia đình chính sách với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. “Đây là việc làm thể hiện sự tri ân sâu sắc, lan tỏa đạo lý nghĩa tình tới từng gia đình, từng con người đã hy sinh cho đất nước” - bà Hằng khẳng định.
Cảm động trước sự quan tâm của cộng đồng, ông Nguyễn Văn Sơn, thương binh hạng 1/4 chia sẻ: “Chính sự quan tâm của chính quyền địa phương và các đơn vị trên địa bàn đã tiếp thêm nghị lực để tôi sống vui, sống khỏe và sống có ích”.
Với gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phước (109 tuổi, khu 5, phường Vân Phú) có chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thì hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng mỗi dịp lễ, Tết, nhà Mẹ luôn ấm áp tiếng cười bởi sự thăm hỏi của bà con, đoàn thể khu dân cư. Bà Nguyễn Thị Hữu (con gái Mẹ) chia sẻ: “Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và bà con khu phố nên những lúc mẹ tôi đau ốm hay có việc gấp, chỉ cần lên tiếng là hàng xóm sẵn sàng giúp đỡ. Chính sự chia sẻ ấy làm gia đình tôi cảm thấy rất ấm lòng”.
Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách, tỉnh Phú Thọ còn chú trọng nhiều hoạt động ý nghĩa, như: rà soát hồ sơ tồn đọng chính sách; tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khỏe; quy tập và xác định danh tính mộ liệt sĩ chưa rõ thông tin... Tất cả đều thể hiện sự nhất quán trong chủ trương chăm lo người có công bằng trái tim và trách nhiệm.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Hinh, tri ân người có công với đất nước phải trở thành dòng chảy thường trực trong đời sống xã hội. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác "đền ơn đáp nghĩa", các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Đồng thời, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách ưu đãi, quan tâm tới người có công ở vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn. Song song với đó, cần tôn vinh, biểu dương người có công tiêu biểu để họ tiếp tục đóng góp cho xã hội, lan tỏa giá trị tốt đẹp đến thế hệ mai sau.