Trên đường phát triển

Quảng Ninh đầu tư phát triển lâm nghiệp

Mạnh Tuân 26/07/2025 00:42

Nhờ những quyết sách đúng đắn, sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị, lâm nghiệp đã trở thành một trong những trụ cột kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh.

Hỗ trợ toàn diện hoạt động lâm nghiệp

Nhận thức rõ vai trò then chốt của lâm nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 (Kỳ họp thứ 29), HĐND tỉnh Quảng Ninh đã quyết nghị ban hành Nghị quyết quy định mức đầu tư và hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, với tổng kinh phí lên tới hơn 112 tỷ đồng/năm. Quyết nghị của HĐND tỉnh kỳ vọng sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu HĐND tỉnh thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: P. Nam
Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: M. Tuân

Theo Nghị quyết, ngân sách tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ các hoạt động trọng tâm, như: bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, phát triển giống cây lâm nghiệp, đầu tư cơ sở giống và cấp chứng chỉ rừng bền vững. Đối tượng thụ hưởng chính sách bao gồm: cơ quan nhà nước, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có các hoạt động liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.

Đáng chú ý, Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh quy định mức hỗ trợ chi phí bảo vệ rừng đặc dụng và phòng hộ là 150.000 đồng/ha/năm, riêng khu vực ven biển được ưu tiên với mức hỗ trợ cao hơn là 225.000 đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, ngân sách còn chi trả thêm 50.000 đồng/ha cho chi phí lập hồ sơ ban đầu và 7% tổng kinh phí hỗ trợ hàng năm dành cho công tác quản lý, kiểm tra và nghiệm thu.

Đối với hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, mức hỗ trợ được quy định là 1 triệu đồng/ha/năm trong 6 năm và tăng lên 1,5 triệu đồng/ha/năm đối với khu vực ven biển. Đặc biệt, trường hợp có trồng bổ sung, hộ dân sẽ được nhận 2 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 1 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm tiếp theo.

Không chỉ tập trung vào bảo vệ và tái sinh rừng tự nhiên, nghị quyết mới ban hành cũng đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy phát triển rừng sản xuất. Cụ thể, mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất được quy định là 15 triệu đồng/ha/chu kỳ, bao gồm chi phí giống, phân bón, vật tư và nhân công. Để khuyến khích hoạt động khuyến lâm, các hộ dân còn được nhận thêm 500.000 đồng/ha mỗi 4 năm, cùng khoản hỗ trợ công tác khảo sát, thiết kế ban đầu.

Nghị quyết cũng hỗ trợ 55 triệu đồng/ha đối với vườn giống mới (diện tích từ 2 ha trở lên); 25 triệu đồng/ha đối với vườn giống chuyển hóa và hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng cho các cơ sở giống có quy mô từ 1 triệu cây giống trở lên.

Đáng chú ý, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng được hỗ trợ toàn bộ lãi suất tín dụng thương mại trong thời gian tối đa 8 năm và doanh nghiệp cũng được hưởng mức hỗ trợ lãi suất linh hoạt, tùy theo thời gian hoàn vốn và đặc điểm của từng dự án.

ớng đến hình thành chuỗi giá trị rừng khép kín, ổn định

Là địa bàn có diện tích lâm nghiệp lớn và người dân là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu gắn bó với rừng, thời gian qua, các chính sách đầu tư cho rừng đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo nông thôn và đời sống người dân xã Kỳ Thượng, tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn từ năm 2020 - 2024, diện tích rừng trồng tập trung tại địa phương đạt trên 5.300ha, bình quân mỗi năm trồng mới trên 1.000ha rừng. Giá trị sản lượng gỗ khai thác ước tính đạt trên 131.000m³, với mức thu nhập trung bình từ 80-100 triệu đồng/ha/chu kỳ 5 năm.

Ngoài cây keo, Quảng Ninh cũng tập trung phát triển các cánh rừng gỗ lớn để gia tăng giá trị. Ảnh Nguyễn Thành.
Thời gian qua, Quảng Ninh cũng tập trung phát triển các cánh rừng gỗ lớn để gia tăng giá trị. Ảnh: Nguyễn Thành

Đặc biệt, những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi từ trồng keo sang các loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao như lim, dổi, lát, quế… với tổng diện tích hơn 2.100ha, vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần giữ gìn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai hiệu quả.

Kỳ Thượng cũng phối hợp với doanh nghiệp để cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho trên 6.247ha rừng sản xuất của hơn 630 hộ dân. Qua đó, tạo tiền đề nâng cao giá trị xuất khẩu gỗ và bảo đảm phát triển rừng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Khiếu Anh Tú cho biết, với đa dạng mức hỗ trợ cụ thể, Nghị quyết mới của HĐND tỉnh Quảng Ninh hứa hẹn sẽ là đòn bẩy, giúp người dân tự tin mở rộng quy mô, hướng đến sản xuất lâm nghiệp chuyên nghiệp, bền vững hơn.

Không chỉ Kỳ Thượng, nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Ninh cũng kỳ vọng, những chính sách hỗ trợ mới sẽ giúp hình thành chuỗi giá trị rừng khép kín, ổn định, từ khâu trồng, chăm sóc, khai thác đến chế biến và tiêu thụ.

Thảo luận tại kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đánh giá, với chiến lược phát triển rõ ràng cùng quyết tâm cao từ cấp tỉnh, hơn 112 tỷ đồng mỗi năm được dành cho phát triển lĩnh vực lâm nghiệp sẽ không chỉ tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho khu vực miền núi mà còn mở ra triển vọng phát triển kinh tế xanh - hướng đi tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Nghị quyết này sẽ là "luồng gió mới", mang đến sự đổi thay rõ nét hơn nữa đối với ngành lâm nghiệp Quảng Ninh.

Mạnh Tuân