Quan tâm công tác cán bộ người dân tộc thiểu số
Trong thời điểm chúng ta thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, rất mong có sự tiếp tục quan tâm đối với công tác cán bộ người dân tộc thiểu số.
Năm ngoái, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức giám sát về công tác cán bộ trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua giám sát cũng như liên hệ với thực tiễn đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền hai cấp, không tổ chức cấp huyện, yêu cầu đối với cán bộ sẽ cao hơn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cả về mặt chuyên môn và năng lực quản lý.

Thời điểm sắp xếp, một số chức danh sẽ chỉ định, một số chức danh khác giao cho Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy trên cơ sở thực tiễn của cán bộ ở các địa phương tổ chức, sắp xếp bảo đảm hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta đang thực hiện công tác cán bộ theo Quyết định số 402 ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, vẫn còn cấp huyện.
Ví dụ, về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10% đến dưới 30% tổng dân số thì tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh phải tối thiểu 5% tổng số biên chế được giao; tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 30% đến dưới 50% tổng dân số, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh phải tối thiểu 10% tổng số biên chế được giao tính theo giai đoạn, bao gồm cả cấp huyện và cấp xã. Bây giờ khi thực hiện chính quyền 2 cấp, chúng ta có chủ trương "không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn", rất khó để đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tiếp tục tham gia hệ thống chính trị, bộ máy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Qua nghiên cứu các văn bản, Chính phủ cũng chưa có đề án tổng thể mang tính bao trùm, gắn kết các khâu của công tác cán bộ người dân tộc thiểu số từ quy hoạch, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đến khâu tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm người dân tộc thiểu số mang tính dài hạn theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ được quy định tại khoản 4, Điều 16, Luật Tổ chức Chính phủ.
Về Quyết định 402, qua giám sát cho thấy các địa phương cũng chưa đáp ứng theo quy định trong việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tổng số biên chế. Tới đây, khi thực hiện tinh gọn bộ máy, rất mong quan tâm đến công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn cán bộ kế cận. Bởi để có một cán bộ bảo đảm về chuyên môn, năng lực quản lý và các yếu tố khác phải có sự đào tạo, bồi dưỡng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải có quy hoạch, có thời gian, khi đến độ chín muồi, bổ nhiệm vào các vị trí mới bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, rất mong Chính phủ sẽ có một đề án tổng thể mang tính bao trùm, dài hạn giữa các khâu trong công tác cán bộ người dân tộc thiểu số, từ quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo đến tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm để giúp cán bộ người dân tộc thiểu số được tham gia hệ thống tổ chức bộ máy.
Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức là yêu cầu cấp bách
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ Chín, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, khi chúng ta tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, công chức sẽ là nhân tố then chốt quyết định sự thành công của mô hình mới này.
“Vì vậy, có thể nói việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không còn là một sự lựa chọn mà là một yêu cầu rất cấp bách để thực hiện việc chuyển đổi hoàn toàn từ quản lý hành chính sang quản trị phục vụ Nhân dân”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đòi hỏi phải đa nhiệm, chuyên nghiệp, có năng lực tổng hợp và đồng thời xử lý công việc theo tư duy đổi mới kỹ năng công vụ, chuẩn hóa đạo đức, trách nhiệm, năng lực phục vụ một cách hết sức thiết thực, đáp ứng được mong mỏi của nền quản trị quốc gia cũng như quản trị địa phương, đặc biệt là yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Trong các giải pháp trọng tâm Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đưa ra, có việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cấp xã, trong đó khẩn trương ban hành nghị định liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhất là đối với cấp xã để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. “Đặc biệt chăm lo đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, cán bộ, công chức nữ”. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nội dung này đã được lồng ghép vào các chính sách có liên quan, mong muốn được các địa phương quan tâm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, cần quan tâm xây dựng văn hóa công vụ, lấy hiệu quả phục vụ Nhân dân làm thước đo để đánh giá cán bộ, công chức; lấy tận tụy, liêm chính để đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới.