Những mô hình giảm nghèo đa chiều sáng tạo
Trong hai năm 2023 - 2024, nhiều hộ nghèo ở phường 1, 2, 3, 4 của thành phố Sóc Trăng cũ, nay là hợp nhất thành phường Phú Lợi, thành phố Cần Thơ, đã đồng loạt thoát nghèo nhờ những mô hình giảm nghèo đa chiều sáng tạo.
Tiếp sức, “ba cùng”, hỗ trợ sinh kế bền vững
Từ năm 2023, Đảng ủy, chính quyền phường 1 cũ đặt ra mục tiêu kép để giảm nghèo bền vững: vừa cung cấp phương tiện sản xuất vừa gắn kết đào tạo nghề cho hộ nghèo trên địa bàn. Trong 2 năm 2023 - 2024, UBND phường đã cùng với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Sóc Trăng cũ, Co.op Mart Sóc Trăng, Điện máy Chợ Lớn tổ chức 15 lớp học may, chế biến thực phẩm và trồng rau công nghệ cao; đồng thời trợ vốn không lãi cho các tổ sản xuất chung.
Đến nay, 120/200 hộ nghèo đã cở bản thoát nghèo với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 30 % so với trước khi thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo. 3 nhóm hợp tác chính thức đã hình thành trong các lĩnh vực: kinh doanh bánh dân gian, gia công may mặc, sản xuất rau sạch. Mô hình này cho thấy sự kết nối “ba cùng” - cùng vốn, cùng nghề, cùng đầu ra - trở thành chìa khóa thoát nghèo cho những cộng đồng dân cư thiếu tư liệu sản xuất.
.jpg)
Trong khi đó, xuất phát từ thực trạng thiếu đất nhưng thừa nhân lực, phường 2 cũ chọn mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới làm khâu đột phá để giảm nghèo. Theo đó, 50 hộ nghèo được phường kết hợp với cán bộ nông nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, giống, phân bón hữu cơ và hướng dẫn cách canh tác. Được Hợp tác xã 1/5 ký cam kết bao tiêu, đến nay, 45 hộ đã cơ bản thoát nghèo, với thu nhập ổn định 3 - 5 triệu đồng/tháng nhờ cung cấp rau đạt chuẩn VietGAP cho siêu thị và các bếp ăn tập thể. Mô hình này không chỉ giúp hộ nghèo cải thiện thu nhập mà còn tạo mạng lưới tiêu thụ khép kín, giảm rủi ro đầu ra, giúp hộ sản xuất nhỏ an tâm canh tác để ổn định cuộc sống.
Phường 3 cũ lấy yếu tố môi trường làm lợi thế cạnh tranh, phát triển kinh tế xanh. Toàn phường có 150 hộ nghèo được tập huấn canh tác lúa giảm phát thải theo mô hình 1 phải 5 giảm (1 phải: phải sử dụng giống lúa xác nhận, có chất lượng tốt, năng suất cao; 5 giảm: giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch); nuôi gia cầm - thủy sản tuần hoàn, ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất. Nhờ đó, thu nhập bình quân trong canh tác lúa đã tăng 1,2 -1,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2024 giảm chỉ còn 1,8%. Đặc biệt, 20% sản lượng lúa trồng trên địa bàn đạt chứng nhận Carbon‑Smart Rice (gạo thông minh carbon), đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, cho thấy “xanh hóa” nông nghiệp đã trở thành con đường thoát nghèo bền vững.
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp khu công nghiệp trên đia bàn tỉnh Sóc Trăng cũ, chính quyền phường 4 cũ phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp tỉnh mở 10 khóa may công nghiệp, sửa máy nông nghiệp, chế biến thực phẩm cho 120 lao động nghèo tại địa phương. Sau khi hoàn thành khóa học, phường đã liên hệ với các cơ sở, doanh nghiệp để giúp cho hơn 85% số lao động đã qua đào tạo được ký kết hợp đồng lao động. Nhiều lao động trong số này đã ổn định việc làm, thoát nghèo với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng.
“Lấy nhu cầu hộ nghèo làm trung tâm”
Thành công của những mô hình giảm nghèo cho thấy sự liên kết chặt chẽ “ba nhà” chính là chìa khóa thành công. Cả bốn mô hình chính quyền là “nhạc trưởng”, doanh nghiệp là “động cơ”, người dân là “chủ thể”. Sự phối hợp linh hoạt - từ huy động vốn xã hội hóa, chuyển giao kỹ thuật tới bao tiêu sản phẩm - đã từng bước tạo nên chuỗi giá trị vững chắc, giảm tối đa rủi ro cho hộ nghèo trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
.jpg)
Với phương châm “Lấy nhu cầu hộ nghèo làm trung tâm”, mỗi phường không tự đề ra chỉ tiêu giảm nghèo mà bắt đầu bằng cách khảo sát nhu cầu kỹ của người nghèo, hộ nghèo rồi mới thiết kế cách hỗ trợ “đúng và trúng”. Hộ thiếu đất được trao mô hình nhà lưới, hộ đủ đất được tập huấn canh tác xanh, thanh niên thất nghiệp được “gắn địa chỉ việc làm” ngay trong chương trình học... Cách làm này giúp hộ nghèo vừa rút ngắn thời gian hoàn vốn vừa hạn chế tình trạng tái nghèo.
Để đổi mới và nâng cao hiệu quả trong hoạt động truyền thông và giám sát giảm nghèo, các phường đều công khai danh sách thụ hưởng, tiến độ và nguồn lực thực hiện trên hệ thống truyền thanh địa phương, mạng xã hội. Bên cạnh đó, minh bạch tài chính cũng là nhân tố quan trọng để thu hút nguồn tài trợ, giữ vững lòng tin của cộng đồng, trở thành yếu tố cốt lõi để nhân rộng mô hình.
Trên thực tế, bốn mô hình xóa nghèo ở trên không tách rời mà bổ trợ lẫn nhau. Nếu như rau thủy canh, rau sạch nhà lưới cung cấp nguyên liệu cho xưởng chế biến thực phẩm do lao động phường 4 cũ điều hành thì phụ phẩm rơm rạ từ lúa giảm phát thải trở thành nguồn nguyên liệu hữu cơ cho nhà lưới… Chính sự kết nối này mở ra viễn cảnh ở phường Phú Lợi mới có thể hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ khép kín, tạo việc làm đa ngành cho người nghèo.
Những mô hình giảm nghèo trên cho thấy giảm nghèo không phải câu chuyện “rót trợ cấp” mà là hành trình kích hoạt nội lực, khơi dậy tinh thần cộng đồng và dẫn dắt thị trường. Khi chính sách, thị trường và cộng đồng gặp nhau, giảm nghèo không còn là cuộc “giải cứu” tạm thời mà trở thành hành trình kiến tạo nên những giá trị mới tốt đẹp hơn.
Mới đây, Bí thư Đảng ủy phường Phú Lợi Thái Đăng Khoa đã cho triển khai mô hình "Cà phê với Nhân dân và doanh nghiệp" nhằm lắng nghe tâm tư, tình cảm cũng như những khó khăn, vướng mắc, nhu cầu của người dân, không chỉ để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà qua đó tìm thêm những giải pháp phù hợp với tập quán, sinh hoạt của người dân, giúp họ thoát nghèo bền vững và tiến tới có của ăn của để.