Địa phương

Nữ nông dân người Thái và cơ nghiệp tiền tỷ từ con dúi

Thái Minh 26/07/2025 00:20

Từ đôi bàn tay trắng, với ý chí và nghị lực phi thường, chị Lù Thị Kẻo, một phụ nữ dân tộc Thái ở Mường Tè, Lai Châu, không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn gây dựng cơ ngơi vững chắc, trở thành tấm gương sáng cho bản làng noi theo.

Sinh ra và lớn lên tại Mường Tè, Lai Châu, vùng đất rộng lớn nhưng cuộc sống của bà con dân tộc Thái nơi đây vô cùng nghèo khó. Cái đói, cái nghèo hiện hữu trong từng nếp nhà, trói buộc tư duy, tương lai phía trước. Gia đình chị Lù Thị Kẻo cũng vậy, cả nhà vất vả lo ăn từng bữa, thậm chí không có đủ quần áo để mặc.

Chị Kẻo tâm sự không thể nào quên những ngày tháng cơ cực, nhọc nhằn. Vừa học hết lớp 5, bố mẹ không đủ điều kiện cho học tiếp, cô bé Kẻo đành gác lại con chữ để ở nhà phụ giúp gia đình, theo người lớn trong làng xuống bãi sông Đà đãi vàng, ôm hy vọng mong manh có thêm đồng tiền trang trải cuộc sống…

Mô hình nuôi dúi con động vật hoang dã, con đặc sản của chị Lù Thị Kẻo ở bản Nậm Củm, Mường Tè, Lai Châu lên tới hàng nghìn con Ảnh Tuấn Hùng
Chị Lù Thị Kẻo chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi. Ảnh Tuấn Hùng

Lớn lên, lấy chồng sinh con, cuộc sống của gia đình chị Lù Thị Kẻo vẫn không thoát khỏi gian nan, áp lực nuôi nấng con cái ăn học. Bấy giờ, nhìn những thửa ruộng bậc thang bát ngát cho nông sản đều đặn theo mùa nhưng giá bán quá thấp, chị Kẻo nghĩ đến việc tập trung đầu tư chăn nuôi trâu bò, gà lợn..., tận dụng nguồn thức ăn có sẵn.

Khoảng đầu những năm 2000, cùng với sự mở rộng đường sá về các thôn bản vùng cao Lai Châu, tinh thần khởi nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất dần len lỏi trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống vốn đã ấp ủ từ lâu, chị Lù Thị Kẻo hăng hái học tập phương pháp, cách làm mang lại hiệu quả kinh tế. Mối cơ duyên với con dúi cũng bắt đầu từ đấy.

Thời điểm đó, nhiều hộ nông dân miền núi ở các địa phương lân cận bắt đầu nuôi dúi - vốn là động vật hoang dã, sống nơi rừng rú, được thuần hóa thành vật nuôi kinh tế. Lợi thế của dúi là ít cần chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp và xoay vòng vốn nhanh. Dúi dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là tre, mía, chuối, ngô, khoai, sắn... cho thịt thơm ngon, giàu đạm, được thị trường ưa chuộng.

Chính quyền địa phương tham quan mô hình chăm nuôi dúi nhà bà Lù Thị Kẻo (người ngoài cùng là con rể bà Kẻo)
Chính quyền địa phương tham quan chuồng trại dúi nhà chị Lù Thị Kẻo (người ngoài cùng bên phải là con rể chị Kẻo đang nối tiếp mô hình chăn nuôi này). Ảnh: BLC

Nhận thấy tiềm năng của vật nuôi này, chị Lù Thị Kẻo mạnh dạn mua chục con dúi giống về, ban đầu quây dựng chuồng thô sơ trong khu vực chăn nuôi của gia đình, dần dà ươm giống, mở rộng đàn.

Chị Kẻo cho biết đặc tính của dúi mỗi năm đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa mang thai trong khoảng một tháng rưỡi, đẻ từ 6 - 8 con. Dúi thích ở nơi rất ít ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ. Chuẩn bị thức ăn cho dúi cũng rất đơn giản, mỗi ngày hai bữa, chủ yếu là đồ mềm, nát, không cần cho uống nước. Tre nứa, ngô, khoai… nghiền vụn rồi trộn, đổ cho đàn dúi ăn.

Để tiện chăm sóc và quan sát tình hình sinh trưởng, dúi được chia vào các ô nhỏ trong chuồng. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm, chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm thoáng mát, phun thuốc khử khuẩn định kỳ; có thể sử dụng vỏ trấu hay mùn cưa để rải lên mặt chuồng giúp vệ sinh chuồng dễ dàng.

Thường dúi con tách mẹ khi đạt hơn 40 ngày tuổi, sau đó nuôi khoảng hơn 3 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng đạt từ 1,8 - 2kg/con. Ở Tây Bắc, dúi trở thành đặc sản, chế biến được nhiều món ngon như hấp, nướng lá mắc mật, nấu giả cầy, treo gác bếp, xào mầm thảo quả…

“Ngày trước, dúi xuất bán cho các nhà hàng trong vùng nhưng giờ do nhu cầu thị trường tăng cao, thương lái phải hẹn trước hoặc đến tận trang trại để thu mua, mỗi đôi dúi có giá trung bình 1,5 - 2 triệu đồng”, chị Kẻo cho biết.

Nếu biết chăm sóc, nuôi dưỡng, đàn dúi sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nông dân
Nếu biết chăm sóc, nuôi dưỡng, đàn dúi sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Ảnh: BLC

Từ chục con dúi ban đầu, giờ đây, gia đình chị Lù Thị Kẻo đã mở rộng nuôi hai trại dúi với hơn 1.000 con. Tận dụng vườn tược, hoa màu, gia đình chị Kẻo vẫn duy trì chăn nuôi gà, vịt, lợn giống bản địa, trâu, bò… Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình chị khoảng 700 - 800 triệu đồng.

Tấm gương vượt khó của chị Lù Thị Kẻo truyền cảm hứng mạnh mẽ con gái mình - Phìn Thị Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, lập gia đình, nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi dúi của mẹ, Mỹ cùng chồng quyết tâm vay vốn đầu tư mở trại nuôi dúi, nhân rộng mô hình, đặc biệt hướng vào cung cấp dúi giống ra thị trường, hiện cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Năm 2024, chị Lù Thị Kẻo vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024”. Cơ ngơi của chị và con gái là minh chứng cho tinh thần vượt khó, nghị lực vươn lên, trở thành tấm gương cho phụ nữ trong thôn bản. Câu chuyện của mẹ con chị Lù Thị Kẻo không chỉ là câu chuyện thoát nghèo, mà còn là bài học về sự kế thừa, phát triển và lan tỏa mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thay đổi cách thức làm ăn của cả một vùng quê.

Thái Minh