Lấy người dân làm trung tâm để bảo vệ, phát triển rừng bền vững
70% diện tích tự nhiên của các tỉnh miền núi phía Bắc là đất lâm nghiệp và đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực này. Vì vậy, nếu có chính sách khuyến khích ưu việt để người dân thực sự yên tâm gắn bó lâu dài với nghề rừng, thì sẽ góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Rừng bị chặt phá nhiều gấp 6 lần rừng bị cháy
Thảo luận tại tổ trong Kỳ họp thứ Chín vừa qua, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (tỉnh Tây Ninh) dẫn số liệu của Cục Thống kê, 2 tháng đầu năm 2025, thiệt hại về rừng tăng mạnh, chúng ta mất 145,4ha rừng, tăng 64%, trong đó 19,4ha rừng bị cháy, 126ha rừng bị chặt phá. Như vậy, diện tích rừng bị chặt phá nhiều hơn gấp 6 lần rừng bị cháy. “Vấn đề mất rừng, rừng nghèo năm nào cũng nói và đây cũng là việc lớn, mang tính toàn cầu, nhưng rừng vẫn cứ mất, đặc biệt rừng tự nhiên”, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy băn khoăn.

Phát triển thị trường tín chỉ carbon là cơ hội gia tăng giá trị kinh tế từ bảo vệ rừng, giúp người trồng rừng, người dân bảo vệ rừng thêm thu nhập. Việc mất rừng tự nhiên sẽ khó thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư cho lĩnh vực này và ảnh hưởng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nguyên nhân, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, mức phạt hành chính về hành vi phá rừng trái phép theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp “khá nhẹ so với những hậu quả, tác hại của việc chặt, phá rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên” (mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với cá nhân là 500.000.000 đồng, đối với tổ chức là 1.000.000.000 đồng - PV).
Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ có đề án "trồng một tỷ cây xanh" và theo đánh giá đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Nhưng quỹ đất rừng trồng mới ngày càng thu hẹp, vốn đầu tư cho phát triển rừng hiện nay còn khiêm tốn, mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn rất thấp so với thực tế.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy kiến nghị Chính phủ tổng kết chương trình phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 809 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phải có chính sách thật sự mạnh mẽ hơn nữa trong công tác bảo vệ rừng và ngăn chặn tình trạng nghèo đi của rừng; thậm chí nghiên cứu ban hành chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ rừng để kịp thời ngăn chặn cũng như giữ cho rừng tự nhiên còn lại thật sự đa dạng.
Hoàn thiện chính sách đầu tư cho lâm nghiệp
Xử phạt hành chính chỉ là biện pháp trước mắt; về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách ưu việt để người dân thực sự yên tâm gắn bó lâu dài với nghề rừng, có ý thức giữ rừng, giữ nguồn nước, giữ môi trường sinh thái.
Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm giúp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả. Trong đó, Nghị định số 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp đã điều chỉnh, bổ sung một số chính sách đối với cộng đồng dân cư sinh sống ở khu vực có đất rừng.

Cụ thể, cộng đồng dân cư được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng bình quân 500.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao. Ngoài ra, cộng đồng dân cư còn được cấp kinh phí để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng đặc dụng. Người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng được hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế, cải thiện đời sống, bình quân là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm… Chính sách đối với việc quản lý, bảo vệ và khai thác rừng phòng hộ cũng tương tự.
Tuy nhiên, để quản lý, phát triển rừng bền vững và giải quyết được bài toán ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo lâu dài cho người dân, các chính sách hiện hành vẫn chưa đủ. “Vì những địa phương đó, nguồn lực rất hạn hẹp, không tự cân đối được ngân sách. Ngoài chính sách quy định chung của Chính phủ, địa phương không ban hành được chính sách ưu việt hơn hỗ trợ đồng bào”, ĐBQH Hà Sỹ Huân (tỉnh Thái Nguyên) phân tích.

Mỗi địa phương có điều kiện địa hình, kinh tế khác nhau, lợi thế vùng khác nhau. Theo Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050, duy trì độ che phủ rừng ở mức 42% trên cả nước. Đại biểu Hà Sỹ Huân kiến nghị, đối với những địa phương có tỷ lệ rừng chiếm tỷ lệ diện tích cao nhưng chưa cân đối được ngân sách, Chính phủ cần có chính sách, đặc biệt là có sự điều tiết tổng thể trên phạm vi toàn quốc, để đạt được chỉ tiêu trên.
Theo đó, tăng mức khoán quản lý bảo vệ rừng để giúp người dân nâng cao thu nhập, mức sống từ nghề rừng. Đây cũng là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dược tham gia trồng, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu tại các địa phương có rừng. Đẩy mạnh chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hướng mở rộng khu vực thực hiện, trong đó ưu tiên các cộng đồng trực tiếp bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và sớm thực hiện chương trình tín chỉ carbon.
“Bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là nhiệm vụ bảo vệ môi trường mà còn là một chính sách an sinh xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Vì vậy, tôi đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách đầu tư cho lâm nghiệp, trong đó lấy người dân làm trung tâm để chiến lược bảo vệ và phát triển rừng được bền vững”, đại biểu Hà Sỹ Huân nhấn mạnh.