Quảng Ninh: Tiếp tục theo sát hướng di chuyển của bão số 3 để kịp thời xử lý mọi tình huống
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh Quảng Ninh, công tác ứng phó bão số 3 trên địa bàn đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời. Các đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động theo dõi hướng di chuyển của bão để kịp thời xử lý mọi tình huống.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và các công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai nhiệm vụ ứng phó bão, bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp hiệp đồng linh hoạt, đảm bảo tốt thông tin liên lạc khi có tình huống.


Tỉnh Quảng Ninh cũng đã lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác ứng phó bão tại các địa phương, chỉ đạo trực tiếp, sát sao, đồng bộ. Cụ thể, về công tác chuẩn bị lực lượng, đã huy động 1.228 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 27 ô tô các loại, 10 tàu, 32 xuồng. Lực lượng hiệp đồng các đơn vị của Quân khu III là 1.435 cán bộ chiến sĩ, 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, các lực lượng cũng đã kêu gọi tàu thuyền, an toàn khu nuôi trồng thủy sản. Hiện, có tổng số 111 tàu khách và 375 tàu du lịch đã về nơi tránh trú từ chiều ngày 20/7. Ngoài ra, 275 tàu cá đánh bắt xa bờ đã về nơi trú tránh an toàn, trong đó 20 tàu neo đậu tại các tỉnh ngoài, 255 tàu đang neo đậu trong tỉnh; trên 4.000 tàu gần bờ hoạt động ven bờ theo phương thức “sáng đi, chiều về” đã neo đậu tại các bến cá, vụng kín gió trong tỉnh và khu bến cá thuộc Hải Phòng. Tỉnh đã tổ chức cấm biển từ 14 giờ, ngày 20/7/2025.

trong trường hợp phát sinh.
Toàn tỉnh có 7.708 cơ sở nuôi trồng thủy sản (trong đó 800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển) đã tổ chức gia cố; đưa 7.590 người lên bờ từ trưa 19/7 (ưu tiên phụ nữ, người già, trẻ nhỏ). Các địa phương tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt trượt đất đá; khu chung cư cũ xuống cấp để lập triển khai di dời khi có tình huống. Toàn tỉnh có 2.528 nhà có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở; UBND các địa phương đã thông tin và lập phương án di dời khi có nguy cơ và thông báo đến các hộ dân để chủ động thực hiện. Thực hiện cắt tỉa 355 cây xanh đô thị, gia cố lại các biển hiệu, cột viễn thông để đảm bảo an toàn. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn 24 quả pháo hiệu báo bão từ tối ngày 19/7/2025 tại đồn Biên phòng Cô Tô, Ngọc Vừng và tiếp tục thực hiện đến khi có tin cuối cùng về bão.
Về khách du lịch các tuyến đảo, còn 47 khách du lịch có nhu cầu ở lại đang lưu trú trên các đảo (Cô Tô: 39 khách, Vân Đồn: 8 khách), địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của khách. Đối với các công trình thủy lợi, đến ngày 21/7, dung tích các hồ chứa lớn trên địa bàn đạt khoảng 68% dung tích thiết kế (227/330 triệu m3), một số hồ đã chủ động hạ mực nước. Các hồ đang vận hành bình thường, đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức trực 100% quân số sẵn sàng điều tiết trong tình huống có lũ lớn; 5 trạm bơm tiêu (159.000m3/giờ) khu vực Đông Triều (cũ) sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu. Các tuyến đê hiện không triển khai thi công.


Các xã, phường, đặc khu tiếp tục tổ chức thông tin về bão, mưa lớn đến cộng đồng dân cư để triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó; phối hợp các lực lượng trên địa bàn; thành lập các tổ công tác tuyên truyền, hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn; đảm bảo an ninh trật tự khu vực di dời, nơi tránh trú.
Hoàn thiện các giải pháp đảm bảo an toàn các công trình đang thi công, khu du lịch, vui chơi ven biển; các khu vực tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt, sạt lở; nạo vét hệ thống thoát nước đô thị, kênh mương, sông suối, triển khai lực lượng, phương tiện để trực canh tại các ngầm tràn, sông suối, khu vực tiềm ẩn nguy cơ và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống. Các đơn vị ngành than đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực ứng phó với tình huống mưa lớn trên các khai trường, hầm lò do các đơn vị của ngành đang khai thác và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
Theo nhận định của Đài KTTV, từ chiều tối ngày 21/7 vùng biển Cô Tô, Đảo Trần; xã Vĩnh Thực, xã Cái Chiên, đặc khu Vân Đồn gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14; khu vực phía Tây của tỉnh gió cấp 6 -7, giật cấp 8-9. Lượng mưa phổ biến 80-120, có nơi đạt trên 150mm. Do vậy, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục chỉ đạo rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven sông suối, ven biển, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu đến nơi an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, nhất là các khu đô thị.