Xã hội

Chi trả giảm phát thải khí nhà kính giúp giữ rừng, cải thiện sinh kế

Thái Yến 21/07/2025 16:22

Sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA), thành phố Huế có hơn 205,5 nghìn ha rừng tự nhiên được đưa vào cơ chế ERPA, với tổng số tiền gần 136 tỷ đồng.

Ảnh 1- Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025. Ảnh VNFF
Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính
tại thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025. Ảnh: VNFF

Thúc đẩy phát triển rừng bền vững

Với sự tham dự của khoảng 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo, cán bộ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, đại diện các sở, ngành liên quan; Chi cục Kiểm lâm, chủ rừng là tổ chức, UBND xã và cộng đồng dân cư…, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố Huế đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác thực hiện thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025 tại tại thành phố Huế .

Thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2022, thành phố Huế là một trong 6 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ được tham gia thí điểm Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ với diện tích rừng tự nhiên được chi trả tiền ERPA là hơn 205,5 nghìn ha. Thỏa thuận này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thí điểm cơ chế tài chính chuyển nhượng kết quả giảm phát thải CO₂, góp phần huy động nguồn lực quốc tế để bảo vệ rừng và thúc đẩy phát triển bền vững; đồng thời đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, tiến tới triển khai toàn diện về chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn thành phố.

Ảnh 2- Đại diện cộng đồng hưởng lợi từ ERPA phát biểu tại hội nghị. Ảnh VNFF
Đại diện cộng đồng hưởng lợi từ ERPA phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VNFF

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố Huế đã giải ngân nguồn tiền này cho chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã, hơn 500 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, tổ chức khác: Năm 2023, chi trả 35,4 tỷ đồng, đạt hơn 99% kế hoạch; năm 2024, chi trả 41,82 tỷ đồng, đạt hơn 99% kế hoạch; và trong tháng 7/2025, chi trả các đối tượng hưởng lợi ước đạt 49,85 tỷ đồng, đạt 95% so với kế hoạch được phê duyệt. Việc chi trả cho các đối tượng hưởng lợi, trong đó có hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa được thực hiện qua tài khoản ngân hàng, Viettelpay hoặc dịch vụ bưu chính công ích, đảm bảo công tác chi trả công khai, minh bạch, hiệu quả, thuận lợi cho người dân.

Tổng nguồn thu ERPA trên địa bàn thành phố Huế lũy kế từ ngày 3/10/2023 đến ngày 10/7/2025 là 136,18 tỷ đồng, trong đó Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối giai đoạn 2023-2025 là 135,97 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chủ rừng là tổ chức đã phối hợp chính quyền địa phương họp bàn với các cộng đồng dân cư cư trú trong khu vực tiếp giáp với rừng tự nhiên của đơn vị nhằm xác định diện tích rừng muốn nhận khoán bảo vệ làm cơ sở thực hiện Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng, hiện có 105 cộng đồng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với 8 chủ rừng tổ chức với tổng diện tích là 21.645,66 ha và được hỗ trợ sinh kế (50 triệu đồng/năm/cộng đồng) với tổng số tiền là 4,95 tỷ đồng tập trung vào các hoạt động như làm công trình nước sạch, điện chiếu sáng, đường giao thông, sửa chữa nhà cộng đồng thôn, nhà vệ sinh, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng hàng rào, cổng chào... Ngoài ra, các chủ rừng cũng thực hiện các biện pháp lâm sinh từ nguồn ERPA.

Tiếp tục phát huy hiệu quả ERPA

Song song với đó, hoạt động kiểm tra giám sát, truyền thông, xử lý khiếu nại phản hồi, thực hiện đảm bảo an toàn môi trường và xã hội cũng đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, làm chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của thành phố. Tổng diện tích rừng bị phá trong năm chỉ ở mức 2,68 ha, với 25 vụ vi phạm. So với năm 2023 - thời điểm tình hình phá rừng diễn biến phức tạp nhất trong giai đoạn - diện tích rừng bị phá năm 2024 giảm 4,0795ha (từ 6,7595ha xuống còn 2,68ha), và số vụ vi phạm cũng giảm từ 34 vụ xuống còn 25 vụ.

Ảnh 3- Ông Lê Văn Thanh – Phó giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh VNFF
Ông Lê Văn Thanh, Phó giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam
phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VNFF

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Văn Thanh, Phó giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong triển khai thí điểm ERPA giai đoạn 2023 - 2025 của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng thành phố Huế, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân, đặc biệt là các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Đồng thời, nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò tiên phong ERPA Bắc Trung Bộ, đây sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu, là tiền đề quan trọng cho việc mở rộng, thể chế hóa dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trên cả nước trong thời gian tới.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP trên địa bàn, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, chương trình thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại thành phố Huế đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác lâm nghiệp, góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thái Yến