Chương trình SPMF mở rộng toàn cầu, ghi dấu ấn tại Việt Nam trong quản lý bền vững thuốc bảo vệ thực vật
CropLife Quốc tế vừa công bố Báo cáo Thường niên 2024 của Chương trình Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững (SPMF), ghi nhận những bước tiến quan trọng trong mở rộng quy mô và tác động thực tiễn. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng với nhiều hoạt động hợp tác công - tư hiệu quả, góp phần xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm và thân thiện môi trường.
Cam kết 13 triệu USD để hỗ trợ nông dân toàn cầu
SPMF - sáng kiến trọng điểm được CropLife Quốc tế triển khai từ năm 2021 nhằm thúc đẩy thực hiện Bộ quy tắc ứng xử quốc tế về quản lý thuốc bảo vệ thực vật (ICoC), đã có bước tiến mạnh mẽ trong năm 2024, cả về quy mô địa lý lẫn hiệu quả thực thi tại các quốc gia đang phát triển.
Theo Báo cáo Thường niên 2024 vừa được CropLife Quốc tế công bố, chương trình SPMF đã chính thức mở rộng phạm vi triển khai sang khu vực Mỹ Latinh với sự tham gia của Guatemala và Chile. Đồng thời, hai quốc gia Indonesia và Colombia cũng được lựa chọn để hoàn thiện giai đoạn triển khai đầu tiên, nâng tổng số nước tham gia lên 9 quốc gia tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.
“Chúng tôi đang phát triển một chương
trình có nền tảng vững chắc với tầm nhìn dài hạn, nhằm tạo ra những thay đổi bền
vững và có tính hệ thống”.Bà Emily Rees, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CropLife Quốc
tế
Trong năm qua, chương trình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực tại các nước như Kenya, Ma-rốc, Ai Cập, Thái Lan, Việt Nam, Chile và Guatemala. Đây là những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đang chịu nhiều áp lực từ biến đổi khí hậu và cần các giải pháp nông nghiệp bền vững.
Thông qua SPMF, các thành viên CropLife Quốc tế đã cam kết đầu tư 13 triệu USD nhằm thúc đẩy quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách bền vững. Mục tiêu là hỗ trợ nông dân tiếp cận những đổi mới công nghệ, mở rộng “bộ công cụ canh tác” để ứng phó hiệu quả với các thách thức môi trường và điều kiện sản xuất địa phương. Chương trình ưu tiên các mô hình hợp tác công - tư nhằm nhân rộng phương pháp tiếp cận bền vững và phù hợp thực tiễn từng quốc gia.
Việt Nam: Mô hình hợp tác hiệu quả, nhiều kết quả nổi bật
Tại Việt Nam, chương trình SPMF bước sang năm thứ hai triển khai trong khuôn khổ hợp tác 5 năm (2023–2028) giữa Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) với CropLife Châu Á.

Trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận nhiều hoạt động nổi bật: tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên về quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật với hơn 120 chuyên gia tham dự; tổ chức đối thoại chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); đào tạo và cấp chứng nhận vận hành drone cho hơn 30 cán bộ khảo nghiệm; duy trì chương trình tập huấn sử dụng thuốc an toàn tại Đồng Tháp; đồng thời phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến dành cho nông dân và đại lý. Nhiều hoạt động hợp tác kỹ thuật như rà soát chính sách, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và truyền thông cộng đồng cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Phát biểu tại lễ ký kết kế hoạch hợp tác năm 2025, ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam khẳng định: “Sự chung tay giữa khối công - tư trong quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm lợi ích hài hoà và lâu dài cho nông dân và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về nông sản an toàn, chất lượng".
"Chúng tôi trân trọng sự ủng hộ từ lãnh đạo Bộ và Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đồng thời cam kết tiếp tục đồng hành để hiện thực hóa tầm nhìn về một nền nông nghiệp có trách nhiệm, tích hợp đa giá trị”, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam nhấn mạnh.

Nền tảng cho tương lai nông nghiệp bền vững
Chia sẻ tại lễ công bố báo cáo, bà Emily Rees, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc CropLife Quốc tế, nhấn mạnh: “Chìa khóa để quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững là tạo điều kiện để nông dân tiếp cận dễ dàng với các công cụ và giải pháp đa dạng. SPMF chính là minh chứng rõ nét cho cam kết của các công ty thành viên chúng tôi trong việc thúc đẩy quản lý có trách nhiệm và lâu dài”.
Bà Rees cũng bày tỏ sự cảm ơn tới các chính phủ, đối tác và cơ quan chức năng tại các nước đã đồng hành để hiện thực hóa những chuyển đổi mang tính hệ thống. Theo bà, việc triển khai SPMF theo mô hình hợp tác đa bên sẽ giúp xây dựng các mô hình có thể nhân rộng, qua đó thúc đẩy áp dụng các thực hành tốt nhất trong quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Với tầm nhìn toàn cầu, sự đầu tư bài bản và những kết quả tích cực trong năm 2024, chương trình SPMF đang từng bước khẳng định vai trò là nền tảng bền vững giúp hiện thực hóa các cam kết về quản lý thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, đồng hành với nông dân trong hành trình canh tác tiến bộ và góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, an toàn và hiệu quả trên toàn cầu.