Hải Phòng yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên trước bão số 3 (Wipha)
Sở GD-ĐT TP. Hải Phòng vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các xã, phường, đặc khu, Hiệu trưởng các trường THPT, phổ thông nhiều cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, yêu cầu tăng cường chủ động phòng, chống bão số 3 (bão Wipha).
Theo đó, trước diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm của bão số 3 (Wipha) đang tiến nhanh vào vùng biển và đất liền Hải Phòng, để tăng cường công tác phòng, chống, chủ động ứng phó với cơn bão hiệu quả, Sở GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn; yêu cầu thủ trưởng các đơn vị giáo dục khẩn trương, nghiêm túc triển khai ngay một số nội dung cấp bách.
Cụ thể, chủ động theo dõi sát diễn biến bão, mưa lớn và cảnh báo thiên tai. Thường xuyên, liên tục theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai về diễn biến của cơn bão để chủ động xây dựng, điều chỉnh và triển khai phương án ứng phó với thiên tai phù hợp với từng cấp học, từng địa bàn, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chủ động xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch ứng phó với cơn bão. Tập trung ở mức độ cao nhất, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão, tuyệt đối không được lơ là chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất các điều kiện để chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Bên cạnh đó, triển khai phương án trực bão, phân công nhiệm vụ cho các lực lượng và đảm bảo điều kiện triển khai công tác ứng trực. Chủ động phương án dự phòng khi có sự cố mất lưới điện để đảm bảo công tác liên lạc, chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt.
Sở GD-ĐT TP. Hải Phòng cũng đề nghị các đơn vị thông tin kịp thời cho cán bộ giáo viên nhân viên, các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động các biện pháp ứng phó với diễn biến của bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Xây dựng các bản tin hướng dẫn kỹ năng phòng tránh bão cho học sinh, sinh viên, phụ huynh và cán bộ, giáo viên, nhân viên qua hệ thống thông tin số, phát thanh, bảng tin, các kênh tuyên truyền khác.
Bảo đảm an toàn trường học, học sinh, giáo viên và trang thiết bị. Tạm dừng toàn bộ các hoạt động tập trung học sinh, sinh viên trong dịp hè, bao gồm hoạt động sinh hoạt hè, ôn tập văn hóa, học kỹ năng sống, học bơi, hoạt động ngoại khóa... trong thời gian bão đổ bộ và mưa lớn diện rộng.
Chủ động điều chỉnh lịch học, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Thông báo kịp thời đến toàn thể phụ huynh để quản lý học sinh tại nhà, không để xảy ra tình trạng đi lại, tụ tập khi điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Rà soát, gia cố cơ sở vật chất, kiểm tra hệ thống mái che, cửa sổ, tường rào, cột biển báo, hệ thống đồ chơi trang thiết bị ngoài trời,… để phòng ngừa gió mạnh, mưa lớn, ngập úng, sạt lở.
Đồng thời, có phương án cắt tỉa hoặc gia cố hệ thống cây xanh đề phòng gãy, đổ; hạ các biển hiệu, chậu hoa, cây cảnh trên ban công; chuẩn bị dụng cụ, vật tư thiết yếu, triển khai các biện pháp gia cố (đặc biệt quan tâm các hạng mục, công trình đang thi công, khu nhà cũ, yếu); có phương án di chuyển, đảm bảo an toàn đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị... trong nhà trường.
Khơi thông hệ thống thoát nước để phòng chống mưa lớn gây ngập úng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
Đối với các cơ sở có tổ chức bán trú, nội trú cần chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trong mọi tình huống.
Chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương để triển khai các biện pháp ứng cứu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, xử lý các sự cố theo phương châm ‘‘4 tại chỗ”.