Hai đại biểu Quốc hội Khóa I: Biểu tượng bất khuất và dấu ấn lịch sử
Bà Ngô Thị Huệ và ông Đồng Sỹ Nguyên là hai đại biểu tiêu biểu của Quốc hội Khóa I, đại diện cho ý chí kiên cường, tinh thần cách mạng và khát vọng xây dựng đất nước của thế hệ đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám. Cuộc đời và sự nghiệp của họ không chỉ khắc họa hình ảnh những người lãnh đạo tận tụy vì nước, vì dân mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao cho nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Ngô Thị Huệ: Dấu ấn bất khuất và đóng góp cho Quốc hội khóa đầu tiên
Tháng 1/1946, bà Ngô Thị Huệ (1918 - 2022) trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, đại diện cho cử tri tỉnh Bạc Liêu. Bà là một trong 3 nữ đại biểu Quốc hội miền Nam và là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội Khóa I của cả nước. Sau đó, bà tiếp tục là đại biểu Quốc hội các Khóa II, III, IV.

Lần đầu tiên tôi vinh dự được gặp bà khi đang là đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, công tác tại Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội. Đó là sáng 25/6/2015, khi bà đến dự thính phiên họp ở hội trường tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIII. Hôm đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã giới thiệu với Quốc hội, bà là đại biểu Quốc hội Khóa I, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tôi đã được nghe câu chuyện của bà về niềm tự hào khi được tham gia Quốc hội Khóa I, chứng kiến thời khắc lịch sử của đất nước, khi toàn dân bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Bà khẳng định, người đại biểu Quốc hội phải luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, gần gũi nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Bà mong muốn các thế hệ đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Phát biểu của bà không chỉ là lời nhắc nhở về truyền thống cách mạng, mà còn là nguồn động viên, khích lệ cho các thế hệ đại biểu tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước.

Lần thứ 2 tôi được vinh dự gặp bà khi tháp tùng Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tới thăm bà ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/10/2018. Ngày đó, tuy nằm viện, bà vẫn rất minh mẫn. Khi anh Hiển giới thiệu với bà cuốn "Công báo Quốc hội Khóa I" giấy đã úa vàng vì thời gian, bên cạnh các sự kiện lịch sử, quyết định và văn bản pháp luật do Quốc hội Khóa I ban hành có thông tin về đại biểu, nơi có tên bà Ngô Thị Huệ, bà khá ngạc nhiên nhưng rất vui.
Tôi được biết, bà Ngô Thị Huệ sớm tiếp xúc với phong trào cách mạng, tham gia hoạt động từ năm 11 tuổi với vai trò giao liên. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 18 tuổi, năm 1936. Bà là biểu tượng cho ý chí kiên cường, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt là những người lao động, buôn gánh bán bưng, nữ dân quân miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, góp phần vào việc xây dựng, thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, bà đặc biệt nhất trí với quy định về “nam nữ bình quyền” gắn liền với độc lập và thống nhất đất nước. Dù gặp nhiều khó khăn, bà đã vượt qua hành trình gian khổ để ra Hà Nội dự họp, mang theo tâm tư, nguyện vọng của đồng bào miền Nam đến nghị trường quốc gia.
Trong Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, khi mới 22 tuổi, là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, bà đã trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy khởi nghĩa. Khi phong trào thất bại, bà bị bắt, tra tấn dã man, bị kết án tù chung thân nhưng không khuất phục, trở thành biểu tượng của ý chí, nghị lực và phẩm chất người phụ nữ cách mạng Nam Bộ. Bà đã nhiều lần tổ chức vượt ngục.

Sau khi ra tù, bà tham gia Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức lực lượng quần chúng giành chính quyền ở Bạc Liêu trong Cách mạng tháng Tám. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà đảm nhiệm nhiều vị trí trong phong trào phụ nữ Nam Bộ, và giữ các chức vụ quan trọng tại Trung ương, như Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương.
Khi nghỉ hưu, bà lại lăn lộn với hoạt động xã hội, khởi xướng và vận động thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhằm lưu giữ, tôn vinh truyền thống phụ nữ, rồi Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Bệnh viện miễn phí An Bình… để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Đại biểu Đồng Sỹ Nguyên - Tầm ảnh hưởng và dấu ấn lịch sử
Ông Đồng Sỹ Nguyên (1923-2019) từng là một trong những đại biểu trẻ tuổi nhất của Quốc hội khóa I. Sự nghiệp cách mạng của ông trải dài từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, qua hai cuộc kháng chiến lớn và cả trong công cuộc xây dựng đất nước thời bình, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử hiện đại Việt Nam.

Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 2025, là một trong hai đại biểu Quốc hội Khóa I nhận danh hiệu cao quý này, cùng với đại biểu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Ông Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I năm 1946 khi mới 23 tuổi, đại diện tỉnh Quảng Bình, khi đang là Chủ nhiệm Việt Minh kiêm Chỉ huy trưởng Bộ đội Quảng Bình. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, khi mới 16 tuổi. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông giữ nhiều trọng trách trong quân đội và chính quyền, trở thành một trong những vị tướng có tầm ảnh hưởng lớn, đặc biệt gắn bó với tuyến đường Trường Sơn và sự nghiệp chi viện cho chiến trường miền Nam.
Là đại biểu Quốc hội trẻ tuổi, ông đại diện tiếng nói của người dân miền Trung, phản ánh kịp thời nguyện vọng, khó khăn của nhân dân vùng chiến sự, góp phần xây dựng chính sách hậu phương, an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi các địa phương miền Trung. Ông có vai trò nổi bật gắn kết chủ trương của Trung ương với thực tiễn địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, trực tiếp chỉ đạo xây dựng các làng chiến đấu. Những kinh nghiệm, sáng kiến về tổ chức chiến tranh nhân dân, phát triển lực lượng vũ trang tại địa phương của ông đã góp phần hình thành các chính sách lớn về quốc phòng, an ninh được Quốc hội Khóa I thông qua.

Ông đã để lại nhiều dấu ấn trong xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, giao thông vận tải và phát triển kinh tế. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược, ông trực tiếp chỉ đạo xây dựng và phát triển hệ thống đường Trường Sơn - tuyến hậu cần chiến lược, có vai trò quyết định trong chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến tranh, ông tiếp tục là tư lệnh các ngành xây dựng, giao thông vận tải, đặt nền móng phát triển hạ tầng quốc gia. Ông đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia, như nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, giấy Bãi Bằng, nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, các cửa ngõ của Thủ đô…
Những quyết định này góp phần khôi phục, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách Tổng cục Xây dựng kinh tế, ông đã đưa hàng vạn quân chuyển sang làm kinh tế, tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công nghiệp, dân dụng… tạo ra tiềm lực kinh tế và bảo vệ các địa bàn chiến lược của đất nước. Ông đã đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh và thúc đẩy xây dựng tuyến đường này thành trục giao thông chiến lược hiện đại, phục vụ cả mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng.
Các quyết sách, sáng kiến và tầm nhìn của ông đã đặt nền móng cho tư duy phát triển hạ tầng đồng bộ, liên hoàn, kết nối các vùng miền, phục vụ cả mục tiêu phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng. Nhiều công trình do ông chỉ đạo hoặc khởi xướng vẫn giữ vai trò then chốt trong hệ thống giao thông, công nghiệp của Việt Nam đến ngày nay.
Ông cũng là người vô cùng khiêm tốn, giản dị, rộng lượng, hết mực yêu thương gia đình, con cháu, hết mình vì quê hương Quảng Bình. Là con cháu trong gia đình, được gần gũi với ông, tôi càng thấm hiểu những di sản vô giá mà ông để lại cho gia đình, đất nước.
Bà Ngô Thị Huệ và ông Đồng Sỹ Nguyên là hình mẫu tiêu biểu của thế hệ lãnh đạo “từ nhân dân mà ra”, luôn gắn bó thực tiễn, có đóng góp lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước, lịch sử Quốc hội Việt Nam, là tấm gương sáng và động lực phấn đấu của nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội.