Thời sự Quốc hội

Đền ơn đáp nghĩa - nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng

PV 20/07/2025 13:36

Lời Toà soạn: Sáng nay, 20/7, theo phân công của Ban Bí thư và được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tại xã Đông Khê, Cao Bằng nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải có bài phát biểu quan trọng.
Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Đền ơn đáp nghĩa - nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng

Lời Toà soạn: Sáng nay, 20/7, theo phân công của Ban Bí thư và được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công tại xã Đông Khê, Cao Bằng nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải có bài phát biểu quan trọng.

Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Hồ Long

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng,

Kính thưa các gia đình thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn xã Đông Khê, tỉnh Cao Bằng,

Kính thưa toàn thể đại biểu và bà con Nhân dân,

Theo sự phân công của Ban Bí thư, được sự đồng ý của Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tôi rất vinh dự, xúc động khi được về thăm, dự các hoạt động trong dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 tại tỉnh Cao Bằng.

Hôm nay, với truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi lời thăm hỏi và những lời chúc tốt đẹp nhất, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng, những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thưa toàn thể các đồng chí và các gia đình chính sách,

Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua cả hệ thống chính trị đã quyết liệt thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Cuộc cách mạng này không chỉ là hoạt động hành chính đơn thuần mà là bước đi chiến lược có ý nghĩa to lớn cả về mặt chính trị, tổ chức và thực tiễn, sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính nhằm tạo lập không gian phát triển mới, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; tạo ra những điều kiện, động lực, cơ chế mới để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là thời điểm “hội tụ” tổng hoà các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đối với Cao Bằng là đơn vị không phải sắp xếp, sáp nhập với tỉnh khác, do điều kiện địa chính trị, lịch sử văn hoá và đặc biệt đây được xem như là một trong những phên dậu quan trọng của đất nước, với 333km chiều dài đường biên giới giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: Hồ Long

Xã Đông Khê được thành lập trên cơ sở sáp nhập của 3 đơn vị hành chính (Thị trấn Đông Khê, xã Trọng Con, xã Đức Xuân thuộc huyện Thạch An, nay đã kết thúc hoạt động). Có thể nói, tỉnh Cao Bằng nói chung, xã Đông Khê nói riêng - là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi từng là chiến trường ác liệt trong chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 (hay còn gọi là Chiến dịch Lê Hồng Phong II), là một chiến dịch quân sự quan trọng trong cuộc Kháng chiến chống Pháp, nhằm mục tiêu phá vỡ thế bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc, khai thông biên giới Việt - Trung và mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ từ quốc tế.

Đây cũng là chiến dịch mà đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận cùng Bộ chỉ huy trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến trường càng làm tăng thêm sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, hàng vạn đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đồng lòng quyết tâm bảo vệ xóm làng, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, xứng đáng truyền thống vẻ vang nơi quê hương cội nguồn cách mạng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tặng quà cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo. Ảnh: Hồ Long

Thành tựu rất to lớn, đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, nhưng cũng không ít mất mát, đau thương. Toàn tỉnh có 15 nghĩa trang liệt sĩ với gần 3.000 phần mộ, trong đó còn 929 mộ liệt sĩ chưa xác định thông tin. Qua nắm thông tin, được biết, tính đến ngày 10/7/2025, toàn tỉnh Cao Bằng đã và đang chi trả trợ cấp thường xuyên cho 3.750 đối tượng, với số tiền chi trả trên 12 tỷ đồng/tháng, trong đó có các Mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; toàn tỉnh có 1.160 thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Những đóng góp, hy sinh của bao thế hệ người Đông Khê nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung mãi là niềm tự hào, là di sản tinh thần quý báu để lớp lớp thế hệ hôm nay học tập và noi theo. Hôm nay, tại xã Đông Khê, tỉnh Cao Bằng, sau khi viếng nghĩa trang và đến thăm hỏi, tặng quà trực tiếp tại 2 gia đình, Đoàn công tác trân trọng gửi tới 50 gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng những phần quà tuy không lớn về vật chất, nhưng chứa đựng lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đền ơn đáp nghĩa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu, được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt ra mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Mức trợ cấp ưu đãi cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh ở mức cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hồ Long

Mới đây nhất, tại phiên họp ngày 17/7/2025, Bộ Chính trị đã kết luận thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng các trường phổ thông nội trú liên cấp tiểu học và THCS tại 248 xã biên giới đất liền, là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc nhằm nâng cao dân trí, chất lượng nhân lực, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc, địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng biên giới, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp cho ý kiến và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan khẩn trương tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như: Miễn học phí cho học sinh; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh; quy định cụ thể về chuyển mục đích sử dụng cơ sở dôi dư sau sắp xếp các cơ quan đơn vị ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện các thủ tục không để sót người có công không được hưởng chính sách. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri và kỳ họp Quốc hội luôn dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh ý kiến của cử tri, các Đoàn ĐBQH tăng cường giám sát việc thực hiện quy định pháp luật đối với người có công với cách mạng.

Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước đã dành hàng trăm nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách trợ cấp, hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục nghề nghiệp cho người có công. Bên cạnh đó, trong công tác chăm sóc sức khỏe, chế độ bảo hiểm y tế miễn phí đã bao phủ toàn bộ người có công, giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng mà không phải lo lắng về chi phí.

Thưa Hội nghị,

Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao việc các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ không ngừng phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiếp tục góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bằng ý chí, nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ”, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã vượt qua mọi khó khăn, gương mẫu đi đầu trong công tác, chiến đấu, lao động, học tập, tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Nhiều thương binh, bệnh binh đã năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, đi đầu trong các phong trào thi đua, tích cực góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hồ Long

Qua nghe thông tin báo cáo của tỉnh, Đoàn công tác đánh giá rất cao và biểu dương sự chủ động, trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cấp, ngành của tỉnh trong những năm qua về triển khai phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng. Trong đó, có các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Tổ chức thăm, viếng các nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ; tặng quà người có công dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ; chăm lo đời sống người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nâng cấp, tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ; cải thiện nhà ở đối với người có công; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng…

Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm xác minh hồ sơ, rà soát, đơn giản thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ người có công, giúp rút ngắn thời gian xử lý và tăng tính minh bạch, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, bố trí nguồn lực giải quyết kịp thời một số vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách để toàn bộ người có công được tiếp cận đầy đủ các chế độ; tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN.

Bên cạnh đó, cần mở rộng nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng cùng tham gia, tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ bền vững cho người có công. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc ta bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng, sâu sắc, thiết thực, hiệu quả.

Một lần nữa, xin kính chúc các đồng chí đại biểu, các gia đình chính sách, người có công và bà con Nhân dân xã Đông Khê, tỉnh Cao Bằng luôn mạnh khỏe, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!


* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt.

PV