Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2025: Có nên “đi đường vòng” để được học ngành hot?

Nguyễn Liên - Xuân Quý 20/07/2025 08:35

Theo các chuyên gia, thí sinh không nên nghĩ vào được ngành "hot" mới là tốt. Thay vào đó, cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, xác định năng lực, sở thích của bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Nên chọn ngành hay chọn trường trước?

Đặt câu hỏi tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025, tổ chức ngày 19/7, một phụ huynh chia sẻ, con chị yêu thích ngành Khoa học máy tính và gia đình mong muốn cho con theo học Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, ngưỡng điểm con có chưa chắc chắn đỗ ngành này tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Vậy con nên chọn ngành Khoa học máy tính ở trường khác, như Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, hay vì tình yêu với Bách khoa mà “chọn bừa” một ngành nào đó ở Bách khoa?

z6819596602164_ba7adb4c2445f7f8e303c3abdd15ffee.jpg
Phụ huynh đặt câu hỏi tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025, tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 19/7. Ảnh: Xuân Quý

Trả lời băn khoăn trên, PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội khuyên thí sinh, phụ huynh tham khảo chương trình đào tạo chi tiết đã được các trường đại học công bố.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, đã học Khoa học máy tính thì khối kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành, kiến thức cơ sở ngành tại các trường đều theo một khung chung của thế giới. Các kỹ sư khoa học máy tính đều được trang bị kiến thức giống nhau về cơ bản. Do đó, phụ huynh nên để con lựa chọn nguyện vọng theo đúng mong muốn, sự yêu thích của con.

Nếu khó có cơ hội trúng tuyển ngành lấy điểm chuẩn rất cao tại Đại học Bách khoa Hà Nội là Khoa học máy tính, thí sinh có thể chọn các ngành khác cùng trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại trường.

Hiện nay, những chương trình đào tạo này chỉ khác nhau khoảng 30% khối kiến thức chuyên sâu, còn lại được đào tạo như nhau, vì cùng thuộc một nhóm ngành.

z6819596133154_7726ec38bd866f305c47152831b03265.jpg
PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu. Ảnh: Xuân Quý

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh và phụ huynh, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, thí sinh trước hết nên chọn ngành mình thích - bởi đây có thể là công việc đi theo các em cả cuộc đời. Do đó, nếu đã yêu thích ngành Khoa học máy tính, em có thể chọn theo đuổi ngành này không chỉ ở 2 trường kể trên, mà tại nhiều trường đại học uy tín khác cũng đang đào tạo.

Bên cạnh đó, do ngành Khoa học máy tính khá gần với các ngành khác thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin nên thí sinh có thêm nhiều lựa chọn khác để theo đuổi đam mê của mình.

z6821679477631_803d439d9719068eaf310bdd76272e4d.jpg
TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Xuân Quý

ThS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng nghiên cứu đo lường và đánh giá, Viện đào tạo số và khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, dù học Khoa học máy tính tại Đại học Bách khoa Hà Nội hay Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đều có chương trình đào tạo rất tốt, thuộc top đầu trong lĩnh vực này hiện nay.

Tuy nhiên, thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin từ những cựu sinh viên đã học những ngành này, nghiên cứu về nội dung chương trình đào tạo, các môn học, cách học,... đặc trưng ở từng trường, đồng thời căn cứ theo điểm thi của mình, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

z6819596685882_28e43ae64071c4b7034d287e24590cf7.jpg
ThS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng nghiên cứu đo lường và đánh giá, Viện đào tạo số và khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Xuân Quý

nên “đi đường vòng” để được học ngành vi mạch bán dẫn?

Cũng tại chương trình, một phụ huynh đặt câu hỏi: thí sinh có thể "đi đường vòng" để được theo học ngành Vi mạch bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội, bằng cách đăng ký xét tuyển vào một ngành điểm chuẩn thấp hơn, sau 1 - 2 năm xin chuyển ngành học được không?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội hôm 18/7 đã công bố dự báo điểm chuẩn cho 65 chương trình đào tạo, với 3 phương thức xét tuyển của nhà trường năm 2025. Phụ huynh và học sinh có thể tham chiếu từ bảng phân vị quy đổi tương đương điểm chuẩn để hiểu rõ mức điểm chuẩn của các phương thức khác nhau.

z6819596330513_027c0526078810c52d1ddece5dd03c95.jpg
Thí sinh, phụ huynh tham dự Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025. Ảnh: Xuân Quý

Đây là dự báo của nhà trường căn cứ theo phân tích dữ liệu phổ điểm năm nay và điểm chuẩn các năm trước để phụ huynh và học sinh tham khảo. Tuy nhiên, nếu yêu thích một chương trình đào tạo, thí sinh dù có mức điểm thấp hơn điểm dự báo vẫn nên đăng ký bình thường. Điểm chuẩn chỉ chốt khi đã có tất cả nguyện vọng đăng ký.

Trường hợp thí sinh không trúng tuyển và mong muốn học văn bằng 2 để tiếp tục học các ngành vi mạch bán dẫn thì tại Đại học Bách khoa Hà Nội, theo quy chế đào tạo chung, các em vẫn có cơ hội được học song bằng.

“Tuy nhiên, chúng tôi khuyên thí sinh rằng học một ngành tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rất mệt và khó. Những sinh viên học song bằng thường phải rất xuất sắc, có tư duy học tập tốt mới có thể hoàn thành được các học phần”, PGS.TS Vũ Duy Hải nói.

Một giải pháp khả thi hơn, theo PGS.TS Vũ Duy Hải là sau khi đã tốt nghiệp cử nhân, các em có thể học các ngành kỹ sư chuyên sâu đặc thù như ngành bán dẫn, công nghệ ô tô số hay trí tuệ nhân tạo,... Cách học này sẽ khoa học, đảm bảo chất lượng hơn so với việc học song bằng.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, lĩnh vực vi mạch có rất nhiều ngành cơ bản.

Do đó nếu không trúng tuyển ngành Vi mạch bán dẫn, các em hoàn toàn có thể học ngành gần khác như: Cơ khí, Cơ điện tử, Tự động hóa, Điện tử,... thì vẫn có cơ hội làm việc trong lĩnh vực vi mạch. Sau khi đã có kiến thức cơ bản, các em có thể học thêm 6 tháng - 1 năm tùy chứng chỉ. Như vậy, cơ hội học vi mạch có thể mở rộng hơn.

z6819597294112_fc91649cf50d7ced3182390c3e1f780f.jpg
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: Xuân Quý

“Chúng ta không nên nghĩ vào được ngành "hot" mới là tốt. Trong lĩnh vực vi mạch, có 2 khía cạnh quan trọng gồm thiết kế vi mạch (điểm trúng tuyển thường rất cao, yêu cầu sinh viên có khả năng về nghiên cứu, tích hợp công nghệ) và khía cạnh công nghệ về kiểm thử, đóng gói. Số lượng nhân lực của thiết kế vi mạch không nhiều, nhưng số lượng cần cho kiểm thử, đóng gói rất lớn và cũng rất quan trọng. Các em nên lưu ý tới điều này để có nhiều cơ hội hơn”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nói.

Nguyễn Liên - Xuân Quý