Không uống đủ nước trong ngày: Uống bù buổi tối được không?
Nhiều người bận rộn thường quên uống nước trong ngày và cố "uống bù" vào buổi tối. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hành động này không chỉ kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn rủi ro nếu không thực hiện đúng cách.

Mất nước không đơn giản như bạn nghĩ
Theo bác sĩ nội khoa Craig Cheifetz (Mỹ), việc mất nước kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu và gây áp lực lên hệ tim mạch. Trong ngắn hạn, mất nước còn có thể khiến bạn mệt mỏi, khó tập trung, thậm chí chóng mặt do giảm chức năng não bộ và thể chất.
“Chúng ta thấy rõ hậu quả của việc mất nước khi ai đó bị lạc trong rừng, không được tiếp nước kịp thời, hoặc sau những lần vận động quá sức mà không bù nước đầy đủ”, ông nói. Khi đó, cơ thể rơi vào trạng thái mất kiểm soát, suy giảm khả năng hoạt động và phản ứng với môi trường xung quanh.
Bao nhiêu nước là đủ?
Theo khuyến nghị của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Mỹ, phụ nữ nên uống khoảng 2,7 lít nước mỗi ngày (tương đương 11,5 ly), còn nam giới là 3,7 lít (15,5 ly).
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng Amanda Beaver cho rằng nhu cầu nước có thể thay đổi tùy theo hoạt động thể chất, thời tiết và chế độ ăn uống, đặc biệt là lượng chất xơ.

Điều đáng lưu ý là không phải toàn bộ lượng nước đó phải đến từ nước lọc. “Rất nhiều thực phẩm – đặc biệt là rau củ và trái cây – có hàm lượng nước cao và góp phần quan trọng vào việc giữ nước cho cơ thể”, chuyên gia Beaver cho biết. Những thực phẩm giàu nước bao gồm dưa chuột, xà lách, cà chua, dưa hấu, nho, cần tây, cam và ớt chuông. Ngoài ra, các món ăn dạng lỏng như sữa chua, sinh tố và súp cũng là lựa chọn tốt.
Nếu bạn quên uống nước trong ngày thì sao?
Nhiều người có xu hướng “chữa cháy” bằng cách uống thật nhiều nước vào cuối ngày. Tuy nhiên, theo bác sĩ Cheifetz, việc uống ừng ực một lượng nước lớn không giúp ích nhiều: “Khi bạn uống dồn dập, cơ thể sẽ đào thải nhanh chóng qua đường tiểu, chứ không giữ lại để sử dụng hiệu quả”.

Giải pháp tốt nhất là uống từ từ một lượng nước hợp lý vào buổi tối và xây dựng thói quen uống đủ nước vào hôm sau. Bữa tối nên ưu tiên các món giàu nước như salad, rau luộc, canh, súp. Đồng thời, cần tránh các loại thức uống gây mất nước như rượu và caffeine – vốn là những chất lợi tiểu tự nhiên.
Cũng không nên uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn trước khi đi ngủ. “Dù hiếm gặp, nhưng việc uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn có thể gây ra tình trạng hạ natri máu – khi lượng natri trong máu bị pha loãng quá mức, gây chóng mặt, lú lẫn, thậm chí đe dọa tính mạng”, chuyên gia Beaver cảnh báo.
Giải pháp lâu dài: xây dựng thói quen đúng
Thay vì cố gắng bù nước vào cuối ngày, giải pháp bền vững là hình thành thói quen uống nước đều đặn trong ngày. Một số mẹo nhỏ như để bình nước cạnh máy tính, điện thoại hoặc chìa khóa xe, sẽ có thể giúp bạn nhớ uống nước thường xuyên.
Nếu cảm thấy nước lọc nhạt và khó uống nhiều, bạn có thể thử biến tấu bằng nước có gas không đường, nước pha lát chanh, bạc hà, hoặc dưa leo. Những loại nước này không chỉ giúp giải khát mà còn tăng cảm hứng uống nước mỗi ngày.
Lời khuyên của chuyên gia

Duy trì đủ nước mỗi ngày không chỉ giúp cơ thể vận hành trơn tru mà còn cải thiện rõ rệt cảm giác tỉnh táo, tập trung và năng lượng. “Giống như uống thuốc đều đặn để duy trì hiệu quả điều trị, việc uống nước cũng cần được thực hiện đều đặn mỗi ngày”, bác sĩ Cheifetz nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Beaver, nhiều người thường xuyên sống trong trạng thái “thiếu nước nhẹ” mà không nhận ra. Chỉ đến khi họ cải thiện lượng nước tiêu thụ, họ mới thấy sự khác biệt: “Bớt mệt mỏi, ít đau đầu, tập trung tốt hơn và cảm thấy khỏe khoắn hơn rõ rệt”.
Uống đủ nước không phải là việc khó – nhưng là việc cần được chú trọng mỗi ngày. Đó chính là chìa khóa đơn giản để tăng cường sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.