Quốc tế

Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: Phép thử sinh tử với Đảng cầm quyền

Hồng Nhung 20/07/2025 07:17

Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản hôm nay không chỉ là một cuộc trưng cầu ý dân giữa nhiệm kỳ đối với chính quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba, mà còn là phép thử đối với vị thế cầm quyền lâu đời của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) giữa bối cảnh bất ổn kinh tế, căng thẳng đối ngoại và làn sóng dân túy đang trỗi dậy.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 20.44.48
Những người ủng hộ dán áp phích vận động tranh cử trên một bảng thông báo ở Tokyo trước bầu cử. Ảnh: Reuters

Hôm nay, 20/7, cử tri trên khắp Nhật Bản đi bỏ phiếu để quyết định số phận của 124 trong tổng số 248 ghế tại Thượng viện - cơ quan lập pháp có vai trò kiểm soát các đạo luật và ngân sách. Đây là cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên kể từ khi ông Shigeru Ishiba nhậm chức Thủ tướng vào năm ngoái.

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế chịu sức ép từ lạm phát, quan hệ thương mại Mỹ - Nhật căng thẳng, dân số già hóa và làn sóng dân túy nổi lên, cuộc bầu cử này được xem là dấu mốc then chốt cho tương lai chính trị của chính phủ hiện tại.

Liên minh cầm quyền trong thế bị dồn ép

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy liên minh giữa LDP và đảng Komeito có nguy cơ mất từ 10 đến 20 ghế sau cuộc bầu cử Thượng viện hôm nay. Mục tiêu tối thiểu mà Thủ tướng Ishiba đặt ra là giữ được ít nhất 50 trên tổng số 66 ghế mà liên minh đang bảo vệ. Nếu không đạt được, khả năng ông phải đối mặt với lời kêu gọi từ chức là điều không thể loại trừ.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 20.54.11
Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản năm nay là cuộc sát hạch về niềm tin của cử tri vào năng lực
điều hành của Thủ tướng Shigeru Ishiba và Chính phủ hiện tại. Ảnh: Reuters

LDP, vốn thống trị chính trường Nhật Bản suốt gần bảy thập kỷ, đang chứng kiến sự sụt giảm ủng hộ rõ rệt, đặc biệt trong giới trẻ - những người ngày càng hoài nghi về năng lực của các chính phủ truyền thống trong việc giải quyết những vấn đề tồn đọng như lạm phát, an sinh xã hội và cải cách hành chính. Cùng lúc đó, các đảng dân túy cánh hữu đang gia tăng ảnh hưởng, với thông điệp đơn giản, trực diện.

Lạm phát và chi phí sinh hoạt: Ngòi nổ của bất mãn xã hội

Sau nhiều thập kỷ giảm phát và ổn định giá cả, Nhật Bản đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát hơn 3% - mức cao nhất trong ba thập kỷ qua. Trong khi đó, thu nhập của người dân không tăng, dẫn đến sự sụt giảm rõ rệt về sức mua và niềm tin tiêu dùng.

Giá gạo - mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân Nhật - đã tăng gấp đôi do mất mùa và các chính sách điều hành nông nghiệp gây tranh cãi. Không ngạc nhiên khi trong một khảo sát mới đây, có tới 28% cử tri cho rằng chi phí thực phẩm là vấn đề đáng quan tâm nhất, vượt trên cả an ninh hay nhập cư.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 20.46.03
Một cuộc khảo sát cho thấy 28% cử tri Nhật lo ngại nhất về giá gạo và các loại thực phẩm khác.
Ảnh: New York Times

Từ các khu chợ dân sinh đến những buổi vận động tranh cử ngoài trời, người dân không ngừng bày tỏ sự giận dữ với việc giá cả leo thang, trong khi Chính phủ dường như bất lực. Đây cũng là điểm yếu chính trị mà phe đối lập và các đảng dân túy đang khai thác triệt để.

Quan hệ Mỹ - Nhật: Đồng minh không còn như xưa?

Một trong những áp lực lớn nhất đối với chính quyền Thủ tướng Ishiba hiện nay là từ Washington. Sau bảy vòng đàm phán thương mại không mang lại kết quả, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp mức thuế 25% lên toàn bộ hàng xuất khẩu của Nhật Bản từ ngày 1/8, trừ khi Tokyo nhượng bộ trong hai vấn đề nhạy cảm: mở cửa thị trường gạo và nhập thêm ô tô Mỹ.

Dù Nhật Bản vẫn được xem là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á, nhưng các động thái cứng rắn của Washington thời gian qua đã khiến niềm tin của người Nhật lung lay. Một số ý kiến trong xã hội Nhật cho rằng Tokyo đang bị ép buộc phải đánh đổi lợi ích nông dân và chủ quyền kinh tế để giữ “tình đồng minh”.

Thủ tướng Ishiba đã cố gắng thể hiện lập trường cứng rắn trong đàm phán với Mỹ, song áp lực từ lá phiếu cử tri và thế lực bảo thủ trong nội bộ LDP khiến ông không có nhiều dư địa để xoay sở.

cf014fadf1e58193c68d708291aba636497d2c1c.png
Một trong những áp lực lớn nhất đối với chính quyền Thủ tướng Shigeru Ishiba hiện nay là từ
phía Mỹ và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Financial Times

Sự nổi lên của các đảng dân túy: Thách thức hiện hữu

Cuộc bầu cử lần này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng dân túy cánh hữu, đặc biệt là đảng Sanseito do ông Sohei Kamiya lãnh đạo. Với thông điệp “Người Nhật trên hết” và các chính sách chống nhập cư, đảng này đang thu hút đáng kể cử tri trẻ - những người ngày càng bất mãn với chính trị truyền thống.

Sanseito được dự báo giành ít nhất 10 ghế, có thể gấp đôi nếu xu hướng hiện tại tiếp tục. Đây là con số đáng kể với một đảng mới và là dấu hiệu cho thấy hệ thống chính trị Nhật Bản đang có những dịch chuyển đáng lo ngại theo hướng dân túy và biệt lập.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 20.59.15
Ông Sohei Kamiya, lãnh đạo đảng Sanseito phát biểu trong chiến dịch tranh cử tại Tosu,
tỉnh Saga, tây nam Nhật Bản, ngày 12/7/2025. Ảnh: Kyodo News

Ngoài ra, đảng Dân chủ vì Nhân dân do ông Yuichiro Tamaki dẫn dắt, một đảng cánh hữu ôn hòa hơn, cũng đang tìm được chỗ đứng với các cử tri trẻ tuổi mong muốn thay đổi nhưng không cực đoan.

Sức mạnh của cử tri lớn tuổi và phe đối lập truyền thống

Dù giới trẻ đang đóng vai trò ngày càng lớn, nhưng với gần 30% dân số trên 65 tuổi, khối cử tri cao tuổi vẫn là lực lượng then chốt trong mọi cuộc bầu cử tại Nhật Bản. Họ thường có xu hướng ủng hộ các đảng lớn như LDP hoặc Đảng Dân chủ Lập hiến - phe đối lập chính, chủ trương bảo vệ Hiến pháp hòa bình, đẩy mạnh bình đẳng giới và đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima.

Nếu cử tri cao tuổi tiếp tục ủng hộ LDP, ông Ishiba có thể giữ được thế đa số. Nhưng nếu một phần trong số họ quay lưng hoặc bỏ phiếu trắng, cán cân quyền lực có thể sẽ đảo chiều.

Viễn cảnh sau ngày bầu cử

Nếu liên minh cầm quyền giữ được hoặc mở rộng đa số tại Thượng viện, Thủ tướng Ishiba sẽ có thêm dư địa chính trị để thúc đẩy ngân sách quốc phòng kỷ lục và củng cố vị thế trong đàm phán với Washington. Nhưng nếu chỉ giành chiến thắng sít sao, các phe cánh trong nội bộ LDP - đặc biệt là phe bảo thủ dân tộc từng được cố Thủ tướng Shinzo Abe hậu thuẫn - có thể sẽ gia tăng áp lực, thậm chí tìm cách thay thế ông.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 21.01.58
Kết quả bầu cử chính thức dự kiến sẽ được công bố vào sáng mai, 21/7. Ảnh: AP

Kịch bản xấu nhất đối với ông Ishiba là khi liên minh LDP - Komeito mất quyền kiểm soát Thượng viện, dẫn đến bế tắc lập pháp, khiến việc thông qua ngân sách, các hiệp ước và thỏa thuận thương mại trở nên khó khăn hơn. Khi đó, nguy cơ giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử sớm là điều không thể loại trừ - một kịch bản mà không ai trong liên minh cầm quyền mong muốn trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với quá nhiều bất ổn.

Có thể nói, cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản năm nay không đơn thuần là sự kiện chính trị định kỳ. Đó là cuộc sát hạch về niềm tin của cử tri nước này vào năng lực điều hành của chính phủ hiện tại. Kết quả khảo sát ngoài phòng bỏ phiếu sẽ được công bố ngay sau khi kết thúc bầu cử lúc 8 giờ tối (giờ địa phương), và kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố vào sáng mai, 21/7.

Hồng Nhung