Xã hội

Luật đi vào đời sống, bạo lực gia đình dần bị đẩy lùi

Tiểu Phong 20/07/2025 06:44

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đánh dấu bước tiến quan trọng trong bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương trong các vụ bạo lực gia đình. Sau hai năm triển khai, tại nhiều địa phương, công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Luật lan tỏa từ thôn, bản

Tháng 3/2023, xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm (nay là xã Quảng Lâm), tỉnh Cao Bằng được chọn thí điểm triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Đây là 1 trong 4 mô hình nòng cốt của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Mô hình do UBND xã thành lập và quản lý, thành viên là những cá nhân có uy tín cao trong cộng đồng như Bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, người dân... trong xã. Không chỉ kịp thời xử lý các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh, các thành viên tham gia mô hình đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và hôn nhân gia đình. Đặc biệt, các quy định, chính sách mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được phổ biến rộng rãi đến người dân trong thôn, như: các hành vi bạo lực gia đình quy định trong Luật; quyền của người bị bạo lực gia đình; các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình…

v1.jpg
Một buổi tuyên truyền của thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy”. Ảnh: Cầm Thanh

Câu chuyện của chị Hoàng Thị M là minh chứng cho tác động thiết thực từ mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở Thạch Lâm. Nhiều năm qua, chồng chị M thường xuyên uống rượu, gây sự và đánh đập vợ vô cớ. Dù bị chồng bạo hành nhưng chị M lặng lẽ chịu đựng vì nghĩ đến ba đứa con nhỏ. Khi được các thành viên trong mô hình tiếp cận, khuyên giải và phân tích phải trái, ban đầu chồng chị M tỏ ra chống đối. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì của các thành viên trong mô hình, chồng chị M dần nhận ra hành vi của mình là sai trái. Gia đình chị M hiện đã hòa thuận trở lại, các con được sống trong môi trường an toàn, hạnh phúc hơn.

Tương tự, ở xã Bản Bo, Lai Châu trước đây từng xảy ra không ít vụ việc bạo lực gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi mô hình “Địa chỉ tin cậy” được triển khai, tình trạng này gần như không còn. Có được kết quả đó là nhờ sự tận tâm, trách nhiệm của các thành viên trong mô hình - những người không quản ngại đến từng hộ dân để tuyên truyền các quy định, chính sách mới trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và vận động góp phần ngăn chặn, hóa giải các mâu thuẫn ngay từ sớm, từ xa.

Chuyển biến trong nhận thức, giảm dần hành vi bạo lực

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) thể hiện tinh thần tiến bộ khi xác định rõ vai trò trung tâm của người bị hại trong mọi hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực. Luật quy định cụ thể hơn các hành vi bạo lực, mở rộng phạm vi điều chỉnh và các biện pháp can thiệp, hỗ trợ. Trong đó, chú trọng phòng ngừa từ sớm, huy động sức mạnh của cộng đồng và tạo khung pháp lý vững chắc để xử lý các hành vi vi phạm.

Ngay sau khi Luật có hiệu lực, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới được các địa phương triển khai mạnh mẽ thông qua nhiều hình thức: cổ động trực quan, phát thanh - truyền hình, báo chí, mạng xã hội, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thi karaoke, nấu ăn với chủ đề gia đình. Việc thực hiện Luật được lồng ghép với công tác xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và gia đình”. Tại nhiều địa phương, nội dung của Luật được đưa vào quy ước thôn, bản, tổ dân phố và trở thành tiêu chí bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.

Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân và hướng dẫn người dân báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình. Đặc biệt, việc công khai đường dây nóng giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, báo tin nhanh chóng và được hỗ trợ kịp thời khi có tình huống khẩn cấp. Các “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng được ví như những “cột mốc” an toàn, không chỉ góp phần giảm thiểu các vụ bạo lực mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm và sẻ chia trong cộng đồng.

Nỗ lực của các địa phương đã giúp đưa Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ nét trong nhận thức và giảm dần các hành vi bạo lực gia đình. Đơn cử, tại tỉnh Phú Yên (cũ) trong năm 2024 ghi nhận 58 vụ bạo lực gia đình, giảm so với giai đoạn trước khi Luật có hiệu lực.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại các địa phương vẫn còn một số khó khăn. Đơn cử, nguồn kinh phí được phân bổ chủ yếu phục vụ tuyên truyền, còn thiếu cho xây dựng cơ sở vật chất hoặc mô hình chuyên sâu. Cán bộ thực hiện công tác gia đình cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, thiếu ổn định và kỹ năng xử lý vụ việc phức tạp. Nhiều địa phương chưa có chuyên gia về tâm lý, xã hội học, pháp lý... Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, cộng với những tác động từ hội nhập, mạng xã hội, văn hóa ngoại lai cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác bảo vệ nền tảng đạo đức và ứng xử gia đình truyền thống Việt Nam.

(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện)

Tiểu Phong