Văn hóa - Thể thao

Du lịch phục hồi mạnh, hướng tới bứt phá

Trúc Oanh 20/07/2025 06:23

6 tháng đầu năm, ngành du lịch đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế và 66,7 triệu lượt khách nội địa, thu về hơn 20 tỷ USD. Trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, cần đột phá về thể chế, chính sách, nguồn lực và hạ tầng để ngành du lịch bứt phá, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng trong thập kỷ tới.

Doanh thu nửa đầu năm đạt hơn 20 tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tháng 6, cả nước đón 1,46 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy ngành du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi vững chắc.

Các thị trường trọng điểm tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng khách quốc tế, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Đáng chú ý, một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với tháng trước, nổi bật là: Na Uy tăng 180%; Thụy Điển tăng 49%; Mỹ và Singapore tăng cùng mức 42%; Malaysia tăng 21%; Nga và Lào lần lượt tăng 14% và 13%.

y1.jpg
Ngành du lịch cần chính sách đột phá về cơ chế và nguồn lực. Ảnh: Đình Hoàng

Thị trường du lịch nội địa cũng rất sôi động. Trong tháng 6, cả nước ước đón 16 triệu lượt khách nội địa; lũy kế 6 tháng, khách nội địa đạt 77,5 triệu lượt, đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu toàn ngành.

Tổng thu từ khách du lịch trong nửa đầu năm nay ước đạt 518 nghìn tỷ đồng (tương đương 20,4 tỷ USD), tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng ngành dịch vụ và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Một số địa phương ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng so với cùng kỳ năm trước nhờ triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu, tổ chức lễ hội và mở rộng tuyến du lịch; cụ thể: đà Nẵng tăng 18,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 16,9%; Hà Nội tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,5%...

Sửa Luật Du lịch; ưu đãi thuế, phí, tín dụng

Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 980 nghìn tỷ đồng đến 1.050 triệu tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2030 là đón 35 triệu khách quốc tế, 140 - 160 triệu khách nội địa, đóng góp 14 - 15% GDP.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel nhận định, ngành du lịch hoàn toàn có thể trở thành động lực tăng trưởng thực sự trong thập kỷ tới; tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua; ông Kỳ phân tích: so với các nước trong khu vực, mục tiêu đón 35 triệu khách quốc tế vào năm 2030 của Việt Nam khá khiêm tốn, bởi Thái Lan đã đạt được con số này ngay trong năm 2025.

Nguyên nhân chính do năng lực yếu kém của các doanh nghiệp lữ hành trong nước; hơn 80% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, khó đủ sức cạnh tranh quốc tế. Mặc dù giữa các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và vận chuyển đã liên kết xây dựng sản phẩm du lịch, nhưng phần lớn còn mang tính tự phát, thiếu chiến lược dài hạn và đồng bộ.

Hiện nay, đầu tư trong ngành du lịch vẫn chủ yếu nghiêng về lĩnh vực bất động sản du lịch - nơi thu hút dòng vốn lớn và tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp lữ hành lại gặp khó khăn về vốn, quy mô và khả năng tiếp cận nguồn lực.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch còn rất hạn chế. Việt Nam thiếu một mạng lưới xúc tiến du lịch chuyên nghiệp ở nước ngoài; kinh tế ban đêm - vốn chiếm tới 70% doanh thu du lịch ở nhiều quốc gia - dù đã có đề án phát triển, nhưng triển khai chưa hiệu quả; nhiều phố đi bộ chưa đáp ứng được nhu cầu giao lưu văn hóa đường phố của du khách.

Một rào cản lớn khác là chính sách visa chưa đủ cạnh tranh. Hiện Việt Nam miễn visa cho 26 quốc gia và cấp visa điện tử cho 80 nước, trong khi Thái Lan miễn cho 112 nước và Malaysia tới 150 nước.

Để thúc đẩy du lịch bứt phá, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng cần có chiến lược đột phá về cơ chế, chính sách và nguồn lực. Trước hết, cần ban hành Luật Du lịch mới phù hợp với bối cảnh hiện tại; bổ sung các định hướng như du lịch số, kinh tế ban đêm, ESG (môi trường, xã hội, quản trị)... Việt Nam cũng cần xây dựng Chiến lược Du lịch Quốc gia giai đoạn 2026 - 2035, đồng thời đưa phát triển du lịch vào chương trình mục tiêu quốc gia, với các tiêu chí cụ thể và đo lường được.

Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện về thuế, đất, tín dụng cho doanh nghiệp du lịch phát triển sản phẩm mới, khai phá thị trường trọng điểm, mang lại nguồn thu bền vững cho đất nước. Cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong quảng bá và xúc tiến du lịch cũng rất cần thiết, nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách và huy động nguồn lực xã hội.

Thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách đột phá và định hướng phát triển du lịch theo hướng chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững và có thương hiệu. Trong đó, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp đặc thù theo vùng, du lịch sinh thái và mạo hiểm...

Cùng với đó, tăng cường điều phối vùng, liên vùng; huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh về logistics, nhân lực và chất lượng dịch vụ du lịch.

Trúc Oanh