Tái hiện lịch sử sống động của các vùng đất
Gần đây, nhiều ấn phẩm về lịch sử các vùng đất ra đời, không chỉ tập hợp các sự kiện khô khan mà còn là cầu nối đưa độc giả trở về quá khứ, chạm vào một thời đã xa.
Hé mở bí ẩn miền biên viễn
Bốn nghìn năm lịch sử, dải đất hình chữ S không chỉ chứng kiến bao thăng trầm của dân tộc mà còn để lại kho tàng vô giá với những câu chuyện về con người và vùng đất; nhận thức về giá trị của lịch sử địa phương ngày càng được nâng cao, nhiều ấn phẩm được các nhà nghiên cứu, đơn vị xuất bản quan tâm.
Mới đây, cuốn sách "Sông Đà: lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam" - nghiên cứu đồ sộ về lịch sử vùng cao phía Bắc Việt Nam của nhà sử học Philippe Le Failler đã ra mắt tại Hà Nội. Cuốn sách nói về lịch sử khu vực sông Đà - không gian địa lý, lịch sử và văn hóa đặc biệt, vùng biên giới của Việt Nam với Lào và Trung Quốc, nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc như Thái, Dao, Khơ Mú, Lô Lô...
Đây cũng là nơi từng tồn tại thế lực của dòng họ Đèo với thủ lĩnh Đèo Văn Trì và các anh em, con cháu ông - những người đã gắn số phận của mình với sự hiện diện của người Pháp, và rồi cũng biến mất theo bước chân của họ trên vùng đất này. Cùng với đó là những lần cải cách hành chính qua từng thời kỳ, để lại dấu ấn trong đời sống cũng như văn hóa của miền Thượng - vùng Tây Bắc Việt Nam.
Nhà sử học người Pháp Philippe Le Failler, Giáo sư Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), Trưởng Đại diện EFEO tại Hà Nội cho biết, thuở sinh viên, ông và bạn bè thường tìm đến các trung tâm lưu trữ tại Pháp. Lúc bấy giờ, Đông Dương vẫn còn là một vùng đất ẩn chứa nhiều bí ẩn mà họ chưa từng đặt chân tới, và tiếng Việt thì hoàn toàn xa lạ. Những trang tài liệu tiếng Pháp trở thành cánh cửa duy nhất để bước vào khám phá; giữa những con chữ, một địa danh và cái tên thu hút, thôi thúc ông tìm hiểu sâu hơn: sông Đà và nhân vật Đèo Văn Trì; năm này qua năm khác, những tư liệu liên quan được GS. Philippe Le Failler tích luỹ ngày một dày thêm.

Khi có cơ duyên đặt chân đến Việt Nam công tác, ông bắt đầu học tiếng Việt, để ngôn ngữ của vùng đất này không còn là rào cản; đi sâu tìm hiểu, ông càng nhận ra rằng xung quanh sông Đà và nhân vật Đèo Văn Trì còn ẩn chứa vô vàn câu chuyện khác, đan xen, kết nối, tạo nên một bức tranh lịch sử sống động; tất cả đã được ông thể hiện trong "Sông Đà: lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam".
Nhà dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến nhận định, có một khoảng trống lớn trong nghiên cứu về miền núi Việt Nam. "Sông Đà: lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam" góp thêm một mảnh ghép quan trọng cho bức tranh toàn cảnh ấy. Cuốn sách tập trung vào thượng lưu sông Đà, nơi mà các ghi chép lịch sử của Việt Nam gần như không đề cập đến. Tuy nhiên, cuốn sách cũng cho thấy các khoảng trống mới, cần nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về sự phát triển và biến đổi của nhiều miền đất qua thời gian.
Tái hiện sống động lịch sử các vùng đất
Trước đó, cuốn sách “Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (1829 - 1841)” của chuyên gia Việt Nam học người Hàn Quốc Choi Byung Wook đã được chuyển ngữ, giới thiệu tại Việt Nam. Sách làm sáng tỏ một loạt sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX. Tác giả tập trung vào quá trình chuyển biến về chính trị - hành chính và những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, kinh tế, cư dân của vùng đất này.
“Lịch sử khai khẩn cao nguyên An Khê (1864 - 1888)” của Giáo sư sử học Andrew Hardy lại đưa độc giả tìm hiểu về An Khê (Gia Lai) - mảnh đất không chỉ là cửa ngõ lên rừng xuống biển, nối liền đại lục với đại dương, mà còn là đầu mối của các tuyến đường thủy, bộ hay kết hợp cả thủy lẫn bộ từ đông sang tây và từ tây sang đông; từ bắc xuống nam và từ nam lên bắc. Do vị trí vô cùng đặc biệt này, mà người Việt trong công cuộc mở cõi về phương Nam cũng sớm tìm đến An Khê. Nhà nghiên cứu Andrew Hardy đã tập trung khai thác triệt để tài liệu và những chuyến đi điều tra kiểm chứng thực địa để dựng lại lịch sử khai khẩn cao nguyên An Khê cuối thế kỷ XIX…
“Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” của tác giả Đào Thị Diến ra mắt gần đây làm rõ giai đoạn của Hà Nội sau cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp năm 1873 cho đến kết thúc chế độ thuộc địa năm 1945; tái hiện hình ảnh một Hà Nội xưa với những tên đường, tên phố cùng mạng lưới giao thông bước đầu mang dáng dấp hiện đại; những công trình văn hóa, kiến trúc hiện đại bên cạnh 36 phố phường cổ xưa, một Hà Nội mang diện mạo của một thành phố Âu Tây…
Các trang sách về lịch sử vùng đất giờ đây không chỉ dừng lại ở các tỉnh, thành phố lớn mà đã mở rộng ra đến những vùng đất xa xôi, vùng văn hóa đặc trưng. Nhiều tác giả đã áp dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành, kết hợp sử học với khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học... để mang đến cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về vùng đất, giúp tái hiện lịch sử một cách sống động và chân thực.
Mỗi tác phẩm như một mảnh ghép trong bức tranh lịch sử và văn hóa của dân tộc, bắc một nhịp cầu và là bước chuyển tiếp lịch sử quê hương từ truyền thống đến hiện đại. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng kho tàng thông tin đầy đủ về lịch sử phát triển của các vùng đất sẽ là nền tảng quý báu, cung cấp nhiều kinh nghiệm để thế hệ sau kế thừa và phát triển bền vững, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của từng địa phương và của quốc gia.