Sức khỏe

Ánh sáng ban đêm – mối đe dọa âm thầm với trái tim

Hồng Nhung 19/07/2025 16:14

Tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm, dù chỉ từ màn hình điện thoại hay ánh đèn phòng ngủ, có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch nghiêm trọng.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 11.35.58

Đây là cảnh báo mới nhất từ một nghiên cứu quy mô lớn theo dõi hơn 88.000 người trưởng thành trong gần một thập kỷ.

Rủi ro từ ánh sáng tới giấc ngủ

Trong xã hội hiện đại, việc cầm điện thoại lướt mạng lúc 1-2 giờ sáng đã trở thành điều quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, ánh sáng phát ra từ màn hình hay đèn phòng ngủ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.

Nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học tại Đại học Flinders (Australia) đã chỉ ra rằng tiếp xúc với ánh sáng mạnh sau nửa đêm có liên quan đến sự gia tăng đáng kể – từ 23% đến 56% – các bệnh như: bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim, rung nhĩ và đột quỵ.

Các nhà khoa học đã thu thập hơn 13 triệu giờ dữ liệu từ thiết bị đo ánh sáng đeo tay, ghi nhận chi tiết mức độ chiếu sáng cá nhân trong khi ngủ, sau đó đối chiếu với hồ sơ bệnh án trong vòng tám năm.

Kết quả cho thấy, những người ngủ trong môi trường sáng – dù chỉ một giờ có ánh sáng trần trong khoảng từ nửa đêm đến 6 giờ sáng – cũng thuộc nhóm nguy cơ cao về tim mạch.

Ánh sáng làm rối loạn đồng hồ sinh học

Ánh sáng là yếu tố then chốt điều khiển nhịp sinh học – chu kỳ sinh lý 24 giờ của cơ thể, bao gồm điều tiết hormone, huyết áp, nhịp tim và trao đổi chất.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 11.43.25
Nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ một đêm ngủ với lượng ánh sáng vừa phải cũng có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe tim mạch và trao đổi chất.

Ban đêm, hormone melatonin sẽ tăng để giúp cơ thể thư giãn và hạ huyết áp. Tuy nhiên, chỉ với mức ánh sáng phổ biến trong nhà, lượng melatonin có thể bị giảm một nửa, khiến mạch máu co lại và huyết áp không thể hạ xuống mức nghỉ ngơi. Tim vì thế vẫn “làm việc như ban ngày” ngay cả khi cơ thể đang cần ngủ.

Ngay cả ánh sáng nhân tạo rất nhẹ – như ánh sáng từ đèn ngủ hay điện thoại – cũng có thể làm chậm nhịp sinh học vài giờ, đẩy tim và hệ tuần hoàn ra khỏi quỹ đạo điều hòa tự nhiên.

Tác động đặc biệt đến phụ nữ và người trẻ

Thông thường, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn nam giới nhờ hormone estrogen bảo vệ thành mạch. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy phụ nữ tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm có nguy cơ bệnh tim ngang với nam giới. Điều này có thể do tuyến tùng của nữ giới – nơi sản xuất melatonin – nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 11.41.42
Ánh sáng ban đêm có thể làm gián đoạn nhịp sinh học ở trẻ em.

Người trẻ cũng không miễn nhiễm. Dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy người trẻ tuổi có liên hệ chặt chẽ hơn giữa ánh sáng ban đêm và các bệnh như suy tim, rung nhĩ – trùng khớp với những phát hiện trước đó rằng người trẻ làm việc ca đêm dễ tích lũy nguy cơ tim mạch nhanh hơn.

Không chỉ trái tim bị ảnh hưởng

Hậu quả của việc tiếp xúc ánh sáng ban đêm kéo dài không chỉ dừng ở tim mạch. Rối loạn đồng hồ sinh học còn ảnh hưởng đến việc điều hòa đường huyết, làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 – một yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh tim.

Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận mối liên hệ giữa ánh sáng ban đêm và béo phì, kháng insulin – kể cả khi đã loại bỏ yếu tố ăn uống.

Thí nghiệm trên chuột cho thấy: chỉ sau vài tuần sống trong môi trường chiếu sáng liên tục, động vật phát triển thành mạch cứng và thành tim dày – biểu hiện tương tự với những gì quan sát được ở người làm ca đêm kéo dài.

Đặc biệt, một giờ thiếu ngủ do ánh sáng nhân tạo cũng có thể làm tăng hoạt động thần kinh giao cảm vào sáng hôm sau – yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-19 lúc 11.44.41
Những người ngủ trong môi trường sáng – dù chỉ một giờ có ánh sáng trong khoảng từ nửa đêm đến 6 giờ sáng – cũng thuộc nhóm nguy cơ cao về tim mạch.

Giấc ngủ trong bóng tối: nền tảng bảo vệ tim mạch

Những phát hiện trên đang khiến giới chuyên gia xem lại tầm quan trọng của giấc ngủ trong môi trường tối hoàn toàn. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã đưa yếu tố này vào danh sách “8 điều thiết yếu cho cuộc sống khỏe mạnh”, xếp ngang hàng với chế độ ăn và vận động thể chất.

Tiến sĩ Martin Young thuộc Đại học Alabama (Mỹ) nhấn mạnh: “Nhiều người hiện sống dưới ảnh hưởng ánh sáng liên tục suốt 24 giờ, khiến trái tim không bao giờ được nghỉ ngơi thực sự. Tác động của điều này là rất lớn”.

Làm thế nào để phòng ngủ thực sự tối?

• Thiết lập thời gian ngủ cố định và giữ phòng tối trong suốt thời gian đó.

• Nếu phải thức dậy ban đêm, nên dùng đèn ngủ thay vì bật đèn trần.

• Bật chế độ “ban đêm” trên điện thoại và giảm độ sáng xuống dưới 10% sau hoàng hôn.

• Sử dụng rèm cản sáng hoặc bịt mắt khi ngủ.

• Người làm ca đêm nên dùng ánh sáng trắng mạnh khi làm việc để giữ tỉnh táo, sau đó đeo kính râm trên đường về nhà để chuẩn bị cho giấc ngủ.

Nghiên cứu mới nhất của Đại học Flinders là cảnh báo rõ ràng rằng ánh sáng vào ban đêm là yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được đối với sức khỏe tim mạch.

Tránh ánh sáng ban đêm – tưởng chừng là điều nhỏ nhặt – có thể trở thành một “liều thuốc” thiết yếu để bảo vệ trái tim trong xã hội hiện đại.

Hồng Nhung