Kinh tế

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may – da giày: Nâng cao giá trị, hướng tới tỷ lệ nội địa hóa 70%

Khánh Ngọc 19/07/2025 08:58

Với mục tiêu hướng tới tỷ lệ nội địa hóa 70%, việc chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu được kỳ vọng là giải pháp để các doanh nghiệp ngành dệt may - da giày tận dụng được các lợi thế phát triển.

Nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ

Ngành công nghiệp dệt may, da giày là hai ngành hàng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng trung bình 10%, thu hút gần 5 triệu lao động, đóng góp đáng kể vào phát triển thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035, trong đó nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và tự chủ nguyên phụ liệu. Tuy nhiên đến nay, đây vẫn là điểm nghẽn lớn của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam khi có những đề án quy hoạch sản xuất nguyên phụ liệu rất lớn nhưng tất cả vẫn đang nằm trên giấy. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu ngành này đã vượt 70 tỷ USD trong năm 2024, nhưng giá trị gia tăng còn thấp do phụ thuộc tới 60% nguyên phụ liệu nhập khẩu. Nhiều nút thắt đang cần được tháo gỡ.

Với tổng diện tích 40ha, nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP. Hồ Chí Minh, riêng phần diện tích của trung tâm sản xuất nguyên phụ liệu đã rộng hơn 10 ha, đảm bảo sản xuất và cung ứng trên 70% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề án quy hoạch "Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp thời trang Việt Nam" cho giai đoạn 5 năm tới. Quá trình triển khai cho thấy, từ chính sách tới thực tế vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Thân Đức Việt cho biết, “một trong những nội dung quan trọng trong 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, cũng như xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu cho 2 ngành này. Tuy nhiên, việc triển khai hiện nay tương đối chậm".

Năm 2024 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của hai ngành dệt may - da giày Việt Nam đã đạt trên 70 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế giá trị trên mỗi đơn hàng xuất khẩu chưa tới 10%, do 60% nguồn cung nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Để đạt mục tiêu xuất khẩu vượt mốc 100 tỷ USD trong giai đoạn tới, nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp thời trang cần sớm được tháo gỡ.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may - da giày đạt 72 tỷ USD. Ảnh: PV
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may - da giày đạt 72 tỷ USD. Ảnh: PV

Phát huy nội lực, tự chủ nguồn nguyên liệu

Theo Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn, triển khai Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành, sẽ nâng cấp chuỗi cung ứng của ngành thời trang Việt Nam theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, chủ động và bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Thuấn nhìn nhận, hãy mạnh dạn có cơ chế đột phá, để hai ngành dệt may và da giày có được một trung tâm phát triển và trưng bày về nguyên phụ liệu, cũng như các trung tâm về nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, đúng như chiến lược ngành đề ra là đạt tỷ lệ nội địa hoá 70% là tốt nhất trong 5 năm tới.

Đầu tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã đệ trình giải pháp xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp dệt may – da giày Việt Nam giai đoạn 2026-2030 với các mục tiêu kết nối và phát triển chuỗi cung ứng thời trang; trưng bày, giới thiệu, thử nghiệm nguyên phụ liệu và công nghệ mới… Qua đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách hiệu quả nhất, giúp ngành dệt may, da giày có những bước đi đột phá, tạo ra giá trị ngày càng cao, mang lại lợi ích và góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Về phía Bộ Công thương, ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Công nghiệp, thông tin, trong thời gian tới, Cục công nghiệp sẽ tham mưu cho Bộ Công thương để xây dựng chính sách, trong đó sẽ xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp thời trang Việt Nam để chuyển giao công nghệ và là cầu nối cho các doanh nghiệp với các thị trường nước ngoài cũng như có thể tiếp cận nhanh nhất công nghệ tiên tiến và tự chủ được nguồn nguyên liệu.

Theo mục tiêu đề ra, khi Trung tâm được đưa vào vận hành, sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp với bảy chức năng chính như kết nối và phát triển chuỗi cung ứng thời trang; trưng bày, giới thiệu, thử nghiệm nguyên phụ liệu và công nghệ mới; tạo không gian sáng tạo và nghiên cứu phát triển cho ngành thời trang; tổ chức hội chợ triển lãm, sự kiện của ngành thời trang; đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực ngành; thúc đẩy xu hướng thời trang bền vững và ứng dụng công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế và xuất khẩu,...

Trung tâm cũng sẽ thực hiện các hoạt động đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may, da giày và vận hành kênh thông tin cập nhật xu hướng, công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, qua đó hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp chủ động nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định thương hiệu, vị trí của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam trên trường quốc tế.

Với 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia, một nội dung quan trọng nhất của các Hiệp định này là cam kết giảm thuế cho những sản phẩm hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, việc chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu được kỳ vọng là giải pháp để các doanh nghiệp của ngành dệt may và da giày tận dụng được các lợi thế phát triển.

Khánh Ngọc