Kinh tế

Thị trường carbon - động lực kinh tế cho chuyển đổi xanh

Vũ Quang 19/07/2025 08:38

Thị trường carbon đang trở thành công cụ kinh tế quan trọng thúc đẩy chuyển đổi xanh, trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững và phát thải ròng bằng “0”. Với cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, nâng cấp hạ tầng dữ liệu và quản trị, để xây dựng thị trường carbon minh bạch, hiệu quả và đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đây là nội dung trọng tâm được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới, do Viện Tư vấn phát triển (CEDE) và Tạp chí điện tử Nhà quản trị - TheLEADER phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 18/7.

img_7874.jpeg
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Quang Khánh

Cơ hội vàng trong kỷ nguyên xanh

Việt Nam hiện đã có khoảng 150 dự án được cấp hơn 40 triệu tín chỉ carbon, với khả năng giao dịch quốc tế, đưa nước ta vào nhóm bốn quốc gia hàng đầu về số lượng dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch).

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh, phát triển thị trường carbon là một trong những giải pháp chiến lược giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả cam kết Net Zero. Bằng cách định giá phát thải và khuyến khích công nghệ sạch, thị trường này tạo ra động lực tài chính, thúc đẩy các sáng kiến giảm phát thải, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn lực quốc tế.

Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon với mục tiêu kết nối thị trường trong nước với các cơ chế quốc tế. Các nền tảng pháp lý quan trọng đang được củng cố, bao gồm: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Nghị định số 119/2025/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon do Bộ Tài chính xây dựng. Đồng thời, các bộ, ngành cũng đang hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp đo đạc, xác minh và báo cáo (MRV), cùng khung quản lý tín chỉ carbon cho cả thị trường tuân thủ và tự nguyện.

Song song với đó, các sáng kiến từ doanh nghiệp và cộng đồng địa phương cho thấy tiềm năng lớn trong việc phát triển tín chỉ carbon ở các lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo và xử lý chất thải. Các mô hình như lúa - tôm phát thải thấp, biochar từ phế phẩm nông nghiệp, thu hồi khí sinh học hay phát điện từ rác đều được đánh giá cao về hiệu quả giảm phát thải, chi phí thấp và khả năng nhân rộng.

Đặc biệt, trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật quốc tế như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) ngày càng siết chặt với hàng xuất khẩu từ các quốc gia chưa có hệ thống tín chỉ carbon tương thích, việc sớm hình thành một thị trường carbon nội địa minh bạch, chuẩn mực sẽ là “hộ chiếu xanh” giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Quang nhấn mạnh.

Gỡ nút thắt dữ liệu, pháp lý và tài chính

Tuy có tiềm năng, thị trường carbon tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn định hình nền móng với nhiều khoảng trống cần được lấp đầy. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là hệ thống MRV chưa đồng bộ, thiếu công cụ số hóa, khiến việc xác nhận tín chỉ và quản lý hạn ngạch còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, thị trường carbon chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi có một hệ thống đo lường, báo cáo, thẩm định đáng tin cậy và tương thích với quốc tế. Do đó, cần quy định rõ danh mục ngành nghề bắt buộc tham gia, phương pháp xác định tín chỉ hợp lệ và cơ chế giám sát minh bạch. Quan trọng hơn, cần phân định rõ giữa tín chỉ carbon thuộc nghĩa vụ quốc gia và tín chỉ thương mại trên thị trường tự nguyện, nhằm tránh xung đột trong quản lý và sử dụng nguồn lực.

Ông Thọ cũng chỉ rõ vai trò then chốt của cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa pháp lý, kỹ thuật. Nếu thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng và định danh tín chỉ một cách minh bạch, thị trường sẽ khó vận hành ổn định, hiệu quả. Theo ông, các cơ sở phát thải lớn như nhà máy thép, xi măng, nhiệt điện cần được cấp hạn ngạch cụ thể; trong khi đó, các dự án giảm phát thải như trồng rừng, năng lượng sạch hay xử lý chất thải có thể tạo ra tín chỉ để giao dịch, qua đó hình thành cung - cầu thực chất cho thị trường.

Bên cạnh khung pháp lý, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của nền tảng tài chính. Việc phát triển các công cụ như bảo hiểm tín chỉ carbon, quỹ tín dụng carbon hay tài chính phát sinh gắn với tín chỉ sẽ giúp duy trì dòng vốn ổn định và thu hút nhà đầu tư. Doanh nghiệp cần chủ động kiểm kê phát thải, xây dựng lộ trình giảm phát thải, và hợp tác với các tổ chức tư vấn hoặc nhà đầu tư có kinh nghiệm để tối ưu hóa chi phí tuân thủ. Đồng thời, Nhà nước cần ưu tiên xây dựng sàn giao dịch đạt chuẩn quốc tế, tích hợp dữ liệu số hóa toàn trình, và phát triển các sản phẩm tài chính xanh nhằm đa dạng hóa công cụ thị trường.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Betty Palard, CEO ESG Climate Consulting, chuyên gia quốc tế về tài chính carbon, cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để tham gia sâu vào thị trường này, từ nền nông nghiệp rộng lớn, nguồn sinh khối dồi dào, đến hệ sinh thái đa dạng và đội ngũ chuyên gia có năng lực. Tuy nhiên, giá trị tín chỉ carbon của Việt Nam vẫn còn thấp do thiếu dữ liệu định lượng, thiếu minh chứng và mô tả theo tiêu chuẩn quốc tế - điều mà nhiều quốc gia phát triển đã đi trước một bước.

Theo bà Betty, điều quan trọng không chỉ là hấp thụ hay giảm phát thải, mà còn là bảo tồn kết quả thông qua đầu tư dài hạn vào hạ tầng thiên nhiên như rừng, đất và nguồn nước. Khi tín chỉ carbon trở thành một dạng “trái phiếu trách nhiệm khí hậu”, thì việc bảo vệ nguồn gốc của tín chỉ là điều bắt buộc.

Từ các bài học quốc tế, bà Betty đề xuất Việt Nam cần bảo đảm ba nguyên tắc cốt lõi: minh bạch dữ liệu như châu Âu; mở cửa thị trường cho toàn dân cùng tham gia như Hàn Quốc; và tập trung chính sách vào lĩnh vực phát thải lớn, để thị trường tự điều tiết phần còn lại - như mô hình của Trung Quốc. Đồng thời, để tín chỉ carbon của Việt Nam có giá trị cao trên thị trường quốc tế, cần có một chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, dựa trên xác minh khoa học, truyền thông hiệu quả và tầm nhìn dài hạn từ các nhà hoạch định chính sách. Bởi lẽ, cũng giống như nghệ thuật, giá trị của một tín chỉ carbon không chỉ đến từ việc nó hấp thụ được bao nhiêu khí nhà kính, mà còn từ việc ai tin vào con số đó.

Vũ Quang