Quốc phòng - An ninh

Nhiều chính sách ưu đãi đối với lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Hương Sen 19/07/2025 07:22

Các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ) phải thường xuyên tham gia các hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, tại những nơi nguy hiểm, nên rất cần được quan tâm nhiều hơn về chế độ, chính sách đãi ngộ.

Phổ biến tại hội nghị quán triệt, triển khai Đề án lộ trình chuẩn bị, triển khai lực lượng GGHB LHQ của Bộ Quốc phòng giai đoạn 2025 - 2030 và các năm tiếp theo; Nghị định số 07/2025/NĐ-CP (Nghị định 07) ngày 25/3/2025 của Chính phủ và Thông tư số 32/2025/TT-BQP (Thông tư 32) ngày 19/5/2025 của Bộ Quốc phòng, Phó Cục trưởng Cục Chính sách - Xã hội, Tổng cục Chính trị, Đại tá Trần Quang Thanh cho biết, Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2016/NĐ-CP (Nghị định 162) của Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với tổ chức Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ đã quy định nhiều chế độ, chính sách ưu đãi, vượt trội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ GGHB LHQ trong tình hình mới.

Sĩ quan Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Trọng Đức
Sĩ quan Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Trọng Đức

Theo Đại tá Trần Quang Thanh, Nghị định 162 mặc dù cơ bản đáp ứng được chế độ, chính sách đối với các lực lượng GGHB trước, trong và sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập nhất định. Do tính chất, đặc điểm hoạt động GGHB hầu hết diễn ra ở các nước đang có nội chiến, tình hình an ninh, chính trị đặc biệt phức tạp, Liên Hợp Quốc ngày càng đặt ra các yêu cầu cao về tiêu chuẩn và năng lực của lực lượng tham gia, trong khi đó, tham gia hoạt động GGHB LHQ là nhiệm vụ mới, nên việc bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này có ý nghĩa quan trọng.

Theo đó, ngoài hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật, trong thời gian tập trung huấn luyện ở trong nước, thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ ở nước ngoài và khi hoàn thành nhiệm vụ về nước, chiến sĩ, quân nhân thuộc lực lượng GGHB LHQ được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc thù hoạt động theo quy định của Chính phủ. Điều 1 Nghị định 07 đã sửa đổi 8 khoản 13 điểm liên quan các vấn đề nêu trên.

Cụ thể, đối với người hưởng lương được hưởng nguyên mức lương tháng hiện hưởng cộng phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp công vụ, phụ cấp quốc phòng, an ninh và phụ cấp đặc thù (nếu có) ở cơ quan, đơn vị trước khi tập trung huấn luyện. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân được bảo đảm chế độ tiền ăn, phụ cấp quân hàm và các chế độ phụ cấp khác theo quy định hiện hành.

benh-vien-da-chien-15-8605.jpg
Cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nữ giới tham gia lực lượng GGHB LHQ. Ảnh: Trọng Đức

Trường hợp trong thời gian tập trung huấn luyện được cấp có thẩm quyền phong, thăng quân hàm, nâng bậc, loại, chuyển nhóm lương, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung hoặc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc thay đổi mức lương phụ cấp cao hơn (nếu có) thì được thực hiện mức lương, phụ cấp mới theo quy định.

Nghị định 07 cũng sửa đổi, bổ sung 6 điểm, khoản của Điều 6 Nghị định 162. Trong đó, đối với người hưởng lương hằng tháng được hưởng 100% mức lương hiện hưởng và phụ cấp; được hỗ trợ tiếp khách, quan hệ đối ngoại 750USD/người... “Như vậy, có thể nói những vướng mắc và kiến nghị trong nhiều năm liên quan đến vấn đề này đã được giải quyết, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với lực lượng GGHB LHQ”, Đại tá Trần Quang Thanh nhấn mạnh.

Về chế độ nghỉ phép đối với lực lượng GGHB LHQ, đại diện Cục Chính sách - Xã hội chia sẻ, theo Nghị định 07, trường hợp được giải quyết nghỉ phép năm theo quy định nhưng bị hủy chuyến bay, đổi chuyến bay vì lý do bất khả kháng phải lưu trú thì được thanh toán tiền vé, tiền thuê phòng nghỉ phát sinh theo chế độ công tác phí hiện hành.

Nhằm kịp thời động viên, khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực, nhất là đối với nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ, Đại tá Trần Quang Thanh nhấn mạnh, với Nghị định 07, nữ chiến sĩ, quân nhân sẽ được hưởng thêm 3% mức sinh hoạt phí theo quy định, và 10% mức chi trả bình quân của Liên Hợp Quốc cho mỗi cá nhân...

Sau 11 năm chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đến nay Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại các phái bộ của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã cử 6 thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2, với biên chế 63 quân nhân/lượt; khám, chữa bệnh cho gần 2.000 lượt người/năm; phẫu thuật cấp cứu thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, không để xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng nào. Đã cử 3 lượt Đội Công binh với 184 quân nhân/lượt, có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng phái bộ, sửa chữa đường sá, sân bay, các công trình an sinh cho người dân. Ngoài ra, còn có hàng chục sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam đã làm việc tại các Phái bộ Nam Sudan, Trung Phi và trụ sở Liên Hợp Quốc được đánh giá lực lượng làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, có tinh thần hợp tác cao.

Hương Sen