Quốc hội và Cử tri

"Xanh hóa" thương mại điện tử

Nguyễn Bình 19/07/2025 06:20

Chỉ trong chưa đầy một thập niên, thương mại điện tử đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam. Người dân, không chỉ ở thành thị mà cả ở các vùng thôn quê, cũng đều đã trở nên quen thuộc với các hình thức mua hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp, từ nhỏ lẻ đến tập đoàn lớn, đều đầu tư nghiêm túc vào nền tảng số để tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ấn tượng về doanh thu, thị phần và công nghệ, thương mại điện tử cũng đang bộc lộ một vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được xử lý đúng mức: tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là rác thải từ đóng gói và vận chuyển.

Chị Nguyễn Hải An, một nhân viên văn phòng tại phường Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ mấy tháng nay đã từ bỏ thói quen mua sắm trên các sàn thương mại điện tử hay đặt đồ ăn trên các ứng dụng trực tuyến. Một trong những lý do cơ bản khiến chị quyết tâm từ bỏ hình thức mua sắm có thể nói là “tiện trăm bề” này chính là bởi các sản phẩm nhận về thường được bọc trong rất nhiều lớp bao bì. "Shop nào không đóng gói kỹ thì sản phẩm dễ móp méo, hư hỏng; đóng gói kỹ thì đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều bao bì, túi nilon bọc dán, chống sốc… mà hầu hết người nhận cũng chẳng biết phải xử lý thế nào ngoài việc “quăng” vào thùng rác".

Câu chuyện của chị Nguyễn Hải An cũng phản ánh nỗi lo của phần đông người tiêu dùng hiện nay khi tiện lợi không đồng nghĩa với bền vững.

Một kết quả điều tra, khảo sát được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố năm 2024 cũng cho thấy, sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử đã và đang kéo theo nhiều vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải từ đóng gói, hoàn thiện đơn hàng và giao đồ ăn trực tuyến. Dự báo đến năm 2030 khi quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 100 tỷ USD, nếu không có giải pháp hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa thì lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này có thể lên tới 800.000 tấn.

Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cũng cung cấp những con số đáng báo động. Theo đó, trong năm qua, thị trường mua sắm trực tuyến và giao đồ ăn tại Việt Nam đã thải ra khoảng 160.000 tấn bìa carton và 171.000 tấn nhựa, chủ yếu là loại nhựa dùng một lần. Riêng ngành thương mại điện tử đã thải ra hơn 7.600 tấn nhựa, trong khi ngành giao đồ ăn thải ra gần 18.600 tấn nhựa.

Trước thực tế trên, trong dự án Luật Thương mại điện tử, cơ quan soạn thảo đã đề xuất chính sách về thúc đẩy thương mại điện tử xanh và bền vững. Dự luật này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình lập pháp của Quốc hội năm 2025 và sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười tới.

Theo Tờ trình của Chính phủ về việc đề xuất bổ sung dự luật trên vào chương trình lập pháp 2025, chính sách thúc đẩy thương mại điện tử xanh và bền vững sẽ nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử thông qua áp dụng Bộ tiêu chí về thương mại điện tử xanh, khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân nhận thức rõ hơn về các tác động môi trường của hoạt động kinh doanh, từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp áp dụng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng hình ảnh thương hiệu xanh và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng có ý thức về môi trường. Bộ tiêu chí sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn, tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Việc luật hóa chính sách trên được đánh giá là hết sức cần thiết, cho thấy sự chủ động của Nhà nước trong việc tạo lập nền tảng pháp lý để giải quyết những hệ lụy tiêu cực mà thương mại điện tử gây ra cho môi trường, đồng thời cũng là cơ hội để định hình lại hành vi sản xuất - tiêu dùng theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thực chất, chính sách này cần phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhất là đánh giá về thủ tục hành chính, việc tăng thêm chi phí tuân thủ và các chi phí khác của doanh nghiệp. Bộ tiêu chí về thương mại điện tử xanh cần được thiết kế định lượng, cụ thể, có cơ chế giám sát và đánh giá minh bạch, đảm bảo việc tuân thủ thực chất, không hình thức.

Cùng với đó, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc chuyển đổi sang vật liệu thân thiện và quy trình đóng gói tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường. Khuyến khích sáng tạo trong thiết kế bao bì tái sử dụng hoặc dễ phân hủy, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các thương hiệu xanh; tăng cường truyền thông giáo dục cộng đồng, giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen và sẵn sàng ưu tiên lựa chọn các nền tảng, thương hiệu thân thiện với môi trường.

Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trong việc triển khai các chính sách "xanh hóa" thương mại điện tử, chẳng hạn như áp dụng các tiêu chuẩn bao bì bền vững, khuyến khích mô hình "đóng gói lại" hoặc tổ chức các điểm thu gom bao bì đã qua sử dụng...

Về dài hạn, “xanh hóa” thương mại điện tử cần trở thành tư duy phát triển chủ đạo - nơi tăng trưởng kinh tế đi đôi với trách nhiệm môi trường và xã hội. Khi chính sách được xây dựng trên nền tảng thực tiễn, với sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, thương mại điện tử có thể phát triển mạnh mẽ mà vẫn bảo vệ được môi trường sống an lành, bền vững cho các thế hệ tương lai.

Nguyễn Bình