Địa phương

TP. Hồ Chí Minh: Triển khai lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện

Thạc Hiếu 19/07/2025 06:03

TP. Hồ Chí Minh đang triển khai lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện và năng lượng xanh, từ xe buýt công cộng đến xe cá nhân, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, hiện đại và bền vững.

images-5dd15d7f44bdd77da4b87e7d4a688a76730d9f5c3da41815a54d6bd4b4ed5719e8a4bb7996fedea8584b14761487864b092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108-_18-khu-do-thi-sala1.jpg
TP. Hồ Chí Minh triển khai đồng bộ các đề án chuyển đổi xanh nhằm kiến tạo đô thị hiện đại, thân thiện môi trường.

Thực hiện định hướng phát triển bền vững, đồng thời triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, hiện nay nhiều đề án trọng điểm về chuyển đổi xanh đang được thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt, trong đó có các nội dung liên quan đến giao thông, năng lượng, hạ tầng và lối sống xanh.

Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, “Đề án chuyển đổi xanh trên địa bàn thành phố” đang được Viện Nghiên cứu phát triển thành phố triển khai nghiên cứu theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. Đây là đề án nghiên cứu tổng thể, tích hợp nhiều nội dung như giao thông xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, lối sống xanh và phát triển nguồn nhân lực xanh.

UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3132/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi xanh, do Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố làm Tổ trưởng, lãnh đạo Sở Xây dựng là thành viên.

Song song đó, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cũng đang hoàn chỉnh Đề án “Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP. Hồ Chí Minh”. Đề án này đã đề xuất các giai đoạn chuyển đổi cho lực lượng shipper, tài xế công nghệ và các chính sách hỗ trợ mua mới xe máy điện cho người dân, cùng với lộ trình triển khai cụ thể.

Liên quan đến kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng triển khai xây dựng Đề án theo hai giai đoạn.

xe buyt điện tp hcm
17 tuyến buýt điện kết nối Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được đưa vào sử dụng.

Giai đoạn 1, Sở Xây dựng đã hoàn thành và trình UBND thành phố Tờ trình số 781/TTr-SGTCC, trong đó đề xuất: Lộ trình chuyển đổi toàn bộ xe buýt của TP. Hồ Chí Minh sang sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xe buýt và xây dựng trạm sạc; lộ trình đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc điện phù hợp với tiến độ chuyển đổi xe buýt.

Hiện nay, Sở đang phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình HĐND thành phố trong quý IV/2025, đồng thời cập nhật tác động sau khi TP. Hồ Chí Minh hoàn tất việc tinh gọn bộ máy và sáp nhập với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giai đoạn 2 của Đề án đang được đơn vị tư vấn xây dựng, dự kiến hoàn thành trong quý III/2025 và báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố trong quý IV/2025.

Nội dung trọng tâm bao gồm: Xây dựng chính sách, ưu đãi và lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông (xe taxi, xe công nghệ, xe khách, xe tải, ô tô cá nhân...) từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng xanh; đề xuất quy hoạch không gian đô thị tích hợp trạm sạc, trạm thay pin cho xe điện; tiêu chuẩn kỹ thuật, đầu tư trạm sạc tại khu đô thị, chung cư, công trình tập trung đông người.

Xây dựng chính sách thu mua, đổi phương tiện cũ sang xe điện để giảm ô nhiễm môi trường; đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2050, bao gồm phân vùng khí thải, ưu tiên xe xanh tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ, Côn Đảo...

Ngoài ra, Sở Xây dựng đang xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải theo Quyết định số 876/QĐ-TTg và Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thạc Hiếu