Địa phương

Hà Nội: Kỳ vọng đột phá trong giai đoạn mới

Văn Anh 18/07/2025 18:40

Sáng 18/7, tại Đại học Thuỷ Lợi, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, bí thư đảng ủy, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn thành phố vào Dự thảo văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2025-2030.

Văn kiện Đại hội phải tạo động lực, có tính hiệu triệu và truyền cảm hứng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Tổ trưởng Tổ Biên tập, Tổng hợp và Xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP. Hà Nội chủ trì hội nghị.

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà; Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn; đại diện Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; Hội Tự động hóa Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học, các chức sắc tôn giáo...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, đối với Đảng bộ TP. Hà Nội, nhiệm kỳ XVIII có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Đại hội lần này được chuẩn bị trên tinh thần rõ vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô đã được Trung ương khẳng định ở nhiều văn bản quan trọng cùng những định hướng của Trung ương đối với Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

HN 1
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Q.T

Chính vì thế, thành phố mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến giúp xây dựng văn kiện đảm bảo chất lượng và yêu cầu đặt ra, xứng đáng là văn kiện của Đảng bộ Thủ đô - Đảng bộ lớn nhất cả nước.

Gợi ý một số nội dung trọng tâm góp ý, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội nêu ba vấn đề.

Thứ nhất là văn kiện đã đúng tầm chưa? Tầm ở đây là tầm Thủ đô, Hà Nội phải vươn lên để cạnh tranh không phải ở trong nước, mà là cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Tầm ở đây là tầm nhìn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

Thứ hai là nội dung văn kiện đã đúng với vai trò Thủ đô là động lực, đầu tàu, tạo sức lan tỏa và mang tính chất dẫn dắt; đúng vai trò là Thủ đô của một đất nước 100 triệu dân đang trong quá trình vươn lên phát triển mạnh mẽ?

Thứ ba là văn kiện đã đúng với những định hướng lớn của Trung ương đặt ra hay chưa; có đáp ứng được yêu cầu, mong muốn, kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô chưa?

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Hà Nội xác định văn kiện đại hội phải đáp ứng được yêu cầu, các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp sát thực tiễn, có tính hành động; đúng với yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương đã chỉ đạo là văn kiện phải giống như là văn bia, nhìn vào đó có thể thấy được phải làm gì, làm như thế nào và triển khai ngay được.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng cho biết, đi kèm với văn kiện, thành phố cũng tổ chức triển khai xây dựng nghị quyết đồng thời với xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án để tổ chức thực hiện ngay. Thành phố xác định văn kiện không chỉ để dùng trong hệ thống chính trị và của các cơ quan Đảng, mà phải mang hơi thở của cuộc sống, của thực tiễn, thể hiện được nguyện vọng, mong muốn của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, văn kiện phải đảm bảo khi người dân, doanh nghiệp... nhìn vào, thấy mình phải làm gì, được thụ hưởng gì; thấy được thành phố trong tương lai gần cũng như định hướng cho 10 năm, 20 năm tới ra sao... Trên cơ sở đó, văn kiện tạo ra nguồn động lực, có ý nghĩa hiệu triệu, truyền cảm hứng cho người dân, cho xã hội để đồng hành cùng thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Dự kiến, Đại hội Đảng bộ thành phố sẽ diễn ra vào giữa tháng 10, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết và đề nghị các đại biểu đóng góp sâu sắc, cụ thể để thành phố hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII của Đảng bộ trong tháng 7/2025, gửi xin ý kiến các cơ quan Trung ương và Bộ Chính trị.

Nhiều vấn đề có tính mấu chốt, thể hiện trí tuệ, tâm huyết với Thủ đô

Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trình Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao chất lượng nội dung và hình thức của Dự thảo, cơ bản thể hiện được sự công phu, khoa học của đội ngũ soạn thảo.

GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, Dự thảo đã được xây dựng công phu, bố cục rõ ràng, khoa học, nội dung bao quát và phong phú; thể hiện được tầm vóc của một trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”, khẳng định vai trò đầu tàu quốc gia, động lực vùng đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích kỹ lưỡng nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị, góp ý vào nhiều vấn đề có tính mấu chốt, thể hiện trí tuệ, tâm huyết và tình yêu đối với Hà Nội. GS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, việc thu hút nhân tài trình độ cao về cho Hà Nội cần gắn với một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm khu công nghiệp công nghệ cao, phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đầu tư…

Tuy nhiên, trong nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tại phụ lục 3 đề cập khá yếu việc đầu tư đột phá cho mục tiêu quan trọng này. Các dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được đề cập chưa tương xứng. Mục 13/ III, phụ lục 3 nêu “Hoàn thành khu Công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2, quý IV/2028, sản xuất 1.000 sản phẩm bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo” song chưa đề cập cơ chế để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hợp tác với các đại học, nơi tập trung nguồn lực nghiên cứu và thu hút nhân tài.

GS.TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội nhất định phải đột phá về đô thị, môi trường, cảnh quan, bởi thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về những vấn đề này. Nếu thành phố tạo đột phá về cải tạo đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu phố cổ... thì không những cải thiện được cảnh quan, mà đây còn trở thành nguồn lực to lớn cho Thủ đô phát triển.

GS.TS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng đồng ý với quan điểm trên, đồng thời đề nghị bổ sung một khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới là đột phá về nâng cao chất lượng môi trường sống của Thủ đô với mục tiêu tạo ra một Thủ đô không chỉ có môi trường sống tốt, mà còn có nền kinh tế sôi động, một xã hội thân thiện và hội nhập.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lâu nay, Hà Nội vẫn đi đầu cả nước, nhưng trong giai đoạn tới, khi đất nước vươn mình, đòi hỏi vai trò đi đầu của Hà Nội ở mức cao hơn. Hà Nội cần xác định rõ, trong giai đoạn mới, thời cơ lớn mở ra, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất cao, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, Hà Nội với vai trò của mình phải bằng mọi cách để hoàn thành, để truyền cảm hứng, tạo khí thế chung cho cả nước.

Tất cả đều vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân về mọi mặt

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trân trọng tiếp thu và cảm ơn các đại biểu đã tham gia góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, rất sát, rất trúng với các vấn đề mà thành phố đang quan tâm.

“Chúng tôi còn cảm nhận được sự kỳ vọng, mong muốn của các đại biểu đối với Thủ đô trong giai đoạn mới, đòi hỏi sự bứt phá, quyết liệt hơn, xác định rõ vai trò đầu tàu, xác lập vị thế trong khu vực và quốc tế. Đây là sức ép không nhỏ đặt ra cho thành phố, nhưng là sức ép tích cực”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, trong giải quyết những vấn đề đặt ra như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông..., thành phố xác định các giải pháp phải rất thực tế và biện chứng, trong đó có những vấn đề được xác định giải quyết không chỉ trong một nhiệm kỳ. Đối với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, thành phố đang triển khai quyết liệt. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, thành phố xử lý dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch, tiếp đến là hệ thống các sông nội đô như sông Lừ, sông Sét, còn ở phía Bắc là sông Cầu Bây gắn với hệ thống Bắc Hưng Hải. Những nội dung này đều đã có kế hoạch gắn với các dự án cụ thể.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội bày tỏ hy vọng, để đạt được mục tiêu lớn này, thành phố tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, góp ý, đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo các trường trên địa bàn thành phố, cùng chung tay xây dựng Thủ đô của chúng ta đẹp hơn, phát triển hơn, xứng đáng hơn với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước.

Văn Anh