Hoàn thiện chân dung liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Hai thập kỷ sau khi 2 cuốn nhật ký đầu tiên được xuất bản, sự xuất hiện của cuốn nhật ký thứ ba cùng những tư liệu mới về liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm một lần nữa nhắn gửi thế hệ trẻ về lý tưởng, tình yêu và sự hy sinh.
Sáng 18/7, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp với gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ra mắt của cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba. Trong không khí của những ngày tháng Bảy tri ân, buổi giới thiệu sách là hoạt động văn hóa ý nghĩa, mở ra chiều không gian mới để hiểu thêm về nữ anh hùng.

Bà Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, là người gìn giữ những kỷ vật vô giá về chị gái mình, cũng là người biên soạn cuốn sách. Động lực bà viết tiếp câu chuyện của chị Thùy (tên gọi ở nhà của bác sĩ Đặng Thùy Trâm) là để công chúng biết đến một Đặng Thùy Trâm không chỉ anh dũng nơi chiến trường khói lửa, mà còn có trái tim nồng hậu với những suy tư sâu sắc thời học sinh, ước mơ được cống hiến cho khoa học, được viết văn…
Đây là cuốn nhật ký thứ ba của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhưng thực ra là cuốn đầu tiên chị viết và gửi mẹ giữ trước khi vào Nam. Sở dĩ đến bây giờ cuốn nhật ký mới được công bố bởi mẹ chị muốn chờ sau một thời gian đủ dài, xem người trẻ có còn quan tâm đến chiến tranh chống Mỹ nữa hay không. Bởi vậy, 20 năm sau tập thứ nhất xuất bản năm 2005 gồm hai cuốn nhật ký, Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba chính thức ra đời.
"Thông qua cuốn sách, gia đình chúng tôi muốn hoàn thiện hơn chân dung về chị Thùy. Chúng tôi muốn độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ, cảm nhận được trái tim ngập tràn yêu thương của chị, tình yêu lớn lao dành cho con người, cho đất nước đã trở thành động lực để chị vượt qua mọi gian khó, lựa chọn con đường dấn thân cao cả ấy”, bà Đặng Kim Trâm xúc động.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn học, TS. Hà Thanh Vân cho đây không chỉ là tư liệu lịch sử về chân dung của một con người, nơi nhân cách và tâm hồn người viết được bộc lộ một cách trọn vẹn, mà còn là chân dung của cả một thời đại. Để rồi, qua câu chuyện của một con người, một gia đình, ta thấy tiếng vọng của lịch sử.
“Cuốn nhật ký như mảnh gương ký ức trong trẻo để thế hệ hôm nay soi vào. Ở đó, chúng ta thấy được lý tưởng, tình yêu và cả những giằng xé rất đời của một thế hệ đã sống và hy sinh vì Tổ quốc. Chính sự chân thực đến tận cùng ấy tạo nên cây cầu nối quá khứ với hiện tại”, TS. Hà Thanh Vân nhận định.
Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba cho thấy lịch sử không chỉ được tạo nên bởi những sự kiện lớn lao mà còn từ chính cuộc đời của những cá nhân tưởng chừng bình thường, nhỏ bé. Chia sẻ như vậy, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng cho biết, điều tâm đắc nhất ở cuốn sách là giúp chúng ta nhìn ra không chỉ con người anh hùng mà cả đời sống tâm hồn sâu thẳm của họ. Ở đó có cả sự cô đơn, nỗi sợ, mất mát, những mong ước không thỏa… Anh hùng không phải lúc nào cũng là những vầng hào quang xa vời, mà cũng đầy chất người, gần gũi…
“Nếu hai cuốn nhật ký trước cho độc giả hình dung về một người con gái giữa tuổi thanh xuân lao vào khói lửa chiến đấu, thì đến cuốn nhật ký thứ ba, những mảnh ghép quan trọng về con người chị mới thực sự được tỏ tường. Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm đã được thắp lên mạnh mẽ 20 năm trước, và giờ đây, tiếp tục được lan tỏa đến bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, mang thông điệp về lẽ sống cao đẹp, về tình yêu Tổ quốc và khát vọng cống hiến không bao giờ tắt”, bà Khúc Thị Hoa Phượng nói.