Tiêu trừ "giặc nội xâm" trong hình hài lãng phí - mệnh lệnh của Nhân dân
Việt Nam đang đối mặt với một quốc nạn dai dẳng - tệ nạn lãng phí - "giặc nội xâm" có sức phá hoại ghê gớm, len lỏi vào mọi góc của đời sống xã hội, tàn phá nội lực, cản trở sự phát triển bền vững, làm suy yếu niềm tin.
Những biểu hiện nguy hại với xã hội và nguyên nhân
Lãng phí là gì và đang diễn ra thế nào ở nước ta? Nguyên nhân căn bản là gì và hệ quả ra sao? Vì sao lại tương đồng với “giặc nội xâm”? Phải làm gì để tiêu trừ thứ giặc này? Đây là những câu hỏi đang cần được làm rõ.

Nói chung lãng phí được hiểu là việc quản lý, sử dụng tài sản, vốn, sức lao động, thời gian làm việc, tài nguyên không hiệu quả. Ở Việt Nam, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (2005) xác định lãng phí là việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả.
Số liệu từ Chương trình Tiêu điểm kinh tế tháng 3.2025 của Đài Truyền hình Việt Nam cho thấy, một phần thực tế lãng phí nghiêm trọng đang diễn ra hiện nay, làm thất thoát lên tới trăm nghìn tỷ đồng, ở các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như: 9 dự án xã hội; 22 dự án điện lực, công nghiệp; 15 dự án giao thông; 7 dự án giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch; 4 dự án nông nghiệp; dự án chống ngập tốn kém cả nghìn tỷ đồng ở TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều năm, vẫn nguyên tình trạng ngập lụt; Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 và các dự án đầu tư công kéo dài, đội vốn…
Chưa kể còn có các công trình trụ sở làm việc vượt quá nhu cầu thực tế và định mức; việc tổ chức các sự kiện tốn kém, không cần thiết; tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng; quy trình, thủ tục hành chính bất cập, tốn kém thời gian và chi phí tuân thủ; nhân tài không được trọng dụng đúng đều là sự lãng phí nghiêm trọng...
Qua đó thấy rằng, thứ giặc này hiện hữu ở khắp mọi nơi với mọi cấp độ. Trong doanh nghiệp, lãng phí rất đa dạng như: Sản phẩm lỗi phải làm lại hoặc loại bỏ; sản xuất vượt quá nhu cầu; quy trình sản xuất không tối ưu.
Trong đời sống, lãng phí xuất hiện trong nhiều hành vi tiêu dùng không hợp lý, như: lãng phí thực phẩm diễn ra phổ biến từ gia đình, nhà hàng, khách sạn đến lễ, hội, họp…
Sự nguy hại vì tác động tiêu cực của lãng phí
Lãng phí gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, làm tổn thất lớn nguồn lực quốc gia, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, cạn kiệt tài nguyên, suy yếu động lực sáng tạo, cản trở thu hút nhân tài, vuột mất cơ hội hội nhập quốc tế mạnh mẽ, giảm hiệu quả sản xuất, tăng khoảng cách giàu nghèo, tăng ô nhiễm môi trường. Tác động tiêu cực nguy hại nhất là làm suy giảm lòng tin của Nhân dân với hệ thống chính trị do Đảng cầm quyền, lãnh đạo, gây ra sự bức xúc trong xã hội, làm lỡ thời cơ phát triển đất nước hùng cường.

Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Quốc nạn lãng phí ở nước ta có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, đó là sự thiếu hoàn thiện của pháp luật về phòng, chống lãng phí: Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không đầy đủ, thiếu đồng bộ, chậm được điều chỉnh, bổ sung, thiếu chặt chẽ, chồng chéo, trùng lặp... trong khi việc tổ chức thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kém hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự thiếu ý thức trách nhiệm, ý thức quý trọng nguồn lực, tài sản của đất nước và Nhân dân cùng với thái độ quan liêu làm phát sinh và nuôi dưỡng quốc nạn này.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân của lãng phí thì có nhiều, như lập kế hoạch không kỹ lưỡng, không tính toán cẩn thận, bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương, thiếu ý thức bảo vệ của công…, tựu lại là do thiếu ý thức trách nhiệm và ý thức quý trọng “sức của, sức người” của Nhà nước và Nhân dân.
Hệ quả là lãng phí, cùng với tham nhũng, sẽ làm suy yếu năng lực cầm quyền và lãnh đạo, tổn hại đến vị thế, uy tín của Đảng, làm suy giảm quyền lực của Nhà nước, thậm chí có thể làm đổ vỡ cả một chính đảng, làm tiêu vong cả một chế độ.
Lãng phí tương đồng với "giặc nội xâm"
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, lãng phí là một thứ giặc ở trong lòng ta; lãng phí được xác định là một biểu hiện của "giặc nội xâm", thậm chí còn nguy hiểm hơn tham nhũng, vì tài sản tham nhũng có thể thu hồi được ít nhiều, nhưng lãng phí làm mất tiền, của, thời gian… mà hầu như không có khả năng thu hồi.
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Tiêu trừ lãng phí là một trong những nhiệm vụ cấp bách, trọng yếu. Do đó, coi lãng phí là "giặc nội xâm" giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội về mức nghiêm trọng của thứ giặc này, thổi bùng ý chí quyết tâm mãnh liệt trong cuộc chiến này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí, coi đó là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người đã chỉ rõ lãng phí là kẻ thù của Nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh rằng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn tham ô, vì nó rất phổ biến.
Người căn dặn mỗi chúng ta phải quý trọng của công, vì đó là mồ hôi nước mắt của đồng bào; làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước và Nhân dân, do đó các tổ chức của Đảng, Chính phủ, các đoàn thể và người dân phải hết sức tiết kiệm, chống lãng phí.
Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng ta luôn xác định rõ công cuộc phòng, chống lãng phí là phức tạp, vừa cấp bách lại vừa lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì thực hiện liên tục, có trọng tâm, trọng điểm.
Thống nhất nhận thức: Diệt trừ “giặc nội xâm” lãng phí chính là “mệnh lệnh của Nhân dân” trong kỷ nguyên mới của dân tộc. Phương thức thực hiện là vừa phòng, chống lãng phí vừa nâng cao văn hóa thực hành tiết kiệm trong toàn xã hội. Trước mắt, để tạo sự răn đe mạnh mẽ, phải xử lý nghiêm minh mọi hành vi lãng phí gây hậu quả theo pháp luật; phát động phong trào toàn dân đánh "giặc nội xâm". Trong thực hiện, cần dựa vào dân, theo nguyên tắc Nhân dân biết, Nhân dân bàn, Nhân dân theo dõi và giám sát.
Liên quan đến giải pháp, một là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác hoàn thiện và thực thi pháp luật về phòng, chống lãng phí nhằm sớm khắc phục những bất cập hiện hành về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế-kỹ thuật; và tạo khung khổ pháp luật cho việc giám sát của Nhân dân.
Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực. Tăng cường phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi lãng phí. Cần có cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin về lãng phí, nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền này.
Ba là, xây dựng văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bản sắc Việt Nam, để văn hóa thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trở thành ý thức tự giác, việc làm tự nguyện và không thể thiếu ở mỗi người. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của toàn xã hội, trước tiên là của các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện.
Bốn là, quán triệt trong mọi hoạt động xã hội về việc, chống lãng phí luôn phải song hành cùng thực hành tiết kiệm - là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, sử dụng đúng mức, không phung phí sức lực, thời gian, của cải, phải biết tính toán để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được hiệu quả cao nhất.
Năm là, phải xử lý nghiêm khắc các hành vi gây lãng phí đã phát hiện như đề cập ở trên, để tạo được sự răn đe cao đối với các chủ thể xã hội. Việc xử lý triệt để những vụ việc gây lãng phí gây bức xúc sẽ củng cố mạnh mẽ niềm tin xã hội.
Thực tiễn cho thấy, giặc nội xâm trong hình hài lãng phí rất nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả tham nhũng, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho đất nước. Tiêu trừ giặc lãng phí là mệnh lệnh của Nhân dân cho trọng trách cầm quyền của Đảng, lãnh đạo hệ thống chính trị và Nhân dân kiến tạo một môi trường xã hội trong sạch, tươi mới cho dân tộc tiến vào kỷ nguyên phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Bằng nhận thức đúng, tư duy đúng, phương pháp hành động đúng, quyết tâm chính trị cao nhất cùng sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn xã hội, nhất định cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trong hình hài lãng phí của Nhân dân ta sẽ thắng lợi vẻ vang, để Việt Nam bay cao, bay xa, trở nên văn minh, thịnh vượng, hùng cường sánh vai cùng các cường quốc.