Tổng thống Trump bị suy tĩnh mạch: Những điều cần biết về căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, căn bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống.

Nhà Trắng ngày 17/7 xác nhận Tổng thống Donald Trump đã được chẩn đoán mắc chứng suy tĩnh mạch mạn tính – một tình trạng y khoa xảy ra khi các tĩnh mạch gặp khó khăn trong việc đưa máu từ chi dưới trở về tim.
Thông tin được đưa ra sau khi xuất hiện hình ảnh ông Donald Trump với hai chân bị sưng nhẹ và vết bầm ở tay trong những tuần gần đây.
Bệnh phổ biến, thường lành tính
Theo bác sĩ Sean P. Barbabella, bác sĩ phụ trách sức khỏe của Tổng thống, ông Donald Trump – năm nay 79 tuổi – đã phát hiện hiện tượng sưng nhẹ ở phần chân. Sau khi tiến hành thăm khám toàn diện, các bác sĩ xác định ông mắc suy tĩnh mạch mạn tính mức độ nhẹ, một tình trạng phổ biến và lành tính ở người cao tuổi.

Theo các bác sĩ, vết bầm trên tay Tổng thống được xác định là do bắt tay nhiều lần và việc sử dụng aspirin hàng ngày – một phần trong chế độ bảo vệ tim mạch lâu dài của ông.
Theo thống kê tại Mỹ, khoảng 10–35% người trưởng thành có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh này, với tỷ lệ gia tăng theo độ tuổi. Căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến chân, gây ra các triệu chứng như sưng phù, đau nhức, giãn tĩnh mạch, và trong một số trường hợp hiếm gặp là loét tĩnh mạch khó lành.
Các triệu chứng của bệnh?
Bác sĩ Prakash Krishnan, Giám đốc dịch vụ nội mạch tại Bệnh viện Tim Mount Sinai Fuster (New York), cho biết: “Suy tĩnh mạch mạn tính là hậu quả của việc máu dồn ứ quá mức tại chi dưới. Khi đó, áp lực làm giãn tĩnh mạch, khiến các van bên trong bị hở, từ đó máu không thể lưu thông hiệu quả trở lại tim”.
Một số biểu hiện của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính:
• Chân đau nhức hoặc mỏi
• Cảm giác nóng rát, ngứa ran hoặc “kim châm” ở chân
• Chuột rút chân vào ban đêm và Hội chứng chân không yên (RLS)
• Da đổi màu nâu đỏ
• Chân và mắt cá chân sưng, đặc biệt là sau khi đứng lâu
• Da ở chân hoặc bàn chân bong tróc hoặc ngứa
• Có vết loét gần mắt cá chân, có khả năng bị nhiễm trùng và đau

Ai dễ mắc bệnh?
Ngoài yếu tố tuổi tác, một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, bao gồm:
• Béo phì
• Mang thai
• Hút thuốc
• Đứng lâu hoặc ngồi nhiều trong thời gian dài
Bác sĩ Krishnan lý giải, các tĩnh mạch ở chân cần hoạt động ngược chiều trọng lực để đưa máu trở lại tim, nhờ vào van một chiều và các nhóm cơ hỗ trợ. Khi người bệnh phải đứng lâu, máu dễ bị dồn xuống chân, làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch và rò rỉ van.
Điều trị như thế nào?
Đối với các trường hợp nhẹ, như của Tổng thống Donald Trump, các bác sĩ thường khuyến nghị biện pháp điều trị như:
• Mang vớ y khoa (vớ nén) để hỗ trợ tuần hoàn máu
• Kê cao chân trong khoảng 30 phút mỗi lần, ba lần mỗi ngày
• Giảm cân, tập thể dục để cải thiện lưu thông máu

Trong những trường hợp nặng hơn, có thể cần đến các phương pháp can thiệp như:
• Liệu pháp xơ hóa tĩnh mạch (sclerotherapy): Tiêm dung dịch làm xẹp tĩnh mạch bị giãn
• Điều trị bằng nhiệt (nhiệt năng hoặc laser): Làm kín các tĩnh mạch yếu, để máu chuyển hướng qua các mạch khỏe mạnh hơn
Suy tĩnh mạch mạn tính là bệnh không hiếm gặp, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể tiến triển gây khó chịu, đau đớn và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Người cao tuổi, người có lối sống ít vận động hoặc phải đứng lâu cần đặc biệt lưu ý. Việc khám sức khỏe định kỳ, duy trì vận động và theo dõi các dấu hiệu sưng phù chân là biện pháp phòng ngừa quan trọng.