Xã hội

Công trường cải tạo công viên Cầu Giấy đang ngổn ngang, người dân tận dụng khoảng không tập thể dục

Trọng Nghĩa 18/07/2025 14:15

"Công trình có cấm ra vào đâu?" hay "mình không biết!" là những câu trả lời của người dân tới tập thể dục tại công trường của dự án cải tạo, sửa chữa công viên Cầu Giấy. Công trình hiện tại vẫn đang ngổn ngang xây dựng, tiềm ẩn hiểm nguy.

Hiểm nguy tiềm ẩn tại công trường dự án cải tạo, sửa chữa công viên Cầu Giấy.

Dự án cải tạo, sửa chữa công viên Cầu Giấy (phường Cầu Giấy, Hà Nội) được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư. Đơn vị nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần xây dựng và môi trường Hà NộiCông ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành. Với nguồn vốn lớn và sự tham gia của các đơn vị có kinh nghiệm, lẽ ra đây phải là một công trường kiểu mẫu với các biện pháp an toàn nghiêm ngặt. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.

z6816799076726_68e76fdc13a8859e7c37b50660b0dc30.jpg
Biển công trình giới thiệu dự án ở bên ngoài.

Chỉ cách đây vài ngày, phóng viên đã tận mắt chứng kiến một cảnh tượng khó tin ngay tại công viên Cầu Giấy. Giữa ngổn ngang phế liệu, sắt thép, những em nhỏ hồn nhiên nô đùa, biến công trình đầy hiểm nguy thành sân chơi riêng. Phía xa hơn, người lớn vô tư chạy bộ, tập thể dục, bất chấp những tấm biển "Cấm vào" đã bạc màu theo thời gian.

z6816799070039_114ab0b20c8ed8c6da67094d120bef1c.jpg
Trẻ nhỏ tự do ra, "nghịch" phế liệu tại công trường.

"Cháu thấy mấy anh chị vào nên cháu cũng vào chơi thôi, có ai cấm đâu", một em bé khoảng 5 tuổi hồn nhiên trả lời khi được hỏi. Câu nói ấy như một nhát dao cứa vào lòng người lớn. Phải chăng, sự vô tư của những đứa trẻ là hệ quả của sự vô trách nhiệm từ những người đáng lẽ phải đảm bảo an toàn cho chúng?

Thực tế ghi nhận trong nhiều ngày liên tiếp của chúng tôi, từ ngày 16, 17 và sáng 18 tháng 7, cho thấy một sự lỏng lẻo đến khó tin trong công tác quản lý. Không một bóng bảo vệ hay công nhân nào nhắc nhở hay xua đuổi người dân khi họ tự ý ra vào công trường. Những hố sâu lộ thiên, những đống gạch vỡ ngổn ngang,.... tất cả tạo nên một bức tranh hỗn độn, tiềm ẩn những mối nguy hiểm.

Ảnh màn hình 2025-07-18 lúc 12.46.46
Hình ảnh bình thường đối với một công trường xây dựng tuy nhiên sẽ là điều bất thường nếu các hoạt động thể dục thể thao, giải trí của người dân song hành cùng diễn ra.

Tai nạn thương tâm có thể xảy ra với bất kỳ ai

Không phải ngẫu nhiên mà những hình ảnh như vậy lại khiến chúng ta phải giật mình. Trong những năm gần đây, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại các công trường xây dựng do sự lơ là trong công tác đảm bảo an toàn.

Điển hình như vụ bé trai tử vong dưới cọc bê tông tại Đồng Tháp vào cuối năm 2022 - đầu năm 2023, nơi một bé trai 10 tuổi không may lọt xuống ống cọc bê tông sâu 35m tại công trường cầu Rạch Sen. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do công trường không được rào chắn cẩn thận, không có biển cảnh báo và không có người giám sát chặt chẽ.

Hay như nhiều vụ trẻ em gặp nạn tại các hố công trình xây dựng, hố ga không được che đậy hoặc rào chắn cẩn thận ở nhiều địa phương khác, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Vậy trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?

Công viên Cầu Giấy, một dự án được đầu tư hàng chục tỷ đồng, lại đang "lỏng lẻo" từ hàng rào bảo vệ đến ý thức chấp hành an toàn. Những tấm biển "cấm vào" dường như chỉ còn là hình thức, là trách nhiệm chung chung của một văn bản khô khan. Vậy trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?

Chủ đầu tư, cụ thể là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy, là đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất về toàn bộ dự án. Họ phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về an toàn lao động, đặc biệt là việc rào chắn, biển báo và cửa người bảo vệ 24/7.

Ngoài ra, các đơn vị nhà thầu thi công, Công ty cổ phần xây dựng và môi trường Hà NộiCông ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, trực tiếp thực hiện các hạng mục công trình, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn, đảm bảo công trường luôn được che chắn, thu dọn vật liệu thừa, che lấp các hố sâu và kiểm tra hệ thống điện thường xuyên.

Đồng thời, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh các đơn vị không tuân thủ quy định về an toàn công trường. Cần có những chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao ý thức cho người dân về những hiểm nguy rình rập tại các công trường.

Những dự án hàng chục tỷ đồng không chỉ là biểu tượng của sự phát triển kinh tế, mà còn phải là minh chứng của trách nhiệm xã hội, sự an toàn của cộng đồng. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy và Liên danh nhà thầu cần nhìn thẳng vào thực trạng, chấm dứt tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", để những bi kịch đau lòng sẽ không tái diễn ngay trong lòng "lá phổi xanh" của Thủ đô.

Trọng Nghĩa