Ưu tiên trụ sở dôi dư làm phòng học, nhà công vụ
Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp khoa học, phù hợp thực tiễn, phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh ghi nhận nhiều kết quả tích cực, Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác trụ sở dôi dư sau sáp nhập, ưu tiên làm phòng học, nhà công vụ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.
Mạng lưới ngày càng đồng bộ
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khẳng định công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp luôn được các cấp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nhất quán. UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, với quy hoạch phát triển giáo dục – đào tạo là một trong những nội dung then chốt, làm nền tảng phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch, phân giao chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương rà soát, sắp xếp trường lớp phù hợp thực tiễn từng vùng miền.

Theo Đoàn giám sát, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu quy hoạch chi tiết, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo địa phương thực hiện sắp xếp, sáp nhập trường lớp, tinh gọn đầu mối, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc thành lập Trường Đại học Nghệ An, đề xuất phát triển Trường Đại học Vinh thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực được xem là hướng đi chiến lược… Song song với đó, các sở, ngành liên quan đã phối hợp tham mưu phân bổ ngân sách, thẩm định dự án, bố trí quỹ đất, rà soát biên chế giáo viên và đề xuất bổ sung kịp thời. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa bằng các đề án riêng.
Tổng chi ngân sách cho giáo dục – đào tạo giai đoạn 2021–2025 đạt gần 60.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 37% tổng chi ngân sách địa phương, riêng chi thường xuyên chiếm 47% tổng chi thường xuyên. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho giáo dục đạt 506.502 triệu đồng.
Nhờ những quyết sách đồng bộ, toàn tỉnh đã sáp nhập 31 trường, giảm 200 điểm trường lẻ, giảm 1 Trung tâm Hướng nghiệp, 14 đầu mối giáo dục nghề nghiệp; sáp nhập thành công Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Đại học Kinh tế Nghệ An. Việc tinh gọn đầu mối giúp tránh lãng phí, tiết kiệm chi phí quản lý, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm.
Hiện, toàn tỉnh có 1.507 trường học. Tỷ lệ trường ngoài công lập tiếp tục tăng, góp phần giảm áp lực cho hệ thống công lập, nhất là tại các khu vực đô thị… Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên đã được quan tâm củng cố, toàn tỉnh đã tuyển đủ hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng theo quy định. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành đạt 46.434 người, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 84,5%.
Cơ sở vật chất trường lớp từng bước được đầu tư đồng bộ. Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vượt 80%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục khẳng định vị thế. Nghệ An duy trì tốp đầu cả nước, hiện xếp thứ 12/63 tỉnh, thành, tăng 24 bậc so với năm 2020. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm bình quân đạt trên 81%, riêng bậc cao đẳng, trung cấp đạt hơn 95%.
đẩy nhanh sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp
Bên cạnh những kết quả tích cực, toàn tỉnh vẫn còn 882 điểm trường lẻ. Việc sáp nhập trường, điểm trường tại một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, cơ sở vật chất điểm trường chính chưa đáp ứng, gây quá tải… Bên cạnh đó, một số phòng học xuống cấp, bậc mầm non tỷ lệ kiên cố chỉ đạt 80,1%. Nhiều địa phương còn gần 200 phòng học tạm, mượn, trang thiết bị một số nơi chưa đáp ứng chuẩn mới.

Cùng với đó, nguồn nhân lực giáo viên vẫn thiếu hụt. Toàn tỉnh thiếu hơn 4.000 giáo viên; nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn. Việc tuyển dụng theo biên chế được giao ở một số địa phương còn chậm, nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ, năng khiếu…
Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát kiến nghị Trung ương sớm ban hành chính sách thu hút giáo viên nghề chất lượng cao, đãi ngộ đặc thù cho vùng khó khăn. UBND tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2026–2030 phù hợp quy hoạch tổng thể, tốc độ dân số, mô hình chính quyền 2 cấp; đẩy nhanh sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác trụ sở dôi dư sau sáp nhập, ưu tiên làm phòng học, nhà công vụ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tập trung đầu tư trường dân tộc nội trú, bán trú; đẩy nhanh xây dựng cơ sở 2 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, mở rộng Trường THPT Hermann Gmeiner Vinh; tổ chức dạy ngoại ngữ thứ hai (Trung, Hàn), tiếng Lào tại các vùng biên.