Giải đáp băn khoăn trong thực hiện quyền giám sát HĐND cấp xã
Từ ngày 1/7/2025, khi không tổ chức chính quyền địa phương cấp huyện và sáp nhập các đơn vị hành chính, việc kế thừa hay xây dựng lại chương trình giám sát chưa có hướng dẫn điều chỉnh cụ thể khiến cơ sở thực sự rất băn khoăn. Không chỉ khó về thủ tục, HĐND cấp xã còn gặp lúng túng về đối tượng và phạm vi giám sát, rất cần có quy định cụ thể, phù hợp để HĐND xã có thể giám sát các cơ quan ngành dọc đang hoạt động trên địa bàn quản lý.
Băn khoăn, lúng túng trong thực thi
So với các quy định trước đây, Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 đã có những điều chỉnh mang tính đột phá, mở rộng đáng kể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã, nhằm phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương gần dân nhất.

Trong đó, về nhiệm vụ giám sát, HĐND cấp xã được luật mới trao đầy đủ quyền với các hoạt động như HĐND cấp huyện trước đây: giám sát chuyên đề; xem xét các báo cáo, tờ trình, đề án do UBND và các cơ quan liên quan trình; chất vấn; giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm... Cùng với đó, việc quy định rõ trách nhiệm của Thường trực HĐND và các Ban HĐND trong theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết được xem là sự đổi thay mang tính quyết định để phát huy quyền năng của HĐND cấp xã.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 xác định rõ 5 hình thức giám sát HĐND các cấp được thực hiện. Để triển khai, Luật cũng quy định Thường trực HĐND có trách nhiệm xây dựng chương trình giám sát hàng năm trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Ban của HĐND, đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và kiến nghị cử tri; trình HĐND xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm liền trước. Chương trình giám sát này là căn cứ pháp lý để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban và Tổ đại biểu HĐND triển khai thực hiện trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, sau khi không tổ chức chính quyền địa phương cấp huyện và sáp nhập các đơn vị hành chính, việc kế thừa hay xây dựng lại chương trình giám sát chưa có hướng dẫn điều chỉnh cụ thể. Bà Nguyễn Thị Hoan, đại biểu HĐND xã Đức Thọ, Hà Tĩnh băn khoăn: xã mới thành lập, HĐND khóa mới vừa được kiện toàn; thực hiện đúng luật thì phải bàn kế hoạch giám sát của năm 2026, nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể việc kế thừa các chương trình giám sát từ HĐND huyện cũ và các xã trước khi nhập; điều chỉnh thế nào, bắt đầu lại ra sao - cơ sở thực sự rất băn khoăn và mong muốn Quốc hội sớm có điều chỉnh Luật cho phù hợp.
HĐND cấp xã còn gặp lúng túng về đối tượng và phạm vi giám sát. Ông Lê Hồng Thái, đại biểu HĐND xã Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk phân tích: Luật năm 2015 vẫn thiết kế theo mô hình ba cấp, trong khi ở cấp xã hiện nay không còn TAND, VKSND hay cơ quan thi hành án dân sự. Các cơ quan này đã được tổ chức lại theo khu vực. Nếu thẩm quyền giám sát tiếp tục thuộc cấp tỉnh, việc bảo đảm thực thi pháp luật tại cơ sở sẽ thiếu sự giám sát trực tiếp. Do đó, rất cần có quy định cụ thể, phù hợp để HĐND xã có thể giám sát các cơ quan ngành dọc đang hoạt động trên địa bàn mình quản lý.
Công khai để cử tri giám sát
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp xã, trong đó có hoạt động giám sát, phải nâng cao chất lượng đại biểu HĐND xã. Đại biểu HĐND cấp xã hiện nay phần lớn là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng giám sát, phản biện, chất vấn, thẩm tra và xử lý thông tin. Bà Nguyễn Thị Thuỳ – đại biểu HĐND xã Mai Phụ, Hà Tĩnh chia sẻ: quyền nhiều mà năng lực chưa tương xứng thì rất dễ dẫn đến hình thức. Cần có chương trình tập huấn định kỳ, nhất là về kỹ năng giám sát ngân sách, đầu tư công, chuyển đổi số – những lĩnh vực luật mới đã trao quyền thực chất cho HĐND xã.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa HĐND với UBND, MTTQ và các cơ quan chuyên môn. Nếu không có sự liên thông, đồng bộ và tôn trọng vai trò của HĐND, rất dễ dẫn đến tình trạng nghị quyết bị vô hiệu hóa trong thực tiễn. Phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm thực thi giữa các cơ quan cùng cấp. Trên thực tế, hầu như thẩm quyền của HĐND cấp huyện trước đây đã được đưa về cho HĐND cấp xã. Chất lượng đại biểu hiện nay đang là bước chuyển cơ học từ đại biểu hiện có. Mấu chốt trước mắt vẫn là phát huy cơ chế phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ luật định và ủy quyền của cử tri trao cho cơ quan dân cử. Làm nền tảng để bầu HĐND khóa mới vào tháng 3 năm sau.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin phải trở thành điều kiện bắt buộc. Cần công khai hoạt động HĐND xã trên cổng thông tin, mạng xã hội địa phương hoặc hệ thống trực tuyến của chính quyền số để cử tri giám sát ngược. “Cần số hóa nghị quyết, công khai thẩm tra, cập nhật giám sát, chất vấn để dân biết – dân góp ý – dân theo dõi”, bà Phạm Thu Hương – cử tri phường Hòa Hiệp Nam, Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.