Đồng bộ giải pháp để giảm lao động phi chính thức
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chiếm tới 64,6% lực lượng lao động, đa số thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động không bảo đảm. Chỉ ra thực trạng này, Đoàn giám sát về nguồn nhân lực của UBTVQH cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm dần quy mô lao động phi chính thức, nếu không sẽ tác động không nhỏ tới an sinh xã hội.
Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm xã hội
Nguyễn Sơn sinh năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, anh cùng nhóm bạn nhận công việc giám sát các công trình xây dựng quy mô nhỏ, đồng thời phục vụ cho một quán ăn. Cả hai công việc này đều không có hợp đồng lao động và anh cũng không được đóng bảo hiểm xã hội. Những trường hợp lao động phi chính thức như Sơn chiếm hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Theo báo cáo của Cục Thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của Việt Nam năm 2024 là 64,6%, khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu so với năm 2021, tỷ lệ này giảm nhẹ, 68,5% với 33,6 triệu lao động. Đáng chú ý, lao động phi chính thức của Việt Nam không chỉ làm việc trong khu vực phi chính thức mà còn làm việc khá đông trong khu vực chính thức. Năm 2024, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu lao động phi chính thức trong khu vực chính thức, trong đó 56,1% nằm trong hộ sản xuất kinh doanh cá thể và 31,5% là trong các doanh nghiệp tư nhân.
Các chuyên gia cho rằng, đối với một quốc gia có dân số đông và nền kinh tế phát triển thấp như Việt Nam, việc làm phi chính thức là một phần không thể thiếu, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Mặc dù tình trạng phi chính thức tác động khá tiêu cực đến thu nhập, an toàn và sức khỏe của người lao động nhưng đôi khi họ buộc phải làm để bảo đảm cuộc sống mưu sinh trong bối cảnh các điều kiện phúc lợi xã hội còn hạn chế hoặc thu nhập từ công việc chính thức không đủ chi trả sinh hoạt hàng ngày.
Khu vực nông thôn đang chịu nhiều yếu thế hơn so với khu vực thành thị với gần 3/4 lao động phi chính thức của Việt Nam cư trú ở khu vực này. Tỷ lệ lao động phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn khá nhiều so với khu vực thành thị, 74,1% so với 49,2%.
Việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, tuy nhiên nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, có tới 32,9% lao động phi chính thức đã làm công việc thiếu ổn định này từ 3 - 9 năm và 49,5% làm từ 9 năm trở lên.
“Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu”, Phó Trưởng ban Thống kê dân số và lao động, Cục Thống kê Nguyễn Huy Minh phân tích.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Mặc dù lao động phi chính thức tồn tại như một tất yếu khách quan, song tỷ lệ này cao thực sự là rào cản đối với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường có thu nhập trung bình cao theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng. Muốn có một nền kinh tế phát triển và bền vững, không thể dựa vào thị trường lao động với tỷ lệ phi chính thức cao. Vì thế, Đoàn giám sát đề nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm dần quy mô lao động khu vực phi chính thức.

Các nghiên cứu cho thấy, trình độ chuyên môn của người lao động càng cao thì xác suất người đó trở thành lao động phi chính thức càng giảm. Do đó, trước hết cần tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động; khuyến khích người lao động tự nâng cao trình độ để tìm kiếm được một công việc tốt hơn. Luật Việc làm mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, quy định Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với một số đối tượng như người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số; người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại khu kinh tế - quốc phòng… Chính sách này sẽ góp phần “chính thức hóa” lao động phi chính thức thời gian tới.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách để chuyển lao động khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là cơ hội để chúng ta giảm mạnh và nhanh tỷ lệ lao động phi chính thức. Bởi khu vực tư nhân, bao gồm hộ gia đình nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ chức sự nghiệp công lập, đang tạo ra số việc làm lớn nhất cho cả nền kinh tế, với khoảng 46,2 triệu lao động. Riêng khu vực doanh nghiệp và hợp tác xã, lao động tư nhân là trên 8 triệu người, chiếm khoảng 62,7%. Nếu các hộ kinh doanh cá thể và cá nhân kinh doanh - hai đối tượng có tiềm năng nhất trong khu vực kinh tế cá thể có thể chuyển đổi và dịch chuyển sang khu vực kinh tế tư nhân chính thức, thì tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức theo đó cũng dịch chuyển theo.
Ngoài ra, tại những địa phương có tỷ lệ lao động phi chính thức cao, cần tập trung phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư để tạo ra nhiều việc làm cho thu nhập cao.
Đảng, Nhà nước đang triển khai những quyết sách chiến lược mang tính cách mạng, đặt ra nhiều yêu cầu mới cao hơn. Điều này đòi hỏi phải có tư duy phát triển mới, giải pháp đột phá, quyết tâm chính trị và nỗ lực rất lớn để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.