Hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp
Tại Hội thảo "Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, các đại biểu kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường, trong đó có thị trường carbon trong nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành:
Hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp
Sau 4 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực thi các chính sách của Luật vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường chưa được kiểm soát hiệu quả; thiếu hụt nguồn lực ở cấp cơ sở; hệ thống giám sát môi trường còn phân tán, thiếu đồng bộ và hiệu lực thi hành còn hạn chế.

Trước thực tiễn đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định một số định hướng lớn trong thời gian tới như: tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật và giám sát môi trường; thúc đẩy mô hình nông nghiệp xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững trên nền tảng thế mạnh vùng miền; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; nâng cao nhận thức và vai trò trung tâm của người nông dân; mở rộng hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm tính rõ ràng, khả thi và đồng bộ; bổ sung nguồn lực ngân sách, công nghệ và cơ chế tài chính xanh để hỗ trợ các mô hình sản xuất sạch, tuần hoàn, sinh thái; phát huy vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu công nghệ môi trường và phục hồi đất đai; xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường số, phục vụ hiệu quả cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên lâu dài.
TS. Vũ Duy Hoàng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường carbon trong nước
Sản xuất lúa nước đóng vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh lương thực, nhưng đồng thời là một trong những nguồn phát thải khí metan (CH4) lớn nhất trong nông nghiệp.

Tại Việt Nam, lúa là cây trồng chủ lực, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa vẫn là vấn đề đáng lưu tâm. Lượng phát thải CH4 từ ruộng lúa tại Việt Nam ước đạt khoảng 49,7 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm. Lượng phát thải này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như cách quản lý nước, loại và lượng phân bón, phương thức xử lý rơm rạ, điều kiện đất, khí hậu và giống lúa, trong đó quản lý nước được xác định là yếu tố then chốt.
Thực tế này cho thấy, nhu cầu cấp thiết về chuyển đổi mô hình canh tác theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững. Trong số các giải pháp được chứng minh hiệu quả, kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ nổi bật với khả năng giảm phát thải CH4 thông qua luân phiên điều kiện hiếu khí và yếm khí, đồng thời tiết kiệm nước mà không làm suy giảm năng suất.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế còn gặp nhiều rào cản: hạn chế về nhận thức; thiếu cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để khuyến khích nhân rộng mô hình; hạ tầng thủy lợi chưa đồng bộ ở nhiều vùng khiến việc điều tiết nước theo yêu cầu kỹ thuật của tưới ướt khô xen kẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, việc người dân chưa thực sự hiểu đúng về phương pháp này trong khi thiếu các chương trình triển khai đồng độ dẫn đến tâm lý lo ngại khi áp dụng phương pháp này trong thực tế. Cùng với đó, thị trường tín chỉ carbon trong nước chưa được vận hành đầy đủ, dẫn đến việc giảm phát thải chưa được ghi nhận, quy đổi thành lợi ích kinh tế, làm giảm động lực của cả nông dân và doanh nghiệp.
Để thúc đẩy hiệu quả các mô hình canh tác lúa giảm phát thải, cần thực hiện đồng bộ các cải cách chính sách và hoàn thiện khung pháp lý theo hướng hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Cần tăng cường truyền thông và đào tạo kỹ thuật cho nông dân; thiết kế các gói hỗ trợ tài chính phù hợp; hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường carbon trong nước.
Thúc đẩy canh tác lúa phát thải thấp không chỉ là giải pháp kỹ thuật đơn lẻ mà là một định hướng chiến lược liên ngành, kết nối chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, và nâng cao thu nhập, đời sống nông dân. Đây cũng là bước đi tất yếu để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các xu thế kinh tế xanh toàn cầu và thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
PGS, TS. Võ Hữu Công - Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý của nhà nước và các công nghệ xử lý chất thải
Phát triển chăn nuôi đóng góp lớn vào giá trị kinh tế nhưng cũng là một trong những nguồn tạo ra lượng lớn chất thải rắn, nước thải và khí nhà kính thách thức không nhỏ cho công tác bảo vệ môi trường. Trước thực tế đó, phát triển chăn nuôi theo hướng xanh, tuần hoàn mang tầm chiến lược lâu dài nhằm giảm thiểu áp lực môi trường, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Kinh tế tuần hoàn đã được quy định rõ theo Khoản 1, Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, “kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Các mô hình nông nghiệp tái sử dụng phụ phẩm hoặc các sản phẩm đầu ra của quy trình sản xuất này được làm đầu vào cho quy trình sản xuất khác đang trở thành xu hướng phát triển bền vững, đặc biệt là các mô hình tái sử dụng phụ phẩm chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ cho cây trồng.
Nhiều chính sách và công nghệ xử lý ô nhiễm chất thải chăn nuôi đã và đang được áp dụng nhằm giảm thiểu hiện trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, một số quy định, chính sách và công nghệ khuyến cáo người dân áp dụng vẫn chưa xuất phát từ thực tế sản xuất và nhu cầu của người dân nên việc áp dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc thu gom và sử dụng chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi đã được nhiều cơ sở triển khai nhưng chưa triệt để. Tiềm năng sử dụng chất thải hữu cơ cho cây trồng là rất lớn, đặc biệt là chất thải rắn hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn không chỉ dừng lại ở việc tái sử dụng chất thải hoặc coi chúng là tài nguyên mà còn đòi hỏi sự kết nối và tính toán trong các hoạt động kinh tế nhằm tạo ra các chu trình tuần hoàn trong nền kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, cơ sở chăn nuôi và hộ gia đình vẫn còn rất lúng túng trong khâu thu gom, tái sử dụng chất thải chăn nuôi. Để có thể tạo ra mô hình chăn nuôi - trồng trọt hoàn chỉnh và đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, môi trường cao, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý của nhà nước đối với chất thải chăn nuôi và các công nghệ xử lý góp phần biến chất thải thành tài nguyên có giá trị.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo:
Tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện sứ mệnh “nông nghiệp xanh”
Doanh nghiệp là cầu nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường - người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp phải trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp bền vững. Nhiệm vụ của doanh nghiệp không chỉ là sản xuất, mà còn là dẫn dắt nông dân tiếp cận kỹ thuật xanh, là tổ chức sản xuất theo chuỗi, là xây dựng thương hiệu sản phẩm bền vững trên thị trường quốc tế.

Trên cơ sở đó, cần xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp bền vững, lấy doanh nghiệp làm trung tâm chuỗi giá trị. Có chương trình trọng điểm về giống cây trồng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải
Cùng với đó, cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu xanh: đất đai, tín dụng, chế biến phụ phẩm, phát triển chuỗi liên kết. Rà soát quy trình công nhận giống, tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, tạo hành lang thông thoáng hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Xây dựng cơ chế hợp tác công - tư mạnh mẽ hơn, để các doanh nghiệp được tham gia sâu vào các chương trình quốc gia, cùng nhà nước thực hiện sứ mệnh “nông nghiệp xanh”. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo cho nông dân chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững.