Sức khỏe

Bánh mì và sức khỏe: Ăn mỗi ngày có tốt không?

Hồng Nhung 18/07/2025 08:14

Bánh mì – một trong những thực phẩm phổ biến nhất trên thế giới – đang trở thành đề tài tranh luận trong thời đại của các chế độ ăn ít tinh bột.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-17 150639
Bánh mì là một thực phẩm cơ bản trong chế độ ăn uống của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với vô số lựa chọn như bánh mì trắng, nâu, nguyên cám, bột chua hay đa hạt, việc quyết định loại bánh mì nào phù hợp với sức khỏe là điều không hề dễ dàng. Vậy việc ăn bánh mì mỗi ngày thực sự mang lại lợi ích hay rủi ro cho cơ thể?

Bánh mì: Nguồn dinh dưỡng quen thuộc

Dù bị nhiều người loại bỏ khỏi các chế độ ăn kiêng hiện đại, bánh mì vẫn là nguồn cung cấp dồi dào các dưỡng chất thiết yếu. Một lát bánh mì có thể chứa chất xơ, đường tự nhiên, protein, vitamin nhóm B (thiamin, niacin, folate), cùng khoáng chất như sắt và kẽm.

Tuy nhiên, do chứa lượng carbohydrate cao, bánh mì có thể khiến người ăn cảm thấy đói trở lại trong thời gian ngắn. Chính vì thế, lựa chọn loại bánh mì phù hợp đóng vai trò then chốt trong việc duy trì năng lượng và cảm giác no.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-17 150732
Bánh mì được các chuyên gia đánh già là một “lựa chọn lành mạnh trong chế độ ăn cân bằng”.

Nên chọn loại bánh mì nào?

Theo chuyên gia dinh dưỡng Kristi Ruth, bánh mì nguyên hạt (wholegrain) là lựa chọn hàng đầu vì giàu chất xơ – chỉ một lát có thể cung cấp khoảng 7% lượng chất xơ khuyến nghị mỗi ngày.

“Chúng tôi thường khuyên dùng bánh mì nguyên hạt vì chất xơ trong đó giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và kéo dài cảm giác no”, bà Ruth chia sẻ.

Ngoài ra, bánh mì từ ngũ cốc nảy mầm – vốn giàu protein – khi kết hợp với bánh nguyên hạt sẽ giúp duy trì năng lượng bền vững, tránh tình trạng ăn vặt không kiểm soát.

Bánh mì đa hạt (multi-grain) cũng là lựa chọn lý tưởng, khi cung cấp từ 5–7gram chất xơ mỗi lát, vượt trội hơn bánh mì nguyên cám thông thường chỉ với 2 gram.

Lợi ích sức khỏe lâu dài

Lượng chất xơ cao trong chế độ ăn được chứng minh là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường type 2 và ung thư ruột. Bà Elana Natker, đại diện tổ chức Grain Foods Foundation cho biết: “40% lượng chất xơ trong chế độ ăn hiện nay đến từ các loại thực phẩm từ ngũ cốc như bánh mì. Loại bỏ chúng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn chất xơ thiết yếu”.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-17 150710
Bánh mì nên được nhìn nhận là một thực phẩm cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, có thể kết hợp cùng các chất béo lành mạnh như bơ, hoặc protein như thịt gà và trứng.

Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, bánh mì còn đóng vai trò trong nhiều giai đoạn quan trọng của cuộc sống. Đặc biệt với phụ nữ mang thai, bánh mì cung cấp folate – một loại vitamin cần thiết để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Thiếu folate do kiêng tinh bột có thể làm tăng nguy cơ dị tật lên tới 30%.

Năng lượng cho người vận động

Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng xếp bánh mì vào nhóm thực phẩm lành mạnh, đặc biệt phù hợp với người có hoạt động thể chất thường xuyên. Trong đó, bánh mì nguyên hạt, nguyên cám và bánh mì nâu được đánh giá là nguồn cung cấp năng lượng tốt nhất.

“Chế độ ăn theo phong cách Địa Trung Hải – ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì, rau củ, trái cây, cá và ít thịt – đã được chứng minh là giúp giảm huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch”, NHS khuyến nghị.

Bên cạnh đó, bánh mì còn là nền tảng lý tưởng để kết hợp với các thực phẩm lành mạnh khác như bơ, thịt gà nạc, trứng luộc, góp phần tạo nên một bữa ăn đủ chất và tiện lợi.

Cảnh báo: Ăn không đúng cách có thể gây tác dụng phụ

Tuy vậy, không phải ai cũng thích hợp với việc ăn bánh mì mỗi ngày. Những người mới chuyển sang chế độ ăn nhiều chất xơ có thể gặp các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Để cơ thể thích nghi, chuyên gia khuyên có thể bắt đầu từ bánh mì trắng hoặc bánh mì bột chua – vốn chứa ít chất xơ hơn và dễ tiêu hóa hơn.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-17 151831
Bánh mì trắng chứa ít chất xơ và dễ tiêu hóa, giúp tránh cảm giác đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.

Ngoài ra, bánh mì – như nhiều thực phẩm giàu tinh bột khác – có thể làm tăng đường huyết sau khi ăn. Điều này đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh tiểu đường, vì có thể cần điều chỉnh bằng insulin hoặc thuốc điều trị.

Bánh mì không phải “kẻ thù”

Chuyên gia Kristi Ruth cho rằng việc phân loại thực phẩm thành “tốt” hay “xấu” là không cần thiết. Điều quan trọng là mỗi cá nhân cần đọc kỹ nhãn dinh dưỡng, lựa chọn loại phù hợp với nhu cầu và thể trạng riêng của mình.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh rằng bánh mì không nên bị coi là thực phẩm “có hại”. Trái lại, nó là một phương tiện hiệu quả để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể nếu biết cách kết hợp khéo léo.

  • Lời khuyên từ chuyên gia
  • - Chọn bánh mì nguyên hạt hoặc đa hạt để tăng lượng chất xơ.
  • - Kết hợp bánh mì với protein nạc hoặc chất béo lành mạnh để tạo cảm giác no lâu.
  • - Nếu mới bắt đầu ăn nhiều chất xơ, hãy chuyển dần từ bánh mì trắng sang nguyên cám.
  • - Người có bệnh lý như tiểu đường cần chú ý đến chỉ số đường huyết khi tiêu thụ bánh mì.

Bánh mì, nếu được ăn đúng cách, không chỉ là một thực phẩm tiện lợi mà còn là nguồn dinh dưỡng quý giá cho sức khỏe lâu dài. Quan trọng là lựa chọn đúng loại, kết hợp đúng cách và điều chỉnh phù hợp với thể trạng mỗi người. Thay vì loại bỏ, hãy hiểu rõ để tận dụng những lợi ích mà bánh mì có thể mang lại.

Hồng Nhung