Người trẻ tìm lối đi riêng trong thị trường lao động ảm đạm
Trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và khó lường, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đang chủ động chuyển hướng bằng cách tái đào tạo, khởi nghiệp hoặc tìm đến những công việc linh hoạt hơn.

Khởi đầu gian nan: Tấm bằng giỏi không còn là “tấm vé vàng”
Khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Đông Nam Á học tại Đại học Quốc gia Singapore, anh Dylan Sim tin rằng bảng điểm xuất sắc cùng kinh nghiệm thực tập đa dạng sẽ giúp anh dễ dàng bước chân vào ngành tài chính hoặc tư vấn. Nhưng thực tế thì khác xa kỳ vọng: gần một năm sau ngày nhận bằng, anh vẫn chưa có việc làm chính thức, dù đã gửi hơn 100 đơn xin việc và tham gia nhiều vòng phỏng vấn.
Cảm giác bị “vô hình” giữa hàng trăm hồ sơ ứng tuyển khiến anh hoài nghi giá trị bản thân và những gì đã nỗ lực trong suốt những năm học đại học. “Tôi nghĩ điểm số tốt sẽ tự động chuyển hóa thành khả năng được tuyển dụng. Nhưng đó là suy nghĩ quá đơn giản”, anh chia sẻ.
Không phải là một trường hợp cá biệt, Dylan đại diện cho một thế hệ sinh viên phải đối mặt với thực tế việc làm ngày càng khắt khe. Theo khảo sát năm 2024 tại các đại học công lập Singapore, chỉ 87,1% sinh viên tìm được việc trong vòng sáu tháng sau tốt nghiệp – thấp hơn đáng kể so với các năm trước. Các doanh nghiệp cũng thận trọng hơn: chỉ 43% có kế hoạch tăng nhân sự trong quý tới, giảm so với cuối năm 2024.

Trong bối cảnh đó, các nhà giáo dục và hoạch định chính sách đang đặt lại câu hỏi: liệu chương trình đào tạo hiện nay có đang chuẩn bị đủ hành trang cho sinh viên bước vào thị trường việc làm đầy biến động?
Khi khởi nghiệp là một phương án giáo dục ngoài trường lớp
Giữa lúc thị trường việc làm ảm đạm, một số sinh viên chọn tự tạo cơ hội cho chính mình thay vì chờ đợi công việc phù hợp. Cheryl Tan – tốt nghiệp ngành du lịch giữa thời kỳ hậu COVID – nhận thấy ngành sự kiện chưa phục hồi, mức lương thấp, nhiều vị trí ngắn hạn. Thay vì tiếp tục gửi đơn, cô phát triển mô hình tổ chức sự kiện giá rẻ cho sinh viên từ chính nhu cầu và trải nghiệm trong thời sinh viên.
Từ việc tự học logistics, tìm hiểu vận hành đến xây dựng gói dịch vụ giá rẻ, mô hình kinh doanh này đã giúp Cheryl có được thu nhập, kinh nghiệm thực tiễn và định hình được tư duy làm chủ. Giờ đây, cô vừa làm trưởng bộ phận tổ chức sự kiện tại một công ty, vừa duy trì doanh nghiệp cá nhân.
Ở một chiều hướng khác, việc khởi nghiệp đến với nhiều người như một bước ngoặt sau khi bị sa thải. Sau khi mất việc tại một công ty crypto, chị Sheryl Avery Tham bắt đầu làm lễ tân tại một phòng tập yoga, rồi từ đó nảy ra ý tưởng thành lập trung tâm chăm sóc sức khỏe kết hợp yoga, thiền và pilates. “Nếu không làm bây giờ thì còn đợi đến bao giờ?” – câu hỏi đó là động lực để chị vượt qua tâm lý an toàn.

Vai trò của hệ thống giáo dục và định hướng nghề nghiệp
Bài học chung từ các trường hợp trên là tầm quan trọng của việc kết nối giữa giáo dục và thị trường lao động thực tế. Sinh viên không chỉ cần kiến thức chuyên môn, mà còn cần kỹ năng linh hoạt, tư duy thích nghi và sự chủ động trong định hướng sự nghiệp.
Các chuyên gia khuyến nghị, nhà trường cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ sinh viên thông qua mạng lưới cố vấn, trung tâm hướng nghiệp, các chương trình huấn luyện kỹ năng và gắn kết với doanh nghiệp. Đồng thời, cần khuyến khích sinh viên mở rộng lựa chọn nghề nghiệp, kể cả những công việc tạm thời, tự do hoặc liên ngành.
Nhiều cử nhân hiện đang tham gia các khóa học ngắn hạn về phân tích dữ liệu, lập trình hoặc marketing số để bổ sung kỹ năng – một xu hướng đang dần trở thành chuẩn mực trong kỷ nguyên số.
Định nghĩa lại thành công
Giữa thị trường việc làm đầy bất trắc, điều mà nhiều người trẻ đang học được, không chỉ từ nhà trường mà từ chính thực tiễn, là định nghĩa lại sự nghiệp. Không còn là con đường tuyến tính từ tốt nghiệp đến vị trí ổn định, mà là một hành trình linh hoạt, cá nhân hóa và thường xuyên tái định vị.
Như anh Dylan Sim. Những thất bại trong quá trình tìm việc đã buộc anh phải điều chỉnh lại kỳ vọng và cách tiếp cận của mình, tập trung vào việc truyền đạt rõ ràng giá trị của mình tới các nhà tuyển dụng tiềm năng và ưu tiên việc học hỏi hơn là theo đuổi mức lương và thương hiệu công ty.
Kết quả, gần một năm sau khi tốt nghiệp, anh cuối cùng cũng có được vị trí cố vấn trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tư vấn công nghệ.
.png)
Hay như anh Ivan Yeo, người không thể tìm được một công việc full-time và đang duy trì thu nhập nhờ kinh doanh mô hình đồ chơi lắp ghép và làm tư vấn bán thời gian. “Tôi thà kiếm ít tiền để làm điều mình xây dựng còn hơn kiếm nhiều tiền từ một công việc không yêu thích”, anh nói, nhưng không quên thực tế: “Tuy nhiên giờ có con nhỏ, tôi vẫn cần một công việc có thu nhập trước mắt đã”.
Giáo dục đại học ngày nay không thể chỉ dừng ở chỗ cấp bằng – nó phải là nền tảng cho một hành trình thích nghi lâu dài trong một thế giới nghề nghiệp đang thay đổi từng ngày. Và có lẽ, điều quý giá nhất mà trường học có thể dạy, chính là khả năng không ngừng học lại và bắt đầu lại – ở bất kỳ độ tuổi nào.