Nữ sinh dân tộc Sán Chỉ đạt 10 điểm Lịch Sử và 29,25 khối C00: Ước mơ trở thành giáo viên bám bản
Mang theo niềm tin được bố mẹ và bản làng gửi gắm, Đặng Thị Tây (người dân tộc Sán Chỉ) đã rời bản nhỏ Nà Lốm xuống Hà Nội học. Bằng sự nỗ lực, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em đã xuất sắc đạt 10 điểm tuyệt đối môn Lịch Sử, tổng điểm 29,25 ở khối C00.
Sinh ra ở bản Nà Lốm, một thôn vùng cao thuộc xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm cũ (nay là xã Yên Thổ, tỉnh Cao Bằng), Đặng Thị Tây (học sinh Trường Hữu Nghị T78) lớn lên trong một gia đình thuần nông. Từ nhỏ, cuộc sống của Tây chỉ gắn liền với nương rẫy, thiếu thốn từ vật chất cho đến điều kiện học tập.
Tuy vậy, cũng chính nơi vùng cao này đã nuôi dưỡng trong Tây một ý chí bền bỉ, một khát vọng vượt lên số phận để thay đổi tương lai.

Cả bản làng góp tiền cho đi học
Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa qua, với tổng điểm 29,25 khối C00, Đặng Thị Tây đạt 10 điểm Lịch Sử; 9,5 điểm Văn; 9,75 điểm Địa lý, và nằm trong nhóm thí sinh có điểm số cao nhất cả nước.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Đặng Thị Tây cho biết không dám nghĩ đạt điểm cao đến vậy. Nhận kết quả, cảm xúc của em như vỡ òa trong hạnh phúc.
"Em phải thoát ra vào lại trang tra cứu mấy lần, để chắc mình không nhìn nhầm. Tim em như rơi một nhịp. Thành tích này là 'trái ngọt' bù đắp cho bao tháng ngày miệt mài đèn sách", Tây xúc động kể lại.
Hành trình chạm tới tri thức của Tây không mấy dễ dàng. Từ năm cấp 1, khi gà mới gáy, em đã phải thức dậy, xếp đồ và vượt 30km để đến trường. Đó là quãng đường ngoằn ngoèo, có đoạn dốc dựng đứng, có đoạn lầy lội trơn trượt khi trời mưa.
Học hết lớp 9, Đặng Thị Tây thi đỗ vào Trường Hữu Nghị T78 – ngôi trường đặc biệt chuyên đón học sinh dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc và cả lưu học sinh Lào. Quyết tâm theo đuổi con đường học tập dài hơn, Tây mạnh dạn xin phép bố mẹ cho xuống Hà Nội học nội trú.
"Em từng chứng kiến những người bạn đồng trang lứa sớm nghỉ học để lấy chồng, sinh con, ban ngày lên nương làm rẫy, tối về chăn lợn, và không muốn như thế. Em hiểu chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời mình, sau đó quay về giúp đỡ bản làng", nữ sinh dân tộc Sán Chỉ tâm sự.

Khi Tây bày tỏ nguyện vọng với gia đình, rất may mắn được chấp thuận và ủng hộ. Không chỉ vậy, bởi là người đầu tiên trong thôn Nà Lốm xuống Hà Nội học nội trú, Tây trở thành niềm tự hào và hy vọng của cả bản.
Tối trước ngày Tây lên xe, người trong bản không ai bảo ai, người góp tiền, người góp đồ để Tây làm hành trang lên đường. Cả bản cùng quây quần tổ chức bữa cơm ấm cúng để chia tay cô học trò nhỏ.
"Tối đó, nhiều bác dúi vào tay em tờ 100, 150 nghìn, động viên em học tốt. Tuy không phải số tiền quá lớn nhưng em đã xúc động đến rơi nước mắt. Cho đến khi ngồi trên xe, dõi theo những cánh tay lưu luyến vẫy chào tạm biệt, em dặn bản thân phải học thật tốt để không phụ ân tình của dân bản", Tây nghẹn ngào nhớ lại.
Nhờ sự giúp đỡ của người trong làng, Tây có đủ kinh phí xuống Hà Nội nhập học. Hành trang em mang theo không chỉ là vài bộ quần áo, sách vở, mà còn là niềm tin yêu, hy vọng của cả bản Nà Lốm.

Ước mơ làm cô giáo "bám bản"
Chia sẻ về bí quyết học tập để đạt thành tích cao tại Kỳ thi vừa qua, Tây cho biết em tận dụng tối đa thời gian học trên lớp, chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài và ghi chép cẩn thận. Em cũng chia các phương pháp học riêng biệt, phù hợp từng môn.
Ví dụ, với môn Ngữ Văn, bên cạnh việc học từ thầy cô, Tây còn chủ động tìm hiểu qua mạng, đọc thêm các bài mẫu, phân tích đề và luyện viết đều đặn. Với môn Lịch sử, em học hệ thống theo từng sự kiện, phân chia mốc thời gian cụ thể, đánh dấu các lỗi sai mắc phải để không lặp lại. Còn với môn Địa lý, Tây chăm chỉ luyện đề kết hợp học thuộc cấu trúc câu học, rèn phản xạ và kỹ năng trình bày chính xác.
"Trước kỳ thi, nhiều đêm em học đến 12 giờ mới đi ngủ. Có lúc lại dậy từ 4 giờ sáng để ôn lại bài. Bởi các môn thuộc tổ hợp khối C tập trung vào kiến thức học thuộc, học hiểu, nên cần sự chăm chỉ và kiên nhẫn", nữ sinh bật mí.

Gia đình thuộc diện khó khăn nên để trang trải học phí cho Tây, có thời gian rảnh, bố em lên thành phố Cao Bằng làm thuê dựng nhà sàn để kiếm thêm thu nhập. Thương bố, cô nữ sinh bản Nà Lốm càng thêm quyết chí học tập, để sớm đỗ đại học, đi làm thêm phụ gia đình.
Với kết quả 29,25 điểm, Đặng Thị Tây dự định đăng ký ngành Sư phạm Văn thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Quyết định này không chỉ đến từ niềm yêu thích, mà còn vì ước mơ trở thành giáo viên để về bản "truyền lại" kiến thức cho thế hệ sau.
"Trên hành trình tri thức, em đại diện cho bản làng được tiếp cận và đi đầu. Nên với em, giáo viên không chỉ là nghề, mà còn là cách để trả ơn quê hương, giúp trẻ vùng cao như mình được học và phát triển", Nữ sinh Sán Chỉ bày tỏ.