Nâng hạng thị trường chứng khoán: đừng quên nhà đầu tư cá nhân
Sở hữu gần 90% giá trị giao dịch toàn thị trường, nhà đầu tư cá nhân đang là lực lượng chủ lực nhưng cũng là điểm yếu then chốt trong nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán; nếu không được chuẩn hóa về tư duy, hành vi và kiến thức, lực lượng này có thể làm chậm nhịp quá trình hội nhập và phát triển bền vững của thị trường.
“Lực kéo” và cũng là “điểm nghẽn”
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào năm bản lề 2025 - mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực hoàn thiện thể chế, kỹ thuật và hạ tầng giao dịch theo các tiêu chí quốc tế. Tuy nhiên, một trụ cột có tính nền tảng nhưng thường bị bỏ ngỏ lại chính là vai trò của nhà đầu tư cá nhân.
Tại Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17/7 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, nếu không đồng thời cải thiện chất lượng nhà đầu tư nội địa, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, thì những nỗ lực cải cách kỹ thuật hay pháp lý sẽ khó tạo được bước chuyển thực chất.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 9,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, một con số cao so với tỷ lệ dân số. Tuy nhiên, mặt trái của sự gia tăng mạnh về lượng là chất lượng đầu tư chưa theo kịp. Hành vi đầu tư mang tâm lý đám đông, chạy theo tin đồn, thiếu kỹ năng phân tích và quản trị rủi ro vẫn phổ biến. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 88 - 90% giá trị giao dịch hàng ngày, khiến thị trường dễ bị “xoay chuyển” bởi cảm xúc và hiệu ứng lan truyền trên mạng xã hội. Điều này dẫn đến những biến động lớn trên thị trường, thiếu ổn định và không đạt được các tiêu chí bền vững mà các tổ chức xếp hạng như FTSE Russell hay MSCI yêu cầu trong quá trình nâng hạng.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, nhận thức nhà đầu tư cá nhân là điểm nghẽn cốt lõi trong nỗ lực nâng hạng thị trường, trong khi hạ tầng, thể chế đang được cải cách mạnh, thì hành vi đầu tư thiếu lý trí, chạy theo phong trào và thiếu kiến thức tài chính cơ bản vẫn khiến thị trường dễ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tâm lý; ông cũng chỉ ra sự thiếu hụt các kênh tư vấn chuyên nghiệp và nền tảng giáo dục tài chính đại chúng hiện nay.
Cần chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, thị trường Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về thanh khoản trong 10 phiên gần nhất, nhưng để thu hút được vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thì yếu tố minh bạch, chuyên nghiệp của nhà đầu tư trong nước có vai trò rất quan trọng.
Bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, Ủy ban đang triển khai Chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030 với trọng tâm đáp ứng tiêu chí xếp hạng quốc tế và thu hút vốn ngoại. Nếu nhà đầu tư cá nhân được dẫn dắt vào các quỹ chuyên nghiệp, hưởng ưu đãi thuế và tiếp cận hệ sinh thái tư vấn tài chính rõ ràng, thị trường sẽ dần chuyển sang xu hướng đầu tư dài hạn, minh bạch và bền vững.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), cho rằng, nâng hạng thị trường không thể tách rời chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Ngay cả khi đã được nâng hạng, các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc vẫn duy trì đào tạo thường xuyên, bởi nhận thức và hành vi đầu tư không thể thay thế bằng hạ tầng kỹ thuật.
Để giải quyết bài toán nâng tầm nhà đầu tư, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần một chiến lược giáo dục tài chính toàn diện đến năm 2035. Chiến lược này nên do Nhà nước chủ trì, có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Chứng khoán và các hiệp hội nghề nghiệp. Giáo dục tài chính không chỉ giới hạn trong trường học, mà cần được tích hợp trên các nền tảng số, các kênh truyền thông đại chúng, và cả các hoạt động cộng đồng.
Cùng với đó, cần đồng bộ các giải pháp từ giáo dục tài chính đại chúng, hành lang tư vấn độc lập đến ưu đãi thuế cho đầu tư dài hạn. Thực tế cho thấy, một số tổ chức đã chủ động triển khai các chương trình đào tạo hiện đại, như mô hình học đầu tư qua video ngắn, podcast, truyện tranh, hội thảo... hướng đến thế hệ nhà đầu tư trẻ. Một số công ty quản lý quỹ cũng đề xuất cơ chế ưu đãi thuế cho các sản phẩm quỹ dài hạn như quỹ mở, quỹ hưu trí, đồng thời đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại phân phối chứng chỉ quỹ như mô hình phổ biến tại các quốc gia phát triển.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong nâng cao nhận thức nhà đầu tư. Theo ông, báo chí cần làm nhiệm vụ là lá chắn ngăn chặn thông tin độc hại, đặc biệt với nhà đầu tư F0.