31 tác phẩm được trao giải cuộc thi “Chuyện nghề Thi hành án dân sự”
Chiều 17/7, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi “Chuyện nghề Thi hành án dân sự”. Sự kiện do Báo Pháp luật Việt Nam và Cục Quản lý thi hành án dân sự phối hợp tổ chức. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc đã tham dự và phát biểu tại buổi lễ.
Đây là hoạt động thiết thực hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI; Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2025).
Cùng tham dự Lễ trao giải Cuộc thi còn có Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Quang Thái; Cục trưởng Cục Quản lý thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi; Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam, đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tác giả và nhân vật trong các bài viết đoạt giải, đại diện một số cơ quan báo chí…

Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các cây bút chuyên và không chuyên trên toàn quốc, thể hiện qua số lượng bài dự thi phong phú, đa dạng về thể loại và đối tượng tham gia. Nhiều tác phẩm dự thi đã khai thác chân thực, xúc động những câu chuyện đời thường tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - nơi mà điều kiện công tác của cán bộ Thi hành án dân sự còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn.
Sau 8 tháng phát động cuộc thi, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được gần 300 tác phẩm, đăng tải tại Chuyên mục Chuyện nghề Thi hành án dân sự và nhiều tác phẩm đăng tải trên các báo Trung ương và địa phương gửi dự thi như: Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Dân trí, Tiền phong, Vnexpress.net, Thanh niên, Hà Nội mới…
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khách quan, công bằng, Ban Tổ chức với các vị giám khảo uy tín đã lựa chọn được 31 tác phẩm chất lượng nhất để trao giải. Trong đó có 01 Giải đặc biệt (thuộc về tác giả Bình An (Nhà báo Thu Hằng) - Báo Pháp luật Việt Nam với loạt 3 kỳ: “Chuyện về những người "tiên phong" nhường bước cho lớp trẻ trong công cuộc tinh gọn bộ máy”); 2 giải A; 3 Giải B, 5 Giải C, 15 giải khuyến khích và 5 giải dành cho tác giả có tác phẩm ấn tượng.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá cao sự phối hợp, khởi xướng Cuộc thi của 2 đơn vị, đánh giá cao sự tham gia của các cơ quan báo chí trong thời gian ngắn 8 tháng nhưng rất nhiều tác phẩm có chất lượng, có hồn, phản ánh chân thật về nghề Thi hành án dân sự mà không phải ai cũng hiểu đúng vai trò, tính đặc thù, khó khăn, phức tạp của nghề. Cuộc thi này đã góp phần động viên, ghi nhận sự cống hiến rất lớn của ngành Thi hành án, của đội ngũ cán bộ, các chấp hành viên trong 79 năm qua.

Theo Thứ trưởng, thông qua Cuộc thi, những tấm gương, những mô hình tốt cách làm hay đã được lan tỏa để người dân, báo chí hiểu hơn về ngành Thi hành án. Với kết quả Cuộc thi lần thứ nhất, chúng ta đã thu lại được các sản phẩm đắt giá là những tác phẩm để lại trong lòng công chúng nhiều cảm xúc, nói lên được những khó khăn vất vả của nghề vốn có nhiều đặc thù, những con người vươn lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, những vụ việc được thi hành góp phần bảo đảm công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ghi nhận sự tham gia tích cực bằng cả tấm lòng trách nhiệm của các tác giả, thể hiện cảm xúc, sự sẻ chia với những khó khăn, đặc thù của nghề thi hành án dân sự, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp và cá nhân Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc chúc mừng các tác giả được vinh danh tại buổi Lễ. Thứ trưởng mong muốn Cuộc thi sẽ trở thành hoạt động thường niên, lan tỏa rộng hơn trong thời gian tới, qua đó tiếp tục khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm nghề nghiệp trong mỗi cán bộ thi hành án, xây dựng hình ảnh đẹp về nghề thi hành án, cùng toàn ngành Tư pháp bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước; đồng thời giúp người dân hiểu, chia sẻ và đồng hành với công tác Thi hành án dân sự trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Là người từng có 10 năm công tác liên quan đến hoạt động Thi hành án dân sự, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam chia sẻ rất thấu hiểu những vất vả, khó khăn của công tác này, của đội ngũ cán bộ, chấp hành viên. Nhưng ông cảm phục vì đội ngũ cán bộ thi hành án, chấp hành viên không bao giờ nói về những vất vả trong cuộc sống riêng tư của mình.

Theo Tổng Biên tập Vũ Hoài Nam, những nhân vật trong các bài viết tham dự Cuộc thi thực sự là tấm gương sáng trong nghề Thi hành án và xứng đáng được tôn vinh trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự tới đây. Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cam kết phối hợp với Cục Quản lý Thi hành án dân sự tổ chức tốt hơn nữa, nâng tầm hơn nữa Cuộc thi lần thứ 2 để người dân, xã hội hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của nghề Thi hành án dân sự.
Chia sẻ tại Lễ trao giải, đại diện các tác giả đoạt giải, Nhà báo Chiến Thắng (Báo Quân đội Nhân dân) – Giải Nhất cuộc thi chia sẻ: Cuộc thi là một sân chơi ý nghĩa, giúp các nhà báo có cơ hội được hiểu biết thêm về lĩnh vực thi hành án dân sự, về những cán bộ, chấp hành viên mưu lược, can trường, luôn giữ “cái đầu lạnh” trước mọi tình huống nóng phát sinh, đồng thời cũng luôn giữ trái tim tràn đầy nhiệt huyết và ấm áp tình người.

“Các chấp hành viên thực sự là những “chiến sĩ” trên mặt trận thực thi công lý. Họ đã phải đối mặt với những lựa chọn nghiệt ngã giữa công lý và tình người, sẵn sàng gác lại tình riêng để lời Bác Hồ dạy cách đây 80 năm với ngành Tư pháp – ‘Phụng công thủ pháp, chí công vô tư’ - được tỏa sáng”, Nhà báo Chiến Thắng chia sẻ.
Trên cơ sở thành công tốt đẹp và sức lan tỏa sâu rộng của Cuộc thi “Chuyện nghề Thi hành án dân sự” lần thứ nhất, Cục trưởng Cục Quản lý thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi đã chính thức phát động Cuộc thi “Chuyện nghề Thi hành án dân sự” lần thứ hai. Cuộc thi do Cục Quản lý thi hành án dân sự phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2026) nhằm tiếp tục lan tỏa những hình ảnh, những câu chuyện đẹp về nghề thi hành án dân sự, về người cán bộ thi hành án dân sự, tôn vinh giá trị công lý.


