Xã hội

Đắk Lắk: Trăn trở sau khi dừng chính sách thu hút trí thức trẻ

Djuang Niê 17/07/2025 18:55

Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã khiến nhiều trí thức trẻ từng công tác tại tỉnh Phú Yên (cũ) theo diện thu hút nguồn nhân lực phải chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/7/2025. Không được xem xét bố trí công việc mới, cũng không còn căn cứ để tiếp tục chính sách cũ, các trí thức trẻ đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Mất việc, chưa có phương án sắp xếp lại

Cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị
Chị Trần Thị Tuyết Trinh nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri tại phường Tuy Hòa.

Chị Trần Thị Tuyết Trinh (35 tuổi, trú tại phường Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những trí thức trẻ được tuyển dụng theo Nghị quyết 113/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Phú Yên (cũ). Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, chị từ bỏ công việc tại TP. Hồ Chí Minh để về làm địa chính nông nghiệp tại Hợp tác xã Hòa Thành, xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa (cũ), nay thuộc phường Đông Hòa, tỉnh Đắk Lắk.

Gắn bó gần 10 năm với cơ sở, chị Trinh cho biết: “Tôi làm việc như công chức, nhưng khi hợp đồng bị chấm dứt thì chỉ nhận bảo hiểm thất nghiệp, chưa có hỗ trợ nào khác. Hiện tôi đang nuôi hai con nhỏ, là lao động chính trong nhà, đi xin việc nhiều nơi vẫn chưa nơi nào nhận. Mong muốn của tôi là được bố trí công việc phù hợp để tiếp tục đóng góp cho địa phương. Nếu chưa sắp xếp được, rất cần có chính sách hỗ trợ kịp thời”.

img_1286.jpeg
Đội ngũ trí thức trẻ mong muốn nhận được sự hỗ trợ sau khi kết thúc hợp đồng lao động.

Tương tự, chị Phan Thị Bích Thu (37 tuổi, trú tại phường Hòa Hiệp) cũng là trường hợp thuộc diện thu hút trí thức trẻ. Hơn 10 năm trước, chị rời bỏ công việc tại một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh với mức thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng để về công tác tại UBND phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa (cũ).

Chị Thu chia sẻ: “Tôi xác định trở về là để cống hiến, chấp nhận mức lương thấp hơn. Hơn 10 năm qua tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 4 năm hoàn thành xuất sắc. Nhưng khi hợp đồng bị chấm dứt đột ngột, tôi không được bố trí việc làm mới cũng như không có chế độ hỗ trợ nào. Hiện tôi đang nuôi con nhỏ, chưa có nhà ở riêng, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Đến bây giờ gia đình vẫn chưa hay biết chuyện tôi mất việc”.

Không còn cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện chính sách

Chính sách thu hút trí thức trẻ của tỉnh Phú Yên (cũ) được triển khai từ năm 2014 theo Nghị quyết 113/2014/NQ-HĐND nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho cấp xã, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp. Theo đó, trí thức trẻ được Chủ tịch UBND cấp huyện ký hợp đồng lao động, được hưởng các chế độ như công chức cấp xã, tuy nhiên không tính vào chỉ tiêu biên chế.

img_1289.jpeg
Chị Phan Thị Bích Thu (thứ 2, từ phải qua) tham gia nghiệm thu mô hình trồng lúa tại địa phương.

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp được thực hiện, cấp huyện không còn là đơn vị hành chính nên không còn cơ quan đủ thẩm quyền ký hợp đồng, đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục triển khai chính sách này.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk Trương Ngọc Tuấn cho biết: “Chính sách thu hút trí thức trẻ của tỉnh Phú Yên (cũ) đã hết hiệu lực từ ngày 24/6/2025. Đồng thời, các cơ chế ưu đãi từng áp dụng như xét tuyển công chức không qua thi, giao đất không qua đấu giá… cũng không còn phù hợp với quy định tại Nghị định 138, Nghị định 33 và Luật Đất đai năm 2024”.

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, các hợp đồng lao động do UBND cấp huyện ký trước đây đều phải chấm dứt, người lao động sẽ được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp thất nghiệp tùy theo quá trình tham gia bảo hiểm. “Hiện nay không có cơ sở để đề xuất hỗ trợ thêm đối với các trường hợp này. Tuy nhiên, địa phương sẽ ưu tiên giới thiệu các trí thức trẻ cư trú tại chỗ tham gia bầu giữ các chức danh như trưởng thôn, buôn, khu phố, tạo điều kiện để tiếp tục đóng góp cho cộng đồng”, ông Tuấn thông tin.

Djuang Niê