"Mưa đỏ": Tôn vinh những “tuổi đôi mươi đã hóa thành bất tử"
Trong quá trình sản xuất phim “Mưa đỏ”, từng thành viên trong đoàn đều thấm thía rằng mình đang đi theo dấu chân của cha anh năm xưa, kể lại câu chuyện có thật đã nằm lại trong lòng đất mẹ…
Tái hiện 81 ngày đêm khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị
Chiều 17/7, tại Hà Nội, Điện ảnh Quân đội nhân dân khai mạc triển lãm ảnh “Mưa đỏ - Tri ân từ khuôn hình”. Đây là hoạt động mang ý nghĩa chính trị, nghệ thuật và nhân văn sâu sắc, đúng vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025).

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Đại tá Nguyễn Thu Dung cho biết: với những người làm nghệ thuật trong quân đội, mỗi tác phẩm điện ảnh là một nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ sản xuất bộ phim “Mưa đỏ”, chúng tôi xác định đây không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà là một sứ mệnh thiêng liêng, tái hiện một giai đoạn lịch sử oanh liệt, tôn vinh sự hy sinh anh dũng của hàng nghìn chiến sĩ tại Thành cổ Quảng Trị - nơi tuổi đôi mươi đã hóa thành bất tử.

Theo Đại tá Nguyễn Thu Dung, trong quá trình sản xuất phim, từ những ngày dựng bối cảnh, tuyển chọn diễn viên, đến khi bấm máy trên những địa hình khắc nghiệt, từng thành viên trong đoàn đều thấm thía một điều: chúng tôi đang đi theo dấu chân của cha anh năm xưa, hồi sinh vào những câu chuyện có thật đã nằm lại trong lòng đất mẹ. "Đó là một quá trình gian khổ nhưng đầy tự hào, là hành trình sáng tạo của nước mắt và lòng biết ơn".
“Mưa đỏ” là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả. Đó là mưa của bom đạn, của máu và của nước mắt đã đổ xuống suốt 81 ngày đêm trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị. Nơi ấy, lớp lớp chiến sĩ tuổi đôi mươi đã ngã xuống, hòa mình vào dòng sông Thạch Hãn đỏ lửa để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bộ phim còn là sự kết tinh giữa tư liệu lịch sử chân thực và ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh hiện đại. Từ góc nhìn nhân văn, bộ phim đã tái hiện một trong những trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử dân tộc hiện đại - không chỉ bằng hình ảnh, mà bằng cả tiếng gọi của ký ức và khát vọng tri ân.

Rất nhiều khoảnh khắc xúc động, chân thực đã được ghi lại trong suốt quá trình thực hiện. Những bức ảnh hậu trường, những khuôn hình người lính, ánh mắt, tư thế, màu sắc chiến trường, nỗi đau và cả hy vọng - tất cả đã trở thành những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật độc lập, chứa đựng thông điệp rõ ràng: Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép mình lãng quên lịch sử!
Chính vì vậy, việc tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật “Mưa đỏ - Tri ân từ khuôn hình” đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh liệt sĩ không chỉ là hoạt động đồng hành cùng bộ phim, mà còn là một nén tâm nhang nghệ thuật, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh - những người đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường để đất nước được độc lập, nhân dân được bình yên.
Vinh dự và biết ơn được là một phần của "Mưa đỏ"
Tham dự lễ khai mạc triển lãm có dàn diễn viên trẻ tham gia phim "Mưa đỏ". Nhớ về những ngày quay phim, diễn viên Nhật Hoàng cho biết: “Thời điểm đó tôi thấy đầy gian nan, nhưng giờ nhìn lại những giây phút ở bờ sông, chiến hào… lại là những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ”.

Hoàng cho biết, thử thách lớn nhất không phải là sự khắc nghiệt của bối cảnh, mà là làm sao “thể hiện được dù chỉ một phần nhỏ bé những gì các chiến sĩ cha anh đã trải qua”. Chính bối cảnh chân thực và sự đốc thúc của đoàn làm phim đã giúp anh và các diễn viên thực sự hóa thân vào nhân vật.
Trong khi đó, diễn viên Phương Nam tâm sự: Chúng tôi tham gia “Mưa đỏ” không nhằm thể hiện bản thân, mà muốn thông qua bộ phim chiến tranh cách mạng này, để khán giả thấy được hòa bình ngày hôm nay tươi đẹp là nhờ cha ông ta đã phải đánh đổi bằng cả máu xương.

Các diễn viên bày tỏ niềm vinh dự và biết ơn vì đã được trở thành một phần của “Mưa đỏ”; mong muốn khi bộ phim ra mắt, mọi người sẽ đi xem, để thấy hình ảnh cha anh ngày xưa và trân trọng hơn những giá trị mà họ đã hy sinh để tạo dựng.
“Mưa đỏ” không chỉ là một bộ phim, mà còn là cầu nối thế hệ, nhắc nhở chúng ta về quá khứ hào hùng và những bài học không bao giờ được lãng quên.
Phim hướng đến kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh, dự kiến khởi chiếu dịp lễ 2/9.